Đại lễ tưởng niệm 713 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 4/12, tại Việt Nam Quốc tự, quận 10, TPHCM, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 713 ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11 năm Mậu Thân-1/11 năm Tân Sửu)

Quang lâm chứng minh buổi lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng, ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi lễ, chư tôn đức thành kính dâng hương trước hương án, di ảnh Đức Phật hoàng, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc; cầu nguyện quốc thái dân an.

Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ 1258. Năm Mậu Dần 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Trần Khâm được vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua Trần Nhân Tông đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.

Đại lễ tưởng niệm 713 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 1.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố quang lâm chứng minh buổi lễ tưởng niệm Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Năm 1293, Đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1299, Ngài rời kinh đô, chọn núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người thống nhất ba dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo,” “Hòa quang đồng trần.”

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt, được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.

Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn