Ngày thứ tư sau lễ cưới mới được động phòng

12/08/2021 07:59
Cô dâu chú rể dân tộc Chăm Hroi bên ché rượu cưới. Ảnh minh họa

Cô dâu chú rể dân tộc Chăm Hroi bên ché rượu cưới. Ảnh minh họa

Cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm H’roi ở làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) có nhiều phong tục độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là phong tục cưới với những điều thú vị như: con gái "bắt chồng", đến ngày thứ tư sau lễ cưới mới được "động phòng", sau tân hôn đôi vợ chồng phải ra suối bắt cá…

Trai gái đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi ở làng Suối Mây trước khi trở thành vợ chồng cũng trải qua lễ cưới đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo già làng Lơ O Tằm (ở làng Suối Mây, nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định), trước lễ cưới một ngày, đại diện nhà gái sẽ tới nhà trai để thay cô dâu thực hiện việc "bắt chồng". Ngày hôm đó, đại diện nhà gái sẽ được nhà trai đón tiếp chu đáo và ngủ lại tại đây.

Sáng hôm sau, ông No (người mai mối) sẽ lấy chiếc khăn buộc vào tay chú rể, sau đó đại diện nhà gái cầm chiếc khăn và dắt chú rể đi. Đi sau chú rể là gia đình và họ hàng nhà trai, mang theo lễ vật gồm một ràng bánh tráng, một bao gạo, nước mắm, rượu cần, tiền… Khi đến nhà gái, nhờ "thần linh" mách nước chỉ đường, chú rể sẽ tìm được cô dâu giữa đám đông có mặt trong lễ cưới.

Độc đáo đến ngày thứ tư sau lễ cưới mới được “động phòng” - Ảnh 1.

Già làng Lơ O Tằm kể về phong tục cưới của người Chăm H’ro

Sau đó, lễ cưới chính thức được diễn ra trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên và bản làng. Nghi thức trọng đại này được những ông No hai bên đảm nhiệm. Một trong những hoạt động không thể thiếu là màn hát đối đáp giữa những ông No hai bên gia đình. Ông No nhà gái hát một câu, ông No nhà trai phải đáp cho đúng thì nghi thức này mới dừng lại, nếu không đúng thì cứ tiếp tục màn hát đối đáp.

Trong lễ cưới, chú rể rót rượu mời cha mẹ cô dâu và khi ly rượu cạn mới chính thức được gọi cha mẹ cô dâu là cha mẹ. Sau đó, cô dâu cũng làm điều tương tự với cha mẹ chú rể. Lúc này, đôi trẻ ngồi bên nhau, có một ông No ngồi giữa ngăn cách. Một ông No của nhà trai đến cầm tay đôi trẻ áp vào nhau, sau đó tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể. Ông No bên nhà gái mang vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ ưng thuận của cô dâu.

Sau đó, thanh niên nam nữ hai họ đánh trống, cồng chiêng, ca hát, nhảy múa. Người làng và họ hàng hai bên ngồi quây quần ăn tiệc, uống rượu cần, ca hát.

Ngày thứ tư sau cưới mới được "động phòng"

Khi khách lần lượt ra về, cô dâu và chú rể vẫn phải thực hiện một số nghi thức khác. Lúc này, một mâm cơm được dọn lên để đôi vợ chồng trẻ dùng. Sau đó, một ông No sẽ cài vào tóc cô dâu một lá bùa. Một ông No khác đem hai lá bùa vào phòng tân hôn, một lá đặt dưới gối, một lá dán lên tường.

Độc đáo đến ngày thứ tư sau lễ cưới mới được... động phòng - Ảnh 2.

Tiệc ăn uống trong đám cưới của người Chăm H’roi

Đôi vợ chồng trẻ sau đó đi vào phòng tân hôn, họ nằm cạnh nhau để nói chuyện, làm quen chứ không được "động phòng". Việc nằm cạnh nhau nhưng không được "động phòng" sẽ diễn ra trong những ngày tiếp theo.

"Đến ngày thứ tư, sau khi vượt qua hết các quy định, cô dâu và chú rể sẽ được ông No đến làm lễ "động phòng". Lễ này cũng khá đặc biệt, mâm lễ gồm có bốn miếng trầu têm, bốn ly rượu. Sau khi khấn vái xong, ông No sẽ lấy ba lá bùa đã dán trước đó. Sau đó, ông No trải chiếu cho đúng chiều rồi mọi người vào phòng tân hôn uống ly rượu mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Trước khi ra về, ông No sẽ dặn dò đôi vợ chồng mới những kiến thức trước khi "động phòng" và không quên dặn những cách khắc phục sự cố để đôi trẻ thêm phần trọn vẹn trong cuộc vui", già làng Lơ O Tằm cho biết.

Sau đêm "động phòng", đôi vợ chồng trẻ dắt nhau ra suối để thực hiện tục đạp suối. Đi với họ là cô dâu và chú rể phụ cùng anh em thân thiết trong hai bên gia đình. Tục lệ quy định, cô dâu hoặc chú rể phải bắt được ít nhất một con cá để mang về nhà.

"Cô dâu và chú rể ra suối bắt cá là để cho mát tay, mát chân. Khi hai vợ chồng về chung sống với nhau thì sẽ được mát lòng mát dạ như nước suối nguồn. Tục đạp suối ý nghĩa chính là ở chỗ đó", bà Đoàn Thị Thiếu (ngụ làng Suối Mây) cho biết.

Độc đáo đến ngày thứ tư sau lễ cưới mới được “động phòng” - Ảnh 3.

Bà Đoàn Thị Thiếu với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình

Bà Thiếu bảo, bây giờ, nam nữ Chăm H’roi tự do tìm hiểu nhau, bình đẳng trong quan hệ nhiều hơn trước. Cái hay là nam nữ yêu nhau không bị chia cách bởi sự giàu nghèo, phù hợp với xã hội hiện đại. Các nghi lễ trong phong tục cưới cũng giảm hơn trước nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào.

"Đồng bào chúng tôi quan niệm, nam nữ đã cưới nhau rồi thì sống với nhau đến khi cái tay không cầm được cái rựa, cái chân không trèo được ba ngọn núi, không lội được bảy khúc sông, con mắt không nhìn thấy chim bay trên trời, cái tai không nghe tiếng chiêng giục hội… vẫn không phụ bạc", bà Thiếu chia sẻ.

Phong tục cưới của người Chăm H’roi ở làng Suối Mây là một trong không nhiều nét văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số. Và, với những nghi thức thiêng liêng, độc đáo, giá trị cộng đồng vượt ra ngoài phạm vi gia đình, không khí vui tươi mang bản sắc văn hóa, đám cưới của đồng bào thiểu số Chăm H’roi mang dáng dấp như một lễ hội "mini" - lễ hội của tình yêu, hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn