Đạo Cao Đài coi trọng tinh thần cần kiệm, vợ chồng chung thủy và dạy dỗ con cái chu đáo

23/05/2023 14:00

Trong giáo lý của đạo Cao Đài đã cho thấy vai trò của tôn giáo này trong việc duy trì gia đình bền vững và hạnh phúc.

Đạo Cao Đài thờ Thượng đế bằng hình con mắt trái - Thiên nhãn có nghĩa là "mắt trời" là thần lực của vũ trụ, nhìn thấu suốt thế gian.

Tân luật, Pháp Chánh chuyền và Thánh ngôn hiệp tuyển đã nêu khá cụ thể đề cao việc tín đồ đạo Cao Đài phải tuân thủ Ngũ giới, như sau:

1. Không sát sinh;

2. Cấm trộm cướp; lấy ngang, lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sinh lòng tham của quấy để ý hại cho người mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận;

3. Cấm lấy vợ người, thả theo đàn điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt (vợ chồng không gọi tà dâm);

4. Cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị

5. Cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng, thô tục, chửi rủa người, hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.

Ngoài ra, tín đồ phải trau dồi đức hạnh theo Tứ đại điều quy. Trong Tân luật ghi rõ như sau:

- Phải tuân lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bực thấp hơn điều độ. Lấy lễ hòa người. Lỡ làm lỗi, phải ăn năn chịu thiệt.

- Chớ khoe tài đừng cao ngạo quên mình mà làm nên cho người. Giúp người nên Đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền.

- Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả. Đối với trên, dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

- Trước mặt sau lưng, cũng đồng một bực, đừng kỉnh bước rồi đi sau.

Có thể thấy toàn bộ những điều khuyên răn hay nói cách khác là giáo lý đạo Cao Đài có vai trò lớn trong ứng xử gia đình và qua những hoạt động cộng đồng của tín đồ đạo Cao Đài. Tiêu biểu hơn cả là tinh thần yêu thương, nhẫn nhịn, hòa thuận, tương trợ nhau khi hoạn nạn, cần kiệm, khiêm cung,…

Đạo Cao Đài coi trọng tinh thần cần kiệm, vợ chồng chung thủy và dạy dỗ con cái chu đáo - Ảnh 2.

Tín đồ đạo Cao Đài cho rằng, cuộc sống nơi trần thế là sự nỗ lực không ngừng rèn luyện phẩm hạnh...

Trên phương diện gia đình, vai trò của đạo Cao Đài trong việc duy trì gia đình bền vững hạnh phúc tiêu biểu nhất là ở việc đề cao rèn luyện phẩm chất đạo đức cá nhân trong gia đình và hướng đến một cuộc sống đơn giản nhưng hài hòa, trên tinh thần khiêm cung và độ lượng. Ở gia đình, các thành viên được sống trong tình yêu thương, độ lượng, vị tha và có trách nhiệm.

Tín đồ đạo Cao Đài cho rằng, cuộc sống nơi trần thế là sự nỗ lực không ngừng rèn luyện phẩm hạnh để trở về với Thượng đế. Nghĩa là khi sống trong gia đình hay cộng đồng, mọi ứng xử đều tuân theo hành động làm lành lánh dữ, ăn chay và giữ gìn luật đạo.

Trong gia đình hay trong cộng đồng, tín đồ đạo Cao Đài phải biết giúp đỡ người khác, họ xem đây là trách nhiệm và cũng khuyên nhủ các thành viên trong gia đình, ngoài gia đình tu dưỡng đạo đức như mình. Đối với họ, việc tu dưỡng đạo đức cá nhân là giúp họ gần với Thượng đế.

Với gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội, vai trò của đạo Cao Đài là giúp tín đồ sống có trách nhiệm với gia đình, hướng về tu dưỡng đạo đức bản thân: "Phải giữ tam cương, ngũ thường là nguồn cội của nhân đạo; nam thì hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ; nữ thì tùng phụ, tùng phu, tùng tử và công, dung, ngôn, hạnh".

Như thế, có thể thấy giáo lý đạo Cao Đài có ảnh hưởng từ Nho giáo, đó là việc lấy "tam cương", "ngũ thường" là cội nguồn của đạo làm người. Nghĩa là xem trọng năm quan hệ (ngũ thường) là vua - tôi; cha - con; anh - em; chồng - vợ và bè bạn. Trong đó, có ba quan hệ được xem trọng hơn cả là vua - tôi; cha - con; chồng - vợ (quân thần; phu tử; phu phụ) gọi là Tam cương. Trong tam cương, vua - cha - chồng phải có trách nhiệm yêu thương người dưới (tôi, con, vợ) và tôi, con, vợ phải biết kính nhường, thương yêu, biết ơn người trên. Với cách ứng xử như vậy sẽ làm cho gia đình thuận hòa, êm ấm, rộng hơn là xã hội hòa mục.

Ngoài ra, giáo lý đạo Cao Đài còn coi trọng tinh thần cần kiệm, vợ chồng phải chung thủy và dạy dỗ con cái chu đáo, biết giúp đỡ người khác… Do đó, có thể thấy rõ vai trò của tôn giáo này trong việc duy trì gia đình bền vững và hạnh phúc hiện nay.

* Người tu theo đạo Cao Đài chia thành 3 bậc thực hiện việc giữ giới khác nhau: Hạ thừa, Trung thừa, Thượng thừa.

Hạ thừa là những người (thường là tín đồ) tu tại gia, tuân thủ Ngũ giới cấm, Tứ đại điều quy, Thế luật của đạo, ăn chay lục trai hoặc thập trai.

Trung thừa là những người (thường là phẩm lễ sanh) tuân thủ như bậc hạ thừa nhưng vừa duy trì cuộc sống sinh hoạt gia đình (tại gia) vừa xuất gia tu học tại các Thánh thất hoặc trung tâm Tòa thánh, ăn chay từ 15 ngày trở lên (nửa tại gia, nửa xuất gia).

Thượng thừa là những người (thường là chức sắc từ phẩm giáo hữu trở lên) thực hiện "cắt ái ly gia" hiến thân trọn đời cho đạo, ăn chay trường, luyện đạo, tu hành tại các thánh thất và Tòa thánh.

* Đạo Cao Đài có một số ngày đại lễ trong năm theo âm lịch như ngày 09 tháng Giêng lễ vía Đức Chí Tôn, ngày 15/8 lễ vía Diêu Trì Kim Mẫu, ngày 15/10 lễ kỷ niệm khai đạo,… từng hệ phái có ngày lễ kỷ niệm riêng. Hàng ngày có 4 khóa lễ vào các giờ: Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn