Độc đáo ngôi đình thờ Trời Đất ở Nhị Khê

09/11/2021 08:33
Hội làng Nhị Khê. Ảnh minh họa: ST

Hội làng Nhị Khê. Ảnh minh họa: ST

Khác với các ngôi đình thờ thành hoàng làng ở miền Bắc, đình làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) lại thờ Trời Đất, cho dù biết rõ gốc tích người góp của, góp công xây dựng đình làng.

Nhị Khê là một làng cổ đông dân cư nằm ở cuối sông Tô Lịch, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng ổi tiến vua nên còn được gọi là Ngọc Ổi hay Trại Ổi. Nhị Khê là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nhân tài, tiêu biểu là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Ngoài ra, làng còn một vị phi tần đứng đầu Cung tần thị nội, từng giữ chức Lễ nghi học sĩ, giảng dạy trong hoàng cung vào đầu thời Lê trung hưng là Nguyễn Thị Ngọc Hân. Bà là con gái của tiến sĩ Quận công Nguyễn Nghị và là cháu nội 5 đời của Liệt tổ Ức Trai Nguyễn Trãi.

Độc đáo ngôi đình thờ Trời Đất - Ảnh 1.

Bia ghi công đức của Thánh mẫu Ngọc Hân

Khi còn tại thế, bà không chỉ chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân mà còn ra sức xây dựng các đền, miếu, đình, chùa, chăm lo đời sống tâm linh cho đồng bào. Năm 1653, khi đã 50 tuổi, bà đã đứng ra trùng tu đình làng Nhị Khê với ước vọng để lại trên quê nhà một công trình văn hóa cho muôn đời. 

Với công đứng lớn lao như vậy, thông thường bà sẽ được tôn làm Thành hoàng làng Nhị Khê, nhưng do bà là cháu nội 5 đời của Nguyễn Trãi – khai quốc công thần nhà Lê sơ, nếu tôn bà làm Thành hoàng thì công đức và vị thế sẽ vượt tổ tiên. Vì thế, mà nhân dân làng Nhị Khê vẫn thờ phụng bà nhưng không phải là Thành hoàng làng, đồng thời thờ Trời - Đất (Trời là cha, Đất là mẹ) trong đình làng, tạo nên ngôi đình làng không có thành hoàng làng ở khu vực Bắc bộ.

Khánh thành đình làng có vua về dự

Theo sử sách, sau khi đình làng Nhị Khê được trùng tu hoàn tất, đích thân vua Lê Gia Tông và các vị phi tần đã về dự lễ khánh thành. Thế nên, ở Nhị Khê còn có điển tích về Quán Rồng, Quán Phượng và Miếu Vua Bà (hay Miếu Trúc) nhân dịp nhà vua về dự. Trong đình có bức đại tự lớn "Hoàng Đế Vạn Tuế" nghĩa là Hoàng đế muôn năm để ghi nhớ lại sự quan tâm của nhà vua với dân làng, đình làng.

Về kiến trúc, đình làng Nhị Khê là một ngôi đình bề thế, có mô-típ đặc trưng của đình vùng đồng bằng Bắc bộ. Đình có hình dạng hình chữ Công, hai bên tả mạc, hữu mạc để một chiếc ngai và tấm bia đá cổ, ghi lại cuộc đời và công đức của Thánh mẫu Ngọc Hân.

Độc đáo ngôi đình thờ Trời Đất - Ảnh 2.

Đình làng Nhị Khê thờ Trời Đất

Cửa đình có đôi cột đồng trụ cổ, câu đối được làm bằng đá hoa cương: Trừ tú văn lan nhất đái khê hồi Tô Lịch thủy/ Dương linh phúc địa thiên niên miếu trĩ Ức Trai hương. Tạm dịch là: Giờ đẹp văn chương tỏa một dải về dòng Tô Lịch/ Đất thiêng phúc nổi nghìn năm đền miếu Ức Trai quê.

Hội làng được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng, làng rước hai chiếc ngai, trên ngai có mũ ông mũ bà, bộ y phục, đôi hài lộng lẫy tượng trưng cho cha mẹ (Trời Đất).

Bên cạnh đình còn có nhà thờ tổ nghề tiện hướng quay về phía Tây. Nhân dân Nhị Khê có tục tín ngưỡng rằng, Mùng Một Tết đi lễ đình, Mùng Hai đi lễ nhà thờ tổ nghề, đến Mùng Ba mới đi chơi, thăm hỏi nhau.

Do cảm mến mảnh đất quê hương, nên sau khi qua đời năm 1689, thọ 87 tuổi, Thánh Mẫu Ngọc Hân đã chọn gửi thân xác lại đất Nhị Khê. Đám tang của bà có vua Lê Hy Tông về dự và phát tang, vua Lê Hy Tông còn ban cho bà 4 chữ vàng "Nguyên Mẫu trần gian". Đến nay, mộ của bà vẫn còn nguyên vẹn và được con cháu dòng họ Nguyễn tại Nhị Khê quan tâm hương khói.

Ông Nguyễn Thông, 80 tuổi, hậu duệ đời thứ 18 của cụ Nguyễn Trãi tại Nhị Khê cho biết: Họ Nguyễn ở Nhị Khê là một dòng họ lớn và khởi tổ từ cụ Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi, vậy nên Thánh Mẫu Ngọc Hân tuy có công xây dựng đình nhưng không phải thành hoàng làng để tránh xếp trên tổ tiên. Hiện nay, các di tích liên quan đến tổ tiên dòng họ Nguyễn đều được dòng họ và chính quyền địa phương bảo tồn thờ phụng cung kính như đền thờ Nguyễn Trãi, đình làng, mộ tóc, móng chân tay Nguyễn Trãi, mộ Thánh mẫu Ngọc Hân...

Tuy có giá trị lịch sử to lớn, nhưng đến nay đình làng Nhị Khê vẫn chưa được các cấp xếp hạng di tích khiến công tác trùng tu, quản lý chưa được thống nhất, thuận tiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.