Đạo Công giáo và những luật lệ, lễ nghi răn dạy làm người

Đại diện Tổng Giáo phận Huế và các học viên khóa Giáo lý Dự tòng 2021. Ảnh: CGVDT

Đại diện Tổng Giáo phận Huế và các học viên khóa Giáo lý Dự tòng 2021. Ảnh: CGVDT

Trong những luật lệ, lễ nghi của đạo Công giáo có 10 điều răn dạy của Thiên Chúa như: Thảo kính cha mẹ; không được giết người; không được tà dâm; không được gian tham lấy của người khác và không được ham muốn của cải trái lẽ…


Công giáo ra đời vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên tại vùng Palestine . Chúa Giêsu, người sáng lập ra Công giáo là người thuộc dân tộc Do Thái. Theo truyền thuyết, cha nuôi của Chúa Giêsu tên là Giuse, mẹ là bà Ma-ri-a, mang thai Chúa Giêsu một cách mầu nhiệm. Chúa Giêssu sinh năm thứ nhất sau Công nguyên, năm 30 tuổi Chúa Giêsu bắt đầu truyền đạo. Trong quá trình truyền giáo, Chúa Giêsu luôn bị những người Do Thái đả kích, phê phán và ghen ghét; bị nhà cầm quyền đương thời ngăn cấm và kết tội mưu phản La Mã, tử hình bằng cách đóng đinh trên giá chữ thập. Chúa Giêsu mất khi 33 tuổi.

Công giáo tin Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi bệnh tật, trừ quỉ và cuối cùng chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc tội lỗi của loài người.

Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy là Ba ngôi vị riêng biệt, nhưng cùng một Thiên Chúa duy nhất đồng bản thể và uy quyền trong Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi (Tam vị nhất thể).

Giáo lý thể hiện tập trung trong Kinh Thánh

Giáo lý Công giáo thể hiện tập trung trong Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước). Hệ thống giáo lý này được hình thành, bổ sung trong nhiều thế kỷ.

Cựu ước gồm 46 quyển, chia thành 3 loại: Sách lịch sử; Sách văn thơ; Sách tiên tri. Nội dung của kinh Cựu ước nói về sự tạo dựng vũ trụ và con người của Chúa trời; về sự tích dân Do Thái, luật pháp, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của Do Thái; về các vua và dân Do Thái từ khi lập quốc đến tan rã.

Đạo Công giáo và những luật lệ, lễ nghi răn dạy làm người - Ảnh 1.

Nhà thờ lớn Hà Nội trong một dịp Giáng sinh. Ảnh: VNE

Kinh Tân ước gồm 27 quyển, nội dung kể về cuộc đời, sự nghiệp, những lời răn dạy, chỉ bảo về đạo lý của Chúa Giêsu và các Thánh Tông đồ đối với con người. Kinh Tân ước chia làm 4 loại: Sách Tin mừng (hay còn gọi là Phúc âm); Sách Công vụ; Sách Thánh Thư và Sách Khải huyền được ghi lại bởi các tác giả là Lu-ca, Mác-cô, Ma-thê-ô và Gioan.

Hiện nay Kinh Thánh được dịch ra khoảng 750 ngôn ngữ khác nhau và là cuốn sách được xuất bản với số lượng nhiều nhất trên thế giới (khoảng gần một tỷ bản). Ngoài ra, Công giáo còn một số văn bản khác như các án văn của Giáo hoàng, nghị quyết của các Công đồng, về nguyên tắc có giá trị như giáo lý. Trong sinh hoạt, từ kinh Cựu ước và Tân ước, Công giáo biên soạn thành hai loại kinh: Kinh nguyện và Kinh bổn để mọi tín đồ cầu nguyện.

Trong giáo lý của đạo Công giáo có 5 tín điều cơ bản sau: Thiên chúa và sự sáng tạo thế giới của Thiên Chúa; Con người và sự sa ngã của con người; Chúa Giê-su và công cuộc cứu chuộc; Chúa Giê-su trở lại và sự phán xét cuối cùng; Thiên đường và địa ngục, thiên thần và ma quỷ.

Luật lệ và lễ nghi

Ngay từ đầu, Giáo hội Công giáo đã xây dựng được một hệ thống luật lệ, lễ nghi khá chi tiết, cụ thể và được thống nhất thực hiện trên phạm vị toàn thế giới. Trước đây, luật lệ, lễ nghi và thiết chế của Giáo hội được ghi trong Bộ Giáo luật Ca-non (xuất bản năm 1917) gồm 2.000 điều. Ngày 25/1/1983, Giáo hội Công giáo ban hành bộ giáo luật mới thay thế cho bộ Giáo luật Ca-non gọi là bộ Giáo luật năm 1983 bao gồm 1.752 điều, chia làm 7 quyển.

Một số nội dung chủ yếu về luật lệ, lễ nghi

- Mười điều răn của Thiên Chúa (được Thiên Chúa ban cho Maisen tổ phụ của dân Do Thái và được khắc vào bia đá để làm luật pháp cai trị dân Do Thái): 1. Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự; 2. Không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc tầm thường; 3. Dành ngày chủ nhật để thờ phụng Thiên Chúa; 4. Thảo kính cha mẹ; 5. Không được giết người; 6. Không được tà dâm; 7. Không được gian tham lấy của người khác; 8. Không được làm chứng dối, che dấu sự gian dối; 9. Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác; 10. Không được ham muốn của cải trái lẽ.

Đạo Công giáo và những luật lệ, lễ nghi răn dạy làm người - Ảnh 2.

Một buổi thánh lễ của đạo Công giáo. Ảnh: ST

- Sáu điều răn của Giáo hội: 1. Xem lễ ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc; 2. Kiêng việc xác ngày chủ nhật; 3. Xưng tội mỗi năm một lần; 4. Chịu lễ mùa phục sinh; 5. Giữ chay những ngày quy định; 6. Kiêng ăn thịt những ngày quy định.

- Bảy phép Bí tích: Một nghi lễ của Công giáo, theo đó ơn Chúa sẽ được đem đến cho các tín đồ. Trong các nghi lễ, phép bí tích là quan trọng nhất, thể hiện mối quan hệ giao tiếp giữa con người với Chúa. Có 7 bí tích: 1. Bí tích rửa tội; 2. Bí tích thêm sức: để củng cố đức tin kính Chúa; 3. Bí tích thánh thể hay còn gọi là phép Mình Thánh Chúa, có bánh (làm bằng bột mì) và rượu (làm bằng rượu nho) tượng trưng cho mình và máu Chúa Giê-su. Tín đồ sau khi xưng tội và được giải tội thì được chịu phép Mình Thánh; 4. Bí tích giải tội: dành cho người sám hối tội lỗi; 5. Bí tích truyền chức thánh: chỉ dành cho giám mục và linh mục đã được tuyển chọn để họ có quyền tế lễ chăn dắt dân chúa; 6. Bí tích hôn phối: là bí tích kết hợp hai tín hữu 1 nam, 1 nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa; 7. Bí tích xức dầu bệnh nhân: là bí tích nâng đỡ bệnh nhân về phần hồn và phần xác, giúp tín đồ chịu đựng đau khổ, dọn mình trước cái chết.

Tổ chức theo 3 cấp hành chính chính thức

Về cơ cấu tổ chức chung, Giáo hội Công giáo được tổ chức theo 3 cấp hành chính chính thức, gồm: Giáo triều Rô-ma, Giáo phận, Giáo xứ. Có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thống nhất, lâu dài và ổn định.

Đạo Công giáo và những luật lệ, lễ nghi răn dạy làm người - Ảnh 3.

Các nữ tu công giáo Nam Định đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tuấn Hoàng

- Giáo triều Rô-ma là cơ quan điều hành trung ương của Tòa thánh Va-ti-căn và Giáo hội Công giáo, gồm: Phủ Quốc Vụ khanh, đặc trách những công việc thường vụ của Giáo hội và phụ trách liên lạc các quốc gia; 9 Bộ của tòa thánh, chịu trách nhiệm về những lĩnh vực nhất định của đời sống Giáo hội; 12 Hội đồng Tòa Thánh, là những bộ phận chuyên nghiên cứu và tìm kiếm trong những lĩnh vực quan trọng, 3 Văn Phòng, giúp điều hành công việc của Tòa Thánh và quản lý tài chính, 3 Tòa Án, để giải quyết các công việc liên quan đến Xá giải, Ấn tín Tông tòa và Hôn phối.

- Giáo phận: Nhiều Giáo xứ hợp lại thành một Giáo phận. Giáo phận là cấp hành chính chính thức của Giáo hội trực thuộc Tòa Thánh Vatican về mọi phương diện; việc thành lập, bãi bỏ, thay đổi một Giáo hội địa phương do Giáo hoàng quyết định. Cai quản Giáo phận là một Giám mục, theo Giáo luật Giám mục có tất cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong phạm vi tôn giáo.

- Giáo xứ: Giáo xứ là đơn vị cuối cùng có tư cách pháp nhân của Giáo hội. Đứng đầu giáo xứ là một linh mục chính xứ do Giám mục giáo phận bổ nhiệm và dưới quyền Giám mục giáo phận. Một giáo xứ có thể có nhiều giáo họ. Ngoài ra, còn có các cấp trung gian mang tính liên hiệp gồm: Giáo tỉnh, Giáo hạt.

Những ngày lễ của đạo Công giáo

Lịch Công giáo tính theo dương lịch và trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau:

- Lễ trọng (lễ buộc) có 6 ngày trong năm cụ thể là: Lễ Nô-el (giáng sinh) ngày 25/12; Lễ phục sinh (Chúa sống lại) vào một ngày của tháng 4 (từ 21/3 - 25/4); Lễ Chúa Giê-su lên trời, sau lễ phục sinh 40 ngày; Lễ Chúa Thánh thần thiện xuống, sau lễ Chúa Giê-su lên trời 10 ngày; Lễ Đức bà Ma-ri-a hồn và xác lên trời, ngày 15/8; Lễ các Thánh, ngày 1/11.

- Lễ Thông thường. Đây là những ngày lễ mà Giáo hội không buộc, nhưng tín đồ vẫn tích cực tham gia để được hưởng nhiều ơn phúc. Ngoài ra trong số các lễ thông thường còn có các lễ theo tháng hoặc theo mùa với nhiều chủ đích khác nhau.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn