Để học sinh nữ khi ở trường không còn e dè ngày "đèn đỏ"

27/05/2022 18:15
Học sinh nữ trường Tiểu học &THCS Trung Thành, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình

Học sinh nữ trường Tiểu học &THCS Trung Thành, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình

"Trong một buổi tan học, cô bé học sinh lớp 6 của tôi vẫn không đứng lên. Đợi các em về gần hết, tôi mới đến bên hỏi thì hóa ra em bị ướt đỏ hết quần. Em rất lo lắng và khóc to, tôi đã giải thích là em đã có kinh nguyệt và hướng dẫn em cách dùng băng vệ sinh".

Đây là câu chuyện của chị Xa Thị Minh Thúy, dân tộc Mường, giáo viên của trường Tiểu học & THCS Trung Thành, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Để học sinh nữ không còn e dè ngày "đèn đỏ" - Ảnh 1.

Cô giáo Xa Thị Minh Thúy. Ảnh: Kiều Trang

Cô chia sẻ, trước đây, bản thân cô còn rất e ngại khi nói về vấn đề kinh nguyệt, vì lâu nay nhiều người cho rằng, những ngày đến chu kì kinh nguyệt là những ngày không may mắn, nên không muốn làm việc gì cũng như không muốn tiếp xúc với ai, sợ mang điều đen đủi đến cho họ. Nhưng đến thời điểm này, cô đã có cách nhìn khác về vấn đề kinh nguyệt và cảm thấy tự tin hơn khi có thể chia sẻ những vấn đề trong quản lý vệ sinh kinh nguyệt của học sinh nữ tại trường học.

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường ở người phụ nữ, "quản lý kinh nguyệt" là một thuật ngữ mới đưa vào từ năm 2012, được định nghĩa là "việc sử dụng các vật liệu sạch để thấm máu kinh, thay băng vệ sinh thường xuyên, tại nơi riêng tư trong thời gian có kinh nguyệt, có sử dụng nước và xà phòng để rửa, tiếp cận an toàn và thuận tiện để vứt bỏ băng/vật liệu thấm kinh nguyệt đã qua sử dụng".

Chính vì hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý kinh nguyệt, cô giáo Minh Thúy đã tìm hiểu tình hình thực tế tại trường mình và biết được, trở ngại đầu tiên của học sinh nữ tại trường là nhà vệ sinh xuống cấp, không sạch sẽ, đôi khi không có nước, không có xà phòng, không có chỗ riêng tư, do vậy mà các em không dám đi thay băng vệ sinh, nhiều học sinh nữ ngồi trong lớp cả buổi, chờ bạn về mới dám về. Trở ngại thứ 2 là thiếu kiến thức, các em không được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho kỳ "đèn đỏ" của mình. Và quả thực, mặc dù đã được chỉ đạo lồng ghép vấn đề vệ sinh kinh nguyệt vào chương trình học nhưng bản thân giáo viên cũng chưa đủ kiến thức và kỹ năng để thực hiện lồng ghép một cách hiệu quả, tạo môi trường học tập về quản lý vệ sinh kinh nguyệt cho các em.

Từ thiếu kiến thức dẫn đến sợ hãi, thiếu tự tin, nên hễ bạn nam biết bạn gái đến kỳ kinh có thể trêu ghẹo, chỉ trỏ làm các em xấu hổ. Ngay cả khi đau bụng, các em cũng không dám xin giáo viên nam nghỉ tiết thể dục. Và trở ngại tiếp theo là về định kiến giới, vệ sinh kinh nguyệt là vấn đề của nữ giới, khó để nam giới đồng tình và thông cảm.

"Giáo viên là người bạn, người đồng hành, cũng là người các học sinh nữ cần hỗ trợ khi gặp sự cố ở trường. Đặc biệt, giáo viên nam cũng nên có cái nhìn đúng đắn về vệ sinh kinh nguyệt để hỗ trợ các em. Hiện nay, phía nhà trường đã có băng vệ sinh dự trữ để cung cấp khi các em cần" - Cô Thúy cho biết.

"Giáo viên cần được nâng cao kiến thức giới tính, nhất là giáo viên dân tộc thiểu số phải thay đổi cách nhìn về quản lý vệ sinh kinh nguyệt, không những để giúp đỡ học sinh mà còn tuyên truyền cho cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn nhận về kinh nguyệt, không kỳ thị, định kiến đối với trẻ em gái khi đến ngày đèn đỏ. Đồng thời cùng với cha mẹ giáo dục các em biết bảo vệ mình, phòng trống các bệnh lây qua đường sinh dục. Nhất là nâng cao nhận thức tránh việc tảo hôn, hay sinh con ngoài ý muốn của trẻ em gái ở tuổi vị thành niên.

Để quản lý vệ sinh kinh nguyệt tốt cho học sinh nữ, nhà vệ sinh cần quan tâm xây dựng, cải tạo, phải có vòi nước, nước sạch, thùng rác và xà bông rửa tay. Nhà vệ sinh cần kín đáo, nhiều ngăn, có ngăn đi vệ sinh riêng, có như vậy các em nữ mới dám ra nhà vệ sinh mỗi ngày.

Đối với các em chưa dậy thì, giáo viên là người hướng dẫn cách bảo vệ, cách sử dụng vật liệu kinh nguyệt, chăm sóc sức khoẻ trước, trong, sau thời kì kinh nguyệt. Cha mẹ miền núi đôi khi rất ít để ý đến các con nên các em sẽ không có người để hỏi, để nhờ giúp đỡ thì giáo viên sẽ là người để các em chia sẻ những điều thầm kín của mình" - Cô giáo Thúy bày tỏ.

Lường Thị Châm - Học sinh lớp 9 trường Tiểu học & THCS Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình: "Chúng em mong muốn có nhà vệ sinh sạch sẽ, có khu vực riêng để thay băng vệ sinh, nhà vệ sinh luôn đủ nước và không bị các bạn nam trêu chọc khi biết mình đến ngày "đèn đỏ".

Lường Thị Châm - Học sinh lớp 9 trường Tiểu học & THCS Trung Thành, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình

- Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới, được tổ chức vào ngày 28/5 hàng năm, là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe và vệ sinh kinh nguyệt cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện hướng tới việc vận động tập hợp tiếng nói và hành động toàn cầu của các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân, các cơ quan thông tin truyền thông và tất cả mọi người nhằm biến điều khó nói trở thành điều bình thường và những điều cấm kỵ và kỳ thị về 'kinh nguyệt' không còn tồn tại trong xã hội vào năm 2030.

- Nhân Ngày Vệ sinh Kinh nguyệt Thế giới 2022, Hội LHPN Việt Nam hợp tác với UNICEF Việt Nam và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông và vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các cấp quản lý Nhà nước có liên quan về việc bảo đảm vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.