Dáng hình của ký ức

Truyện ngắn của Vũ Thủy
27/08/2021 - 20:00
Dáng hình của ký ức

Ảnh minh họa

Huế mong manh như tâm hồn của mẹ. Yêu thương như chính những con phố nhỏ ngân vang tiếng chuông trầm. Ngồi trong quán café “Lộng Gió” nhìn ra ngày nắng vàng, những chiếc lá... và vẫn có những chiếc xe đạp sóng đôi nhau đó thôi.

Huế chìm trong màu nắng vàng. Dịu dàng và đằm thắm. Thỉnh thoảng có một chiếc lá chao nghiêng vì những cơn gió nhẹ tràn qua. Đứng trên cầu Tràng Tiền, ánh mắt em vẫn nhìn xa xăm xuống dòng sông Hương xanh thẳm, lờ lờ và lặng lẽ. Có vẻ như những người Huế như em đã quá quen với nhịp chiều lặng lẽ ấy, khi vòng quay xe đạp chậm lại, những bước chân qua cầu Tràng Tiền nặng trĩu hơn. Và em cũng đi bên tôi lặng lẽ hơn, lặng lẽ đến nỗi tôi cảm giác được nhịp của những cơn gió ở Huế, mùa này.

Tôi quen em như một câu chuyện cổ tích, có lẽ chỉ xảy ra ở Huế. Một chiều mưa, tôi phóng vội chiếc xe máy trên đường về nhà nghỉ. Khi Huế đang dần ướt đẫm. Đường phố bỗng hóa thành những dòng sông tím lặng, những chiếc lá bồ đề chòng chành trên sóng nước, đổ dồn về phía cuối dòng sông Hương, bên bờ Vĩ Dạ. Và tôi gặp em. Gặp em chìm trong mái tóc ướt mưa. Em không vội vã. Không nhìn đến những người chùm kín áo mưa bên cạnh. Em dừng lại bên nhà sách Phú Xuân, dừng thật lâu trước khi em bước chân lên cầu Tràng Tiền ngập mưa. Không hiểu tại sao em lại hút hồn tôi đến như thế. Và tôi dừng lại, đứng bên cạnh em. Trong em toát ra thật nhiều hương của xứ Huế, tôi không biết mình đang đứng bên một người con gái hay chính đó là mảnh đất Huế trầm tư. Em nhìn tôi bằng nụ cười ngâm ướt mưa. Tôi quen em trong cái giấc mơ chập choạng dìu dịu như chính mảnh đất mà tôi và em đang ở.

Thỉnh thoảng tôi vẫn hay hỏi em tại sao ngày hôm đó em lại đồng ý để tôi đứng bên cạnh em, tại sao lại để tôi đưa em về, em không sợ bị tôi lừa sao. Em cười bảo: "Ở Huế những ngày mưa ai cũng thật thà".

Tôi đã đi bên cạnh cô nữ sinh ấy trong những ngày thấm đẫm hương mưa xứ Huế. Thỉnh thoảng đứng bên cầu chiều, hay mơ màng nghe tiếng hát u uất của Khánh Ly vọng ra từ các quán café gần đó, em bỗng nắm chặt lấy tay tôi, trong khi tiếng nhạc buồn vẫn cứ hắt ra "... Buổi chiều ngồi ngắm những chuyến mưa qua...", "... Những dấu chân muộn phiền đã chìm vào cơn mưa...". Em im lặng buộc tôi phải phá vỡ cái khoảng yên tĩnh ấy bằng những câu nói chẳng ăn nhập gì với tâm trạng của em nhưng em luôn mỉm cười và gọi tôi là "ông tiên vui". Tôi đùa lại em rằng: "Còn em là bà tiên buồn nhé". Những ngày mưa, những ngày nắng, những con đường... tất cả trở nên gắn bó với tôi đến kỳ lạ. Tôi gọi đó là tình yêu. Cũng mỏng mảnh và dịu ngọt như tình yêu của tôi và em.

Chuyến công tác của tôi đã kết thúc một cách tốt đẹp. Chính em đến chào tôi, khi bản thân tôi còn ngập ngừng và lo lắng, chưa biết phải nói với em thế nào. Em vẫn mặc chiếc áo ngày đầu tiên ấy. Một tháng, và tất cả Huế trong tôi dường như đều thuộc về em.

"Về Hà Nội anh sẽ nhớ Huế chứ?", em ngập ngừng.

"Anh sẽ quay lại. Nhất định phải quay lại. Vì em và vì Huế", tôi nắm chặt lấy bàn tay gầy của em. "Hãy đợi anh".

Tôi phải đi cho kịp chuyến tàu. Em quay đi. Tôi biết đôi vai em đang run, và những giọt nước hình cầu mặn chát đang làm bước chân em vấp váp. Nhưng em không quay lại. Em để mặc tôi nhìn theo mãi. Nhìn dáng em nhẹ như một chiếc lá cuối mùa ở Huế. Em đã để lại trong tôi quá nhiều.

Về Hà Nội. Tôi tính chuyện sẽ quay lại gặp em càng sớm càng tốt nên tôi lao vào công việc, mong hoàn thành nhanh nhất công trình khoa học sau một tháng nghiên cứu nước sông Hương ở Huế. Công việc chiếm quá nhiều thời gian. Tôi cũng không thể viết thư cho em, nhưng tôi biết em đang đợi tôi. Thỉnh thoảng bắt một chút thời gian rảnh rỗi trong sự chật hẹp của mình, tôi lại lang thang trên những con đường nhỏ quanh co của phố cổ Hà thành và đếm những dấu chân nhung nhớ gửi cho em trong nghĩ suy.

Tôi bảo vệ công trình khoa học thành công và được cử đi học xa. Nhận được quyết định, tôi định về Huế gặp em trước khi đi. Nhưng những công việc chuẩn bị trước khi đi, những buổi gặp gỡ, tiệc rượu... làm tôi quên bẵng mất chuyến đi về Huế. Rồi tôi quên mất. Nỗi nhớ về em là nỗi nhớ mà tôi đã làm chìm khuất chăng?...

Cuộc sống trôi đi như thế đấy cậu bé ạ. Ký ức về em trong tôi là một khoảng trống, đã bị tất cả những bộn bề của cuộc sống lấp thật đầy, nhưng chưa bao giờ là chặt. Và có những cuộc gặp gỡ...

Tôi nhận được lời mời của một người bạn thân tham dự triển lãm ảnh, chính là bố của cậu đấy, cậu bé. Tôi không có ham mê tranh lắm, chỉ vì nể bố cậu nên đã có mặt và cũng một phần vì tò mò với cái tên của cuộc triển lãm "Dáng hình của ký ức". Và kỳ lạ, tôi gặp lại em. Em đứng bên cầu Tràng Tiền, bên dòng sông Hương, bên nhà sách Phú Xuân... Chao ôi, đúng là ánh mắt của người con gái mà tôi đã từng yêu. Tôi đứng như một kẻ bị kéo tuột linh hồn ra khỏi thời khắc ấy và trở về với mười bảy năm trước. Em đứng bên tôi. Chiều mênh mang và buồn. Và chỉ có dáng em thanh khiết như thế.

Tôi trở lại Huế nhưng không đủ can đảm gặp em. Ở Huế và chỉ đếm theo những dấu chân của em... Ký ức sắc như một chiếc dao nhọn, đâm vào tim đến nhức buốt. Nhưng những cơn gió của sông Hương vẫn thơm như thế đấy, và có lẽ ngàn năm sau vẫn thơm...

Dáng hình của ký ức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

***

Vậy là người đàn ông ấy cuối cùng đã trở lại. Tôi đã biết tại sao chiều nào mẹ cũng lên cầu Tràng Tiền. Có lẽ mẹ cũng đã gặp cha, một kẻ lãng du đích thực, tại nơi này. Nhưng năm tháng cuộc đời đã khác xưa rồi. Cô nữ sinh ấy bây giờ là người tôi gọi mẹ. Mẹ đã đến với cha tôi. Tôi biết đó là sự đồng điệu giữa một tâm hồn với một tâm hồn. Mẹ đã sống cả cuộc đời mình ở Huế. Và cha tôi, dù có theo đuổi công việc đến miền đất nào của đất nước, cha vẫn đếm những dấu chân nỗi nhớ, và trở về với mẹ, với Huế, và những ngày mưa dai dẳng. Mẹ đợi cha trên mỗi con đường. Và đón cha như mảnh đất Huế hiền hòa rung động ôm trọn con người sau mỗi chuyến đi. Có lẽ mẹ không có tình yêu với cha bởi mẹ đã quá yêu người đàn ông đang ngồi bên cạnh tôi. Người ta vẫn bảo người Huế cũng yêu dai như mưa Huế mà. Nhưng chính một thằng nhóc chưa đủ tuổi để mắc nợ như tôi lại là người tìm đến ông và muốn hai người gặp nhau. Tại sao ư? Không phải bởi tôi thương người đàn ông hôm nào cũng đứng trên con đường ấy nhìn mẹ. Tôi biết mẹ và bác đều nặng nợ với sông Hương. Hai người đều cần một cuộc gặp gỡ. Rồi bác vẫn phải trả hết nợ cho những chuyến đi, những cuộc lãng quên.

Huế mong manh như tâm hồn của mẹ. Yêu thương như chính những con phố nhỏ ngân vang tiếng chuông trầm. Ngồi trong quán café "Lộng Gió" nhìn ra ngày nắng vàng, những chiếc lá... và vẫn có những chiếc xe đạp sóng đôi nhau đó thôi. Lại có những kẻ nhớ nhau da diết như những cơn mưa Huế. Mẹ đã chìm trong đất Huế. Chợt nhận ra nỗi nhớ của mẹ không phải bên cha, cũng không phải bên người đàn ông ấy. Nỗi nhớ của mẹ ở Huế với những con đường đã in những dấu chân quen. Mẹ đã dẫn tôi lớn lên với một miền đất như thế. Như tất cả những con sông đều đổ ra biển, tất cả những kẻ đã xa xôi rồi vẫn sẽ quay trở lại. Sau những cuộc lãng du, sau những bước chân mệt mỏi, lại trở về như một chốn yêu thương...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm