Lễ hội Aza không chỉ là ngày Tết vui tươi nhộn nhịp mà còn thể hiện lòng thành kính của người Tà Ôi đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa.

Độc đáo Lễ Aza mừng lúa mới của người Tà Ôi

Lễ hội Aza không chỉ là ngày Tết vui tươi nhộn nhịp mà còn thể hiện lòng thành kính của người Tà Ôi đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa.

Ngày 27/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chương trình tái hiện Lễ mừng lúa mới Aza của người Tà Ôi. Tham gia phục dựng chương trình chính là những người dân tộc Tà Ôi đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Aza là lễ hội truyền thống được đồng bào Tà Ôi tổ chức vào dịp cuối năm khi mùa màng đã thu hoạch xong. Người Tà Ôi tổ chức Aza với mong muốn mùa màng bội thu, để năm mới no ấm, mọi người luôn khỏe mạnh, con cái học hành tiến bộ hơn.

Lễ vật cúng trong Lễ hội Aza

Lễ vật cúng trong Lễ hội Aza

Vào những ngày lễ hội Aza, dù con em trong thôn bản đang đi làm ăn xa cũng thu xếp công việc trở về nhà để cùng đón lễ Aza với gia đình giống như Tết Nguyên đán của dân tộc Kinh. Lễ hội Aza cũng là Tết sum họp của các dòng họ người Tà Ôi, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội Aza cũng là dịp để bà con, anh chị em tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện tổng kết việc làm ăn trong một năm qua, đã làm ăn phát đạt những gì, việc gì chưa đạt được để năm mới làm ăn tốt hơn.

Lễ Aza được tổ chức tại nhà Rông chung của làng, do già làng cùng các trưởng họ làm chủ trì. Già làng sẽ quy định số lượng lễ vật cúng cho từng hộ gia đình. Muốn thực hiện nghi thức lễ hội cúng cơm mới, cúng thần linh, dân làng phải chuẩn bị trước đó nhiều ngày. Có loại gia súc, gia cầm phải chăn nuôi ngay từ đầu năm. Riêng rượu cần phải chuẩn bị ngay từ năm trước. Trong đó, những người đàn ông trong thôn, bản chuẩn bị các con vật nuôi như bò, lợn, gà… hay lên rừng lấy nước từ thân cây đoác về làm bẫy chim, chuột, đánh bắt ếch, cá, tôm tép… phục vụ các nghi lễ cúng thần linh. Những phụ nữ tìm kiếm nông sản từ nương, rẫy như: sắn, khoai, môn, măng nứa, rau rớn, môn thục, đọt mây, đọt đoác… để chế biến các món ăn truyền thống.

Già làng chuẩn bị làm lễ cúng Giàng

Già làng chuẩn bị làm lễ cúng Giàng

Vào ngày lễ hội Aza, mỗi thôn, mỗi gia đình trong thôn đều phải mang những thực phẩm gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà con, mà theo quan niệm của họ, thực phẩm ấy có được là nhờ Giàng phù hộ, chở che, ban cho vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc. Trong lễ hội Aza phải có các sản vật cúng Giàng như: cơm nếp nướng trong ống tre, bánh A quát (loại bánh không nhân với nguyên liệu gạo nếp được gói trong lá cây đót), gà nướng ống tre, thịt lợn nguyên con (hoặc thủ lợn), chim, chuột, ếch, cá nướng...

Già làng sẽ là người đại diện cho các dòng họ trong bản tiến hành nghi lễ cúng Giàng và sau đó là phần hội, bà con ăn uống chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát mừng mùa màng bội thu. Những tiếng khèn, tiếng trống chiêng hòa cùng những điệu nhảy vui tươi, những tiếng vỗ tay reo hò và những nụ cười rạng rỡ trên môi của đồng bào Tà Ôi trên đỉnh Trường Sơn.

Dân làng nhảy múa mừng mùa màng bội thu

Phụ nữ Tà Ôi tái hiện màn giã gạo

Phụ nữ Tà Ôi tái hiện màn giã gạo

Aza một trong những nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo cần được gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm đúng theo chu kỳ. Bởi Aza không chỉ là lễ hội, là ngày Tết vui tươi nhộn nhịp mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. 

Lễ hội Aza để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu làng bản. Sau một mùa lúa mới, lễ hội Aza đẹp đẽ ấm áp tình người lại nở rộ vui tươi, rộn ràng trong khắp bản làng của người Tà Ôi…

Trong ngày 27/2, Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có cuộc gặp mặt báo chí đầu năm. Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, đơn vị này vẫn nỗ lực quyết tâm thực hiện Dự án số hóa 54 dân tộc, đẩy mạnh xây dựng để Làng Văn hóa không chỉ là điểm phát triển du lịch xanh, sạch đẹp mà còn là nơi gìn giữ nét truyền thống văn hóa dân tộc một số vùng miền đang bị mai một.

03/03/2022