Đau đáu tìm đấng sinh thành nơi đất Việt xa xôi

20/09/2016 - 23:00
Khi căn bệnh ung thư càng dày vò, chị Chantal Doecke (Lê Thị Hà) ở Adelaide (Úc) càng khắc khoải hy vọng được trở về Việt Nam để tìm lại cha mẹ đẻ mình rời xa 41 năm qua.
chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-1.jpg
 Chị Chantal Doecke 
Câu chuyện đầy cảm động của chị Chantal Doecke,người Úc gốc Việt đang bị bệnh ung thư đau đáu tìm lại gốc gác ở quê nhà, đang dậy sóng truyền thông Úc. Chị là một trong số 3.000 đứa trẻ đã được mang lên chuyến bay sơ tán khỏi Sài Gòn trong Chiến dịch Operation Babylift tháng 4/1975. Chị Doecke đã được gia đình bà Gillian Diggins ở Adelaide (Úc) nhận nuôi và chị sống ở đó cho đến nay.
chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-2.jpg
Chị Chantal Doecke thuở bé
Chị Doecke, nay đã 41 tuổi và có 4 người con, đang cố gắng tìm kiếm gia đình ruột thịt, những người mà chị chưa bao giờ gặp và đang cố gắng liên hệ với Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chị luôn cố gắng tìm kiếm cha mẹ ruột và họ hàng của mình với manh mối duy nhất là tờ giấy khai sinh do chính quyền cũ cấp mà nay đã không còn hồ sơ lưu trữ.

Tất cả những gì chị biết đó là mình bị bỏ lại tại bệnh viện Từ Dũ. Chị chia sẻ: “Nhiều người từng hỏi liệu tôi có muốn tìm lại cha mẹ mình hay không, tôi đã trả lời rằng tôi có một người cha và một người mẹ rồi”. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi khi Doecke 20 tuổi, và có đứa con đầu lòng. Khi cùng nhìn hình ảnh của mình và con qua gương, chị tự hỏi: “Trông con giống mình y hệt, vậy mình thì giống ai?”

chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-6.jpg
Chantal Doecke cùng các con
Năm 2004, chị Doecke và mẹ nuôi đã về thăm thành phố Hồ Chí Minh và không khỏi ngỡ ngàng bởi những cảm xúc bất chợt ùa về. Chị kể lại: “Đó đúng là một kỷ niệm đáng nhớ. Lúc đầu tôi cho đó là một kỳ nghỉ và tôi không có bất kỳ tìm hiểu gì trước khi lên đường. Nhưng sau chuyến đi đó, trong lòng chất chứa nỗi khát khao được trở lại nhiều lần nữa để biết được nhiều hơn”. 3 năm sau, chị trở lại trong chuyến đi lần hai và cùng mẹ nuôi tới thăm viện phụ sản Từ Dũ để hỏi dò tung tích người mẹ đã bỏ rơi chị. “Lần cuối cùng ở Việt Nam, tôi đã đi xem một chương trình ca nhạc. Tôi ngồi đó với chị dâu và đột ngột có một luồng cảm xúc trào dâng khiến tôi bật khóc. Thật không kìm nén nổi. Nơi này rõ ràng đã khiến cảm xúc trong tôi trỗi dậy suốt những năm qua. Giờ tôi xem một cuốn phim tài liệu hay một bộ phim, tôi vẫn rơi nước mắt. Khi đi quanh đất nước hình chữ S, tôi vẫn thấy dấu vết của chiến tranh còn hằn lên những con người và mảnh đất nơi ấy”.
chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-5.jpg
Giấy khai sinh là manh mối duy nhất để chị Chantal Doecke có để tìm lại gốc gác của mình
Với chị, khi đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng, nỗi khắc khoải tìm kiếm người thân ruột thịt càng trở nên cấp bách hơn. Mới tuần trước, chị Doecke đã được gặp mặt một người họ hàng ruột lần đầu tiên trong đời tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị kể rằng: “Thực sự khó để mô tả cảm giác của tôi lúc đó khi anh ấy đến. Anh ấy có một nụ cười tuyệt vời nhất và chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau. Anh ấy ngồi kế bên tôi và tôi cố gắng nhìn vào khuôn mặt anh ấy. Bạn biết không, chúng tôi thật sự có đôi mắt giống nhau”.
chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-4.jpg
Chị Doecke gặp người anh em họ Thai Tho
Anh Thai Tho cũng là một người Việt được nhận làm con nuôi và đang tìm kiếm cha mẹ ruột thông qua xét nghiệm ADN. Năm ngoái, chị Doecke nhờ đến việc xét nghiệm ADN để tìm người thân và Thai Tho là trường hợp cho kết quả cận huyết thống nhất với chị. Chị nói rằng chị rất vui khi đã gặp Thai Tho và chị ước rằng mình có nhiều thời gian hơn để vui vầy bên Thai Tho.

Hiện chị đang nhờ dịch vụ điều tra để giúp chị tìm kiếm cha mẹ ruột. Chị thổn thức: “Khi tôi bay về thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã khóc và tự nói với mình rằng: Về nhà rồi, tôi đã về nhà rồi! Nhưng mẹ giờ đang ở nơi đây? Có lẽ mẹ ở đâu đó quanh tôi. Trong tôi có một cảm giác ấm áp khi đi bộ nơi mình được sinh ra và nhìn ngắm khuôn mặt từng người tôi đi ngang qua. Có thể nhiều người họ hàng đang ở đây hoặc người phụ nữ vừa bán chiếc khăn cho tôi có thể là dì của tôi. Hay thậm chí, bà ấy có thể là mẹ tôi. Nếu vượt qua được căn bệnh ung thư, tôi ao ước một ngày nào đó được sống ở Việt Nam”.
chantal-doecke-dau-dau-tim-dang-sinh-thanh-noi-dat-viet-xa-xoi-3.jpg
 Thai Tho là nguồn động viên chị Chantal Doecke chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục tìm kiếm cha mẹ đẻ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm