Đi xem “đám cưới lại” của người Cơ Tu

26/08/2021 08:17
Chú rể và cô dâu Cơ Tu trao cho nhau tín vật trong lễ cưới. Ảnh minh họa: ST

Chú rể và cô dâu Cơ Tu trao cho nhau tín vật trong lễ cưới. Ảnh minh họa: ST

Người Cơ Tu có tục cưới lại (cưới lần 2). Gọi là "cưới lại" bởi trước đây vợ chồng người trong cuộc đã cưới 1 lần nhưng tổ chức đơn sơ do kinh tế lúc đó khó khăn. Khi làm ăn khấm khá, họ sẽ tổ chức cưới lại theo luật tục.

Tôi từng dự một đám cưới lại của "chú rể" Bhnuoch Giao và "cô dâu" Arất Ca diễn ra 3 ngày tại thôn Bút Nga, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Các vị bô lão người Cơ Tu cho hay, trước cưới lại 1 ngày, đại diện họ nhà trai qua nhà gái để mời họ nhà gái ngày hôm sau đến nhà trai dự đám cưới lại cho con, cháu… Hôm nhà trai sang mời cưới lại, nhà gái làm gà cúng ông bà và đại diện hai bên gia đình trao đổi nội dung lễ cưới, trong phần trao đổi, hai bên có hát lý (lối hát cổ của người Cơ Tu trong các lễ hội) để chào hỏi, chúc nhau sức khỏe, đoàn kết và thương thảo về các tặng phẩm của hai bên gia tặng, cho trong dịp cưới lại lần 2. Còn tại nhà trai, người thân cũng bàn bạc, phân công người thực hiện các thủ tục trong lễ cưới.

Đi xem “đám cưới lại” của người Cơ Tu - Ảnh 1.

Họ nhà gái đến nhà trai dự lễ cưới

Vào sáng ngày hôm sau, các bô lão cúng đầu heo để xin Yàng buộc trâu vào trụ Gương. Trống chiêng nổi lên và các nam nữ thanh niên Cơ Tu múa Tung tung da dá. Lúc này, họ hàng nhà gái cũng đến, các bô lão, già làng đi trước. Phái đoàn nhà "cô dâu" có mang theo tặng phẩm khá dồi dào, bao gồm các gùi cá liên (niên) nướng; mấy chục ống lam thịt gà, thịt heo; mười gùi bánh sừng trâu; xôi nếp, rượu cần... Các phụ nữ cao tuổi của họ nhà trai ra đón tiếp, họ bưng thau nước trong và vẫy nước vào từng người nhà gái để chúc phúc.

Trong nhà của "chú rể", có trải sẵn ba dãy chiếu để đón tiếp nhà gái và khách mời. Dãy chiếu ở giữa nhà dành cho những phụ nữ cao tuổi ngồi, các dãy chiếu hai bên thì dành cho phụ nữ trẻ hơn. Bô lão và hội đồng già làng thì ngồi ở nhà cúng. Nhà cúng được làm "dã chiến" bên nhà Gươl, có phủ những tấm choàng với sắc màu Cơ Tu truyền thống. Trong nhà Gươl là nơi dành cho thanh niên và trung niên, ngồi trên những chiếc chiếu. Trong nghi thức, người nhà trai bưng vào một rổ lớn thịt mỡ và chia cho mỗi người một miếng. Họ vui vẻ ăn cùng với các món như cơm, các món nấu từ cá, thịt, uống rượu cần…

Đi xem “đám cưới lại” của người Cơ Tu - Ảnh 2.

Các phụ nữ cao tuổi Cơ Tu của họ nhà trai ra đón tiếp nhà gái, họ bưng thau nước trong vẩy nước vào từng người nhà gái để chúc phúc

Trước sân nhà Gươl, các bô lão cúng gà trước khi đâm trâu, đâm trâu xong có lễ cúng thịt trâu chín, đầu trâu sống thì đặt trên bàn (dưới trụ Gương) để cúng Yàng. Già làng khấn: "Mong Yàng, sơn thần, thổ thần… về chứng giám, chúng tôi đã giết trâu để cúng các ngài, các ngài phù hộ cho vợ chồng Bhnuoch Giao trăm năm hạnh phúc, phù hộ cho dân làng bình yên, tai qua nạn khỏi, mùa màng tốt tươi, nuôi gia súc, gia cầm phát triển, cuộc sống ấm no hạnh phúc".

Trong nghi lễ cúng Yàng và cúng đất này, già làng và đại diện nhà trai, nhà gái vừa lấy những vốc gạo trong bát ở mâm lễ vừa vãi tứ phía và khấn: "Lời hứa với Yàng, với sơn thần, thổ địa năm xưa đã thành sự thật. Nhà trai giết trâu, heo… để cúng các ngài, mời chư vị về đây thụ hưởng và ban phước cho dân làng, cho hai bên gia đình họ hàng, dân làng được bình yên vô sự, chăn nuôi, trồng trọt phát triển, mùa màng bội thu… Chúng tôi đã hoàn thành lời hứa năm xưa, các ngài không trách chúng tôi nữa…".

Đi xem “đám cưới lại” của người Cơ Tu - Ảnh 3.

Các món ăn họ nhà gái mang sang nhà trai để ăn trong lễ cưới

Sau nghi lễ cúng đâm trâu, đội trống chiêng nổi lên, nam nữ Cơ Tu trong vũ điệu Tung tung da dá xung quanh trụ Gương (nơi buộc con trâu). Theo luật tục của người Cơ Tu, nếu lần cưới đầu, những "lễ vật" gì còn thiếu mà nhà gái yêu cầu cần phải có thì nhà trai cố gắng tìm, hoặc nợ lại sau này vợ chồng phải trả. Chính vì luật tục này nên người Cơ Tu có tập tục tổ chức đám cưới lần hai hoặc lần ba. Nếu lần đầu khi rước dâu về chưa đâm trâu (hay bò), thì đám cưới tổ chức giản dị cũng được, ăn ở với nhau 10-15 năm sau, sinh con đẻ cái nhưng họ ngầm hiểu nhau rằng việc cưới gả vẫn chưa xong về mặt "thủ tục". Sau này, khi nhà trai có đủ điều kiện, kiếm được trâu, bò thì tổ chức cưới lại. Từ đây, các thủ tục liên quan đến cưới gả và bổn phận của con rể, con dâu mới xong với thần linh, hai bên bố mẹ, xóm làng.

Theo các già làng, tổ chức cưới lần hai gây tốn kém, mất thời gian cho hai bên gia đình và ngày nay nghi thức đâm trâu và cưới lần 2 đã không còn diễn ra. Người Cơ Tu đã dần bỏ những nghi lễ không còn phù hợp với thời cuộc để xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn