Đạo Cao Đài đề cao tính gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống

04/07/2023 20:02
Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc tại đường Phạm Hộ Pháp, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 5 km

Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc tại đường Phạm Hộ Pháp, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 5 km

Đạo Cao Đài rất chú tâm đến việc giáo dục nề nếp, gia phong của tín đồ. Trong sinh hoạt gia đình, đạo Cao Đài dựa trên cơ sở văn hóa gia đình của Phật, Lão, Nho và các tín ngưỡng truyền thống của người Việt.

Đạo Cao Đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hóa của cư dân Nam Bộ. Các giá trị văn hóa của đạo được kết tinh, lan tỏa, hình thành cộng đồng văn hóa riêng, có giá trị thiết thực.

Chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài sống có nhân cách, đoàn kết cộng đồng; lối sống nhân hòa và nhập thế, tham gia các hoạt động xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Quan niệm "tâm vật bình hành", tránh "ngôn hành bất nhất" hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống cao đẹp của người tu hành, tín đồ.

Đạo Cao Đài rèn luyện tín đồ từ bỏ những vui thú của đời thường, hằng ngày tu dưỡng bản thân, tu luyện đức tính. Họ trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống cá nhân, gia đình, xã hội.

Đạo Cao Đài có tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống- đây là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của mỗi tín đồ với vai trò là thành viên trong cộng đồng. Tín đồ đạo Cao Đài cởi mở trong giao tiếp, dung hòa các mối quan hệ, không phân biệt đẳng cấp.

Đạo Cao Đài rất chú tâm đến việc giáo dục nề nếp, gia phong của tín đồ. Trong sinh hoạt gia đình, đạo Cao Đài dựa trên cơ sở văn hóa gia đình của Phật, Lão, Nho và các tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Đạo Cao Đài đã kế thừa những nét văn hóa gia đình nhất định như đề cao công đức cha mẹ, đề cao lòng hiếu thiện và tu hành, trau dồi về đạo đức, con cái tu hành tốt là để báo hiếu cho cha mẹ và ngược lại, quan tâm đến quan hệ vợ chồng, đề cao vợ hiền, vợ tốt như là bầu bạn.

Sự kế thừa tư tưởng Phật giáo trong sinh hoạt gia đình của đạo Cao Đài còn thể hiện trong việc giáo dục các thành viên nếp sống thanh bần, lạc đạo, yên phận, không bon chen, ăn uống đạm bạc, nhu cầu sống hạn chế.

Với ảnh hưởng Nho giáo, với học thuyết đề cao đạo làm người của Cao Đài chú trọng quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, đề cao chữ hiếu trong gia đình.

Ngũ giới cấm, gồm: Bất Sát sanh (sát sinh), Bất Du đạo (xâm phạm, cướp đoạt tài sản của người khác), Bất Tà dâm (quan hệ nam nữ bất chính), Bất Tửu nhục (say sưa rượu thịt), Bất Vọng ngữ (nói lời không chân thật). Đây là giới luật rất quan trọng đối với người tín đồ Cao Đài, không giữ tròn Ngũ giới cấm thì không thể đắc đạo được.

Ngũ giới cấm giúp thể xác tinh khiết, tinh thần thanh thản, tránh bị bấn loạn vì những phức tạp của đời sống xã hội; Ngũ giới cấm giúp linh hồn người tu nhẹ nhàng về mặt nghiệp quả để khỏi phải trầm luân triền miên nơi cõi thế; Ngũ giới đem lại sự công bằng cho mọi người, sự bình đẳng giữa muôn loài; tất cả mọi người nói chung và người tu nói riêng đều hiểu được ngũ giới, trì hành ngũ giới, nghiêm trì ngũ giới thì hạnh phúc sẽ đến với gia đình, trật tự, hòa bình sẽ đến với xã hội, nhân loại và thế giới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn