Đặc sắc điệu múa của thiếu nữ Chăm bên tháp cổ

Thiếu nữ Chăm tạo dáng bên tháp cổ.

Thiếu nữ Chăm tạo dáng bên tháp cổ.

Những thiếu nữ, nghệ nhân nữ với những tiết mục hát dân ca Chăm, múa Chăm, trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm… bên tháp Đôi, tháp Bánh Ít là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Bình Định trong những ngày qua.

Hơn 1.000 năm về trước, Bình Định đã được các quốc vương Chăm Pa chọn làm đất kinh kỳ. Một thời kỳ vàng son của vương quốc Chăm Pa đã để lại trên vùng đất này những di sản vô giá. Dấu tích thành quách và đặc biệt là những ngọn tháp rêu phong đã đứng trước những thử thách của thời gian qua nhiều thế kỷ.

Những tiết mục hát dân ca Chăm, múa Chăm, của đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận và các cô gái đồng bào Chăm H’roi ở huyện Vân Canh duyên dáng trong điệu múa xoang.

Toàn tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Chăm (Bánh Ít, Dương Long, Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, Hòn Chuông) với 14 tháp, phân bố ở các địa phương, gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát.

Khác với tháp Chăm ở các tỉnh, thành phía Nam, các tháp Chăm ở Bình Định hiện nay không còn gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Tuy nhiên, hằng năm, cộng đồng người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thường tổ chức hành hương đến các tháp Chăm ở Bình Định như: tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Đôi (TP Quy Nhơn), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn) và thực hiện các nghi lễ cúng thần linh của họ.

Đặc sắc điệu múa của thiếu nữ Chăm bên tháp cổ - Ảnh 2.

Nữ nghệ nhân Chăm tỉnh Ninh Thuận trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm truyền thống.

Nhằm góp phần phục hồi không gian tâm linh cho di tích, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, những năm qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện tu bổ một số tháp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại các di tích; tăng cường quảng bá, kết nối du lịch đến các tháp Chăm.

Đầu tháng 7/2023, tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít diễn ra chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Ninh Thuận. Xuyên suốt chương trình (2 buổi sáng, chiều), đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận biểu diễn giao lưu, giới thiệu nét văn hóa dân gian Chăm, với các tiết mục hát dân ca Chăm, múa Chăm, hòa tấu trống Ghinăng, kèn Saranai, trống Paranưng trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm…; đoàn nghệ thuật đồng bào Chăm H’roi (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) biểu diễn giao lưu, giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng, độc tấu đàn goong, trống kơtoang đối đáp…

"Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật này là dịp kết nối tình đoàn kết giữa người Chăm ở Ninh Thuận và người Chăm H’roi ở Bình Định. Ngoài ra, với tinh thần giao lưu, học hỏi, truyền dạy nghệ thuật truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật văn hóa Chăm, mà với những tiết mục biểu diễn độc đáo sẽ là điểm nhấn để thu hút khách du lịch", ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết.

Nữ nghệ nhân Chăm tỉnh Ninh Thuận trình diễn nghệ thuật làm gốm. Với đôi bàn tay khéo léo, nữ nghệ nhân sẽ tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo.

Nét đẹp duyên dáng của thiếu nữ Chăm. Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng các cô gái đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.

"Thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với di tích tháp Chăm hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị của di tích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nhận thức rõ tiềm năng của du lịch văn hóa Bình Định, trong nhiều năm qua, ngành du lịch cùng với ngành văn hóa đã triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như tour tham quan tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long…".

Ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn