Được thành lập từ năm 2011 chỉ với chưa tới 30 người, đến nay số lượng thành viên của đoàn dâng hoa Hữu Thiện đã lên đến gần 400 người ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Trước khi trở thành thành viên của đoàn, đa phần mọi người đều không biết đến Phật pháp.

Đoàn dâng hoa Hữu Thiện: Chia sẻ, lan tỏa những yêu thương

Được thành lập từ năm 2011 chỉ với chưa tới 30 người, đến nay số lượng thành viên của đoàn dâng hoa Hữu Thiện đã lên đến gần 400 người ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Trước khi trở thành thành viên của đoàn, đa phần mọi người đều không biết đến Phật pháp.

Nối kết những tấm lòng thiện nguyện

Một ngày đầu tháng 8/2022, tại một hội nghị được tổ chức tại chùa Huê Lâm (quận 11, TPHCM), đại diện đoàn dâng hoa Hữu Thiện đã trao tặng số tiền 100 triệu đồng cho Hội LHPN quận 11 nhằm chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. 

Theo Hội LHPN quận 11, sự chia sẻ về vật chất và tinh thần của đoàn dâng hoa Hữu Thiện nói riêng và của các cá nhân, tổ chức nói chung đã góp phần không nhỏ hỗ trợ cho người dân, phụ nữ và trẻ em trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực tế, việc trao số tiền 100 triệu đồng cho Hội LHPN quận 11 dịp này chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa mà đoàn dâng hoa Hữu Thiện triển khai thực hiện kể từ khi thành lập đến nay. Không chỉ tại TPHCM mà những hoạt động của đoàn còn được thực hiện ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước.

Chị Lâm Thị Tuyết Vân - là một trong những thành viên tham gia vào đoàn dâng hoa Hữu Thiện từ những ngày đầu - chia sẻ, không chỉ đóng góp mua hoa cúng dường chư Phật, các thành viên trong đoàn còn chung sức để thực hiện các chương trình từ thiện, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ai không đủ điều kiện đóng góp vật chất thì có thể đóng góp thời gian công sức.

Ngoài việc tu học, làm việc thiện, các thành viên còn kết nối những người xung quanh tham gia với đoàn dâng hoa Hữu Thiện.

Đối với chị Vân, dù chồng bị tai biến, phải có người coi sóc thường xuyên; tuy nhiên, nhiều hoạt động ở gần thì chị cũng đưa chồng đi cùng để vừa tham gia vào hoạt động của đoàn, vừa thuận tiện cho việc trông nom.

Mỗi thành viên đến với đoàn dâng hoa Hữu Thiện bằng những nhân duyên khác nhau, nhưng một khi đã tham gia vào rồi thì ai cũng mong muốn góp thật nhiều công sức để giúp đỡ những mảnh đời gặp bất hạnh trong cuộc sống; chuyển hóa khổ đau thành niềm an lạc. Như trường hợp của chị Thu Hương (ngụ quận Bình Tân, TPHCM), biết đến đoàn dâng hoa Hữu Thiện từ một người bạn, và giờ đây mỗi khi có điều kiện là chị lại dành thời gian toàn tâm toàn ý cho các hoạt động của đoàn.

Chị Thu Hương chia sẻ, trước khi tham gia vào đoàn, chị cũng làm thiện nguyện tùy theo điều kiện của mình. Theo đó, mọi người trong gia đình chị thường đóng góp để nấu các phần cơm, bánh trái để trao cho những người lang thang trên địa bàn. 

"Khi tham gia vào đoàn dâng hoa thì biết đến nhiều hoàn cảnh khó khăn, đáng thương. Những hoạt động của đoàn không chỉ ở trên địa bàn TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh/thành khác trên cả nước. Dù còn công việc nhưng bản thân tôi luôn sắp xếp thời gian cũng như điều kiện để tham gia vào các hoạt động thiện nguyện của đoàn. Khi tham gia vào đoàn thì bản thân tôi cũng cảm nhận được nhiều điều tốt đẹp, được chia sẻ nhiều hơn", chị Hương chia sẻ.

Phật tử thường hay dâng cúng nhang đèn, bông hoa lên bàn thờ Phật như là một cách tôn kính và tưởng nhớ đến ân đức Tam bảo.

Cũng có không ít trước trường hợp, trước kia được đoàn dâng hoa Hữu Thiện giúp đỡ rồi sau đó trở thành thành viên của đoàn. Có những người chưa biết Phật pháp là gì, gắn bó với đoàn dâng hoa Hữu Thiện một thời gian rồi trở nên tín tâm với Tam bảo. Ngoài việc tu học, làm việc thiện, họ còn kết nối những người xung quanh tham gia với đoàn dâng hoa Hữu Thiện.

Phật pháp giúp con người trầm tĩnh, ôn hòa

Khi nhắc đến đoàn dâng hoa Hữu Thiện cũng không thể nào không nhắc đến chị Bùi Thị Thúy Quỳnh (56 tuổi, Pháp danh Tâm Chơn) - là trưởng đoàn. Chị Quỳnh cho biết, đoàn dâng hoa Hữu Thiện được thành lập vào năm 2011 với gần 30 thành viên. Đến nay, với những hoạt động ý nghĩa, có tính lan tỏa, số thành viên của đoàn đã gần 400 người ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước.

Sinh ra và lớn lên ở TPHCM, từ lúc 15 tuổi, với bản tính hiền lành, thích yên tĩnh nên Quỳnh đã bắt đầu vào chùa để sống. "Lúc còn đi học lớp 9 thì tôi có quen người bạn, bạn này có bà ngoại tu trong chùa Huê Lâm. Nhờ mối nhân duyên này mà từ đó tôi bắt đầu vào chùa sống. Ban đầu thì chỉ 1-2 đêm/tuần là sống trong chùa thôi. Nhưng sau đó quen rồi thì sống trong chùa nhiều hơn. Sau đó, tôi có phụ cho một tiệm cơm chay của chùa, cũng là thuận tiện cho việc đi học", chị Quỳnh nhớ lại.

Đoàn dâng hoa Hữu Thiện đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.

Sau khi học xong đại học, chị Quỳnh lập gia đình rồi có thời gian đi dạy học, làm nghề may. Chị thừa nhận, tính cách của bản thân khiến chị làm những công việc thiện nguyện. Như trong thời gian đi dạy, thương yêu học trò, học sinh nào không có tiền ăn thì chị giúp tiền ăn. "Nhiều khi lãnh lương xong thì đưa học trò đi sở thú chơi; làm được bao nhiêu tiền là làm chuyện bao đồng, hầu như không dư được chút nào. Làm những việc này chỉ mong các em có niềm vui trong cuộc sống", chị chia sẻ.

Nói về quãng thời gian sống ở chùa, chị Quỳnh chia sẻ, ở trong chùa chị được học giáo lý, được sự hướng dẫn, giáo dục của quý ni sư. "Lúc trước bản thân thấy mình ít cười ít nói hơn, sống khép kín. Nhưng rồi mình dần dần lớn lên trong ánh sáng của đạo Phật, được tiếp nhận được nhiều vấn đề trong phật giáo, giáo lý đạo Phật. Dần dần thấy mình cởi mở hơn. Đạo Phật giúp cho con người trầm tĩnh, ổn hòa, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không", chị Quỳnh tâm sự.

Đối với hoạt động của đoàn dâng hoa Hữu Thiện, chị Quỳnh cho biết, việc đóng góp mua hoa cúng dường chư Phật, tùy hỉ công đức của các thành viên trong đoàn, có khi chỉ 5.000  - 10.000 đồng, ai có điều kiện thì đóng góp nhiều hơn. Đặc biệt, việc thu chi đều được công khai, minh bạch nên nhận được sự tin tưởng của tất cả mọi người trong đoàn.  Ai không đi họp mặt được, bận mưu sinh, chị đều in các khoản thu chi ra giấy gửi họ xem.

Chị Quỳnh quan niệm, làm công tác thiện nguyện, với bản chất là một Phật tử, một đồng đóng góp mình cũng không được để sót. Vì đó là tất cả tấm lòng, là công sức lao động vất vả của chị em. Mình chỉn chu, trung thực như vậy để tất cả đều vui, có vui thì phước báu mới tròn đầy được. Bên cạnh đó, khi làm việc thiện, của cho không bằng cách cho, đoàn hết sức chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng các hiện vật trao tặng.

Phật tử thường hay dâng cúng nhang đèn, bông hoa lên bàn thờ Phật như là một cách tôn kính và tưởng nhớ đến ân đức Tam bảo. Hương hoa, nhang đèn là phẩm vật không thể thiếu trong việc cúng dường. Khi nhang đèn cháy hết và những bông hoa héo tàn qua thời gian nhắc nhở tất cả chúng ta rằng cuộc sống này chỉ là phù du thoáng qua, tất cả đều sẽ biến hoại, cuộc sống vốn dĩ vô thường.

Dâng hoa cúng dường Tam bảo chính là cơ hội để học từ hoa những bài học vô thường, hương thơm đức hạnh, khéo nói thì phải khéo làm… Từ việc dâng hoa cúng dường thường ngày, nếu khéo tác ý thì việc cúng dường ấy cũng trở thành một pháp tu thiết thực, mang đến an lạc cho các Phật tử.

Thanh Lam (thực hiện)