Độc đáo chùa cổ ở “Nam sơn đệ nhị động”

07/07/2021 16:55
Du khách chụp ảnh khi tham quan Bích Động

Du khách chụp ảnh khi tham quan Bích Động

Nếu như động Hương Tích ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được mệnh danh là “Nam sơn đệ nhất động” thì động Bích Động (Động Xanh) ở thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được ví là “Nam sơn đệ nhị động”. Nơi đây có ngôi chùa Bích Động cổ kính, chia thành 3 cấp gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, tất cả đều nằm tựa vào vách động cheo leo.

Sự gặp gỡ của lòng mộ đạo

Theo lịch sử chép lại, vào năm 1428 dưới triều vua Lê Thái Tổ có hai vị hòa thượng pháp danh Chí Thể và Chí Kiên đều quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Hai người gặp nhau và kết nghĩa anh em, vì chung lòng mộ đạo Phật, hai người đã cùng nhau đi tìm cảnh trí làm nơi tu hành. Khi hai người đi qua dãy núi Ngũ Nhạc Sơn (Bích Động ngày nay), thấy phong cảnh đẹp bèn dừng lại dựng chùa thờ Phật.

Độc đáo chùa cổ ở “Nam sơn đệ nhị động” - Ảnh 1.

Chùa Hạ Bích Động là chùa đầu tiên khi vào Bích Động

Lúc đầu, chùa động còn sơ sài và có tên là "Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng", nghĩa là ngôi cổ tự bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Đến thời vua Lê Hiến Tông (1740 - 1786), cảnh trí chùa được xây dựng mở mang. Năm 1773, Tể tướng Nguyễn Nghiễm đặt tên cho động là Bích Động. Đến năm 1774, chúa Trịnh Sâm đến thăm động và chùa, liền đặt tên cho chùa trùng với tên động là chùa Bích Động như hiện nay. Từ đó, Bích Động được coi như động đẹp thứ hai trời Nam.

Dưới triều vua Tự Đức, qua tuần du nhiều nơi, nhà vua đã chính thức ngự bút phong động Bích Động danh hiệu "Nam sơn đệ nhị động". Trước đó, danh hiệu "Nam sơn đệ nhất động" thuộc về động Hương Tích do chúa Trịnh Sâm đặt bút phong năm 1770 khi tuần du Sơn Nam. Danh hiệu "Nam thiên đệ tam động" thuộc về Địch Lộng (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), được vua Minh Mạng phong năm 1821.

Bích Động có một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (hay gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là con sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa Thục Hưng vàng óng.

Độc đáo chùa cổ ở “Nam sơn đệ nhị động” - Ảnh 2.

Chùa Trung Bích Động nằm tựa vào khe núi

Chùa Bích Động nằm tựa vào sườn núi và lẩn khuất trong động, được chia làm ba cấp, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Đường nét kiến trúc nghệ thuật chùa mang dấu ấn kiến trúc cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Khu chùa Hạ trước đây có phương đình, hai bên tả hữu có nhà giải văn, giải vũ, đầu hồi bên trái có tấm bia đá từ thời Lê ghi lại lịch sử của chùa.

Bên cạnh chùa Hạ là dãy thang đá để đi lên chùa Trung với khoảng 20 bậc đá. Ở đây có một tấm bia đá thời Nguyễn, một chuông đồng, có 3 pho tượng (1 pho bằng đá và 2 pho bằng đồng đen). Từ chùa Trung đi qua hang tối theo các bậc đá là lối lên chùa Thượng. Từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát được toàn bộ cảnh đẹp của Bích Động.

Chùa Thượng là chùa có quy mô nhỏ nhất và được xây dựng bằng đá và gỗ. Ở hai bên có cung nhỏ thờ thần Thổ Địa và Thần Núi. Khi vào mùa lúa chín, đứng từ sân chùa Thượng có thể nhìn thấy những đồng lúa vàng óng, ở giữa là các con lạch nhỏ, hai biên là những dãy núi đá vôi sừng sững trông như dải lụa uốn lượn vắt ngang qua bầu trời.

Danh thắng thiên nhiên, chứng tích lịch sử

Trước khi có tên Bích Động, thì người dân nơi đây gọi là Ngũ Nhạc Sơn với 5 ngọn núi gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa. 5 ngọn núi trông từ xa như 5 cánh hoa sen đang dần dần nở rất có ý nghĩa nơi cảnh Phật.

Độc đáo chùa cổ ở “Nam sơn đệ nhị động” - Ảnh 3.

Chùa Thượng nằm trên độ cao khoảng 200 mét so với chân núi

Cánh đồng phía dưới chân núi được gọi là Ngũ Môn, có một núi ở đó là núi Chồng Sách hay núi Voi. Tương truyền, quanh chùa Thượng có một loài hoa quý hiếm đó là hoa sơn kim cúc, cánh hoa nhỏ có màu vàng. Dùng cánh hoa đem pha với trà uống mắt sẽ sáng lên, đặc biệt hoa sơn kim cúc chỉ có ở núi Bích Động và núi Dục Thúy (TP Ninh Bình). Hiện nay để tìm thấy hoa sơn kim cúc thì rất khó.

Cảnh đẹp của Bích Động đã làm say lòng nhiều du khách, đã có nhiều bài thơ viết về nơi này, trong đó có 4 câu thơ rất ấn tượng: Núi bốn xung quanh, nước bốn mùa/ Thuyền nan nhè nhẹ mái chèo đưa/ Xôn xao sóng vỗ xung quanh động/ Mờ mịt mây tuôn khắp cảnh chùa!

Với địa thế kín, Bích Động còn có nhiều dấu ấn trong kháng chiến chống Pháp. Trong buổi đầu cách mạng, nơi đây là căn cứ đi về của đồng chí Tạ Uyên, một chí sĩ cách mạng quê ở làng Côi Trì, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Độc đáo chùa cổ ở “Nam sơn đệ nhị động” - Ảnh 4.

Chuông Minh Bia trong động Tối ở Bích Động

Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp oanh liệt, Bích Động là cơ sở của công binh xưởng Phan Đình Phùng, là thao trường tập luyện của tự vệ chiến đấu địa phương và là nơi họp của cơ quan đầu não tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, trong chiến dịch Quang Trung 1951 và chiến dịch Tây Nam Ninh Bình 1953, Bích Động còn là căn cứ của bộ đội chủ lực. Vì vậy, đến thăm Bích Động không chỉ để bái Phật, vãng cảnh thiên nhiên mà còn để tìm hiểu lịch sử và thêm phần tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng.

Chùa Bích Động nằm trong quần thể danh thắng Tràng An. Do đó, đến thăm chùa Bích Động, du khách còn có thể ghé thăm danh thắng Tam Cốc, Khu du lịch sinh thái Tràng An và tới thăm đảo cò Thung Nham với hàng ngàn con cò, chim hạc từ nhiều nơi về làm tổ và sinh sôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.