Dành cả đời gìn giữ chữ Nôm Dao

26/04/2023 14:31

Bên bìa rừng trúc, thuộc thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, có một ngôi nhà gỗ nằm chênh vênh trên sườn núi, đó là nhà ở, đồng thời cũng là lớp dạy chữ Nôm Dao của nghệ nhân Tẩn Vần Siệu, người đã dành cả đời gìn giữ chữ Nôm Dao.

Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Tả Phìn, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu được người cha dạy chữ Nôm Dao từ nhỏ, đến năm hơn hai mươi tuổi, ông Siệu dính tai nạn mất đi một cánh tay, một con mắt. Thiết tưởng ông đã phải từ giã sách bút và con chữ. Nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Siệu đã vượt qua, để rồi tiếp tục tự tìm tòi nghiên cứu, khám phá kho tàng sách cổ của cộng đồng người Dao.

Năm hơn 40 tuổi, ông Siệu đã đạt đến đỉnh cao Nôm học trong cộng đồng người Dao, thông thạo hơn 3.000 mặt chữ, sao chép hàng trăm cuốn sách, biên soạn hàng chục đầu sách giáo trình, và tổ chức mở lớp truyền dạy cho các thế hệ học trò người Dao trong vùng.

Ông Siệu chia sẻ, xưa kia cha ông cũng là người rất giỏi chữ Nôm Dao, ông lưu giữ một kho tàng sách rất đồ sộ, trước lúc qua đời, cha ông dặn dò phải cố gắng học chữ, giữ sách, để truyền lại cho con cháu, không được để mất vốn chữ của dân tộc mình.

Nhiều lúc cuộc sống gia đình khó khăn chật vật, ông Siệu tưởng không thể giữ được lời hứa với cha, nghiệp sách bút chắc phải đứt gánh giữa đường. Có những đêm dài trằn trọc không ngủ, chỉ vì nghĩ đến lời dặn dò của cha, ông Siệu lại được tiếp thêm nghị lực, và ông đã quyết tâm tự học hỏi, nghiên cứu thông thuộc toàn bộ vốn chữ Dao trong vùng, đồng thời so sánh với vốn chữ Nôm Dao của các vùng khác.

TS. Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VHTT Lào Cai: Ông Siệu có cách gìn giữ vốn chữ Nôm Dao rất khoa học và hiệu quả. Ông coi việc giữ gìn bảo tồn hay nhất, hiệu quả nhất là bằng cách dạy học cho con em, sau đó lại cho họ tự viết sao chép giáo trình theo hướng dẫn. Đồng thời ông Siệu còn tự biên soạn hệ thống giáo trình theo các cấp bậc học, nhằm đơn giản hóa để người học dễ học, dễ hiểu.

Tiếp đến, ông bắt tay vào biên soạn bộ giáo trình đầu tiên dành cho 4 cấp học, từ cấp bậc 1 đến bậc 4, cho phù hợp với trình độ nhận thức và sự hiểu biết của học trò. Điều đặc biệt là tất cả các giáo trình của ông đều hướng đến dạy cho học trò điều hay lẽ phải, biết đối nhân xử thế, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh em, bạn bè. Tránh làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật, ngoài ra ông còn dạy cho học trò biết hát giao duyên, biết những bài thuốc, các câu đố, tục ngữ ca dao gắn với lao động sản xuất.

Ông Siệu không thể nhớ hết được số lượng học trò ông đã dạy.

Khi mở lớp dạy học chữ Nôm Dao, ông Siệu tự trang bị giáo trình cơ sở cho học trò, khi các trò đã có thể tự viết, thì ông hướng cho họ tự viết giáo trình theo hướng dẫn của thầy, nhờ đó mà việc học chữ Nôm Dao của các học trò tiến bộ rất nhanh.

Những ngày đầu mở lớp, ông Siệu gặp rất nhiều khó khăn, do mở lớp học miễn phí, nên mọi thứ đều thiếu thốn, có khi là 2 học trò dùng chung một cây bút, một cuốn sách, bàn chẳng có, ghế cũng không.

Ông Siệu coi việc giữ gìn bảo tồn hay nhất, hiệu quả nhất là bằng cách dạy học cho con em người Dao...

Năm 2009, ông Siệu được Sở Văn hóa Thể thao hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị dạy học, gồm 10 bộ bàn ghế, giấy mực và 3,5 triệu đồng/tháng nên lớp học của ông mới khang trang hơn. Kể từ đó, hàng năm ông liên tục khai giảng lớp học mới, với hàng trăm học sinh có độ tuổi từ 10 đến hơn 20 tuổi theo học.

Sau nhiều năm miệt mài dạy học, ông Siệu không thể nhớ hết được số lượng học trò đã đến bái ông làm thầy để được học chữ.

Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống, năm 2022, ông Tẩn Vần Siệu đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân thuộc lĩnh vực tiếng nói, chữ viết. Với thành tích này, đến nay, Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu càng tích cực phát huy phổ biến truyền dạy vốn chữ Nôm Dao cho các thế hệ học trò người Dao ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai nói riêng, và còn được mời sang các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang để truyền dạy cho các học trò.

Cộng đồng người Dao ở Sa Pa rất tự hào về người thầy, người nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu của dân tộc mình, người đã dành cả đời gìn giữ vốn văn hóa của tộc người Dao, khiến nó mãi mãi trường tồn trước những biến thiên của xã hội.

Chữ Nôm Dao là chữ viết của người dân tộc Dao dưa trên bộ chữ Hán, được Dao hóa thành chữ của người Dao (phiên âm Dao). Người Dao trước kia dùng chữ nôm trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, gia phả, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc. Ở Việt Nam, chữ Nôm Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Người Dao rất coi trọng sách và chữ Nôm Dao, đặc biệt là các bộ sách liên quan đến nghi lễ cấp sắc, lễ làm chay, cầu mùa, tết nhảy, làm nhà mới… Những bộ sách lịch sử ghi lại hành trình thiên di của tổ tiên người Dao trải qua những khó khăn vất vả, để con cháu có được cuộc sống hôm nay, nên trong các ngày lễ, tết, con cháu người Dao phải đọc sách để biết ơn các thế hệ cha ông, biết đến cội nguồn gốc dễ của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn