Đang làm ổn định, đi nghĩa vụ quân sự có bị mất việc không?

Luật gia Tùng Lâm
11/02/2022 - 09:00
Đang làm ổn định, đi nghĩa vụ quân sự có bị mất việc không?

Ảnh minh họa: Phạm Thương

"Tôi được hoãn nghĩa vụ quân sự năm 18 tuổi do đỗ đại học. Tôi đang làm tại một doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục nhận được giấy gọi nhập ngũ. Nếu tôi nhập ngũ bây giờ, có bị mất việc làm không?", Tùng Giang (Hải Dương).
Trả lời: Khoản 2 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã nêu rõ:

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

Theo đó, không có sự phân biệt giữa người có công việc ổn định với những người không có công việc khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Như vậy, chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển quân và không thuộc diện tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì bất kì ai cũng có thể phải lên đường nhập ngũ.

Căn cứ khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019, việc người lao động tham gia nghĩa vụ quân sự là một trong những căn cứ để tạm hoãn hợp đồng lao động. Cụ thể như sau:

Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Theo đó, khi đi nghĩa vụ quân sự, người lao động sẽ được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trong thời gian tạm hoãn hợp đồng, người này sẽ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động. Như vậy, khi người lao động nhập ngũ, hợp đồng lao động chỉ bị tạm hoãn chứ không bị chấm dứt hiệu lực. Do đó, người lao động sẽ không bị mất việc.

Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định về việc nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động:

Điều 31. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, sau khi người lao động hoàn thành nghĩa vụ quân sự mà hợp đồng lao động còn thời hạn thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải nhận người đó trở lại làm việc và bố trí đúng công việc theo hợp đồng.

Trong trường hợp quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và công ty, doanh nghiệp… không nhận trở lại làm việc thì công ty đó sẽ bị phạt, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ - CP:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời phải trả lương trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (theo điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm