Độc đáo nhà thờ đá mang phong cách đình chùa ở Bắc bộ

26/06/2021 07:16
Công trình nhà thờ Công giáo đan xen nhiều hình ảnh, họa tiết của văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó cổng vào là cổng tam quan giống như cổng chùa

Công trình nhà thờ Công giáo đan xen nhiều hình ảnh, họa tiết của văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó cổng vào là cổng tam quan giống như cổng chùa

Tuy là một nhà thờ Công giáo nhưng Nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) lại mang phong cách kiến trúc đình, chùa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ lim, không chỉ là một công trình tôn giáo mà còn là công trình kiến trúc tuyệt đẹp.

Gần 30 năm xây dựng mới hoàn thành

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm rộng tới 22ha, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30km về phía Đông Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.

Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1875 tới năm 1898 mới cơ bản hoàn thành, và phải mất thêm một vài năm nữa mới có diện mạo như ngày nay. Sở dĩ công trình được xây dựng bằng đá bởi vì nền đất ở huyện Kim Sơn khá yếu, vùng đất này mới được Nguyễn Công Trứ khai phá bằng biện pháp khai hoang, lấn biển.

Độc đáo nhà thờ đá mang phong cách đình chùa ở Bắc bộ - Ảnh 1.

Hồ nước trước Nhà thờ đá

Công trình này do Phêrô Trần Lục, còn gọi là cụ Sáu (1825 – 1899) khởi công xây dựng. Để có thể dựng được một công trình đồ sộ trên, cụ Sáu đã cho thợ đóng xuống hàng triệu cọc tre và hàng nghìn khối đất đá để làm nền vững chắc. Công trình không dựa theo nguyên mẫu các nhà thờ Công giáo phương Tây mà đan xen rất nhiều hình ảnh, họa tiết của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Như cổng vào là cổng tam quan giống như cổng chùa, mái cổng chồng diêm hai tầng tám mái, bốn góc đầu đao uốn cong và được lợp ngói vẩy rồng, trên nóc mái có cây thánh giá, chỗ có bánh xe pháp luân của Phật giáo. Ngay cả nhiều bức đại tự cũng được viết bằng chữ Hán cổ, lan can có hình cây tre Việt Nam mềm mại, nhiều bức phù điêu mô tả cảnh sinh hoạt nông thôn Việt như trẻ hái đào, lao động nông nghiệp, chạm trổ tứ quý tùng cúc trúc mai, bên cạnh đó là một số bức phù điêu kể lại tích trong kinh thánh của người Công giáo.

Độc đáo nhà thờ đá mang phong cách đình chùa ở Bắc bộ - Ảnh 2.

Kiến trúc mái và hành lang của các nhà thờ giống như của đình, chùa cổ Việt Nam

Mục đích của việc phối kiến trúc truyền thống trong một nhà thờ Công giáo của Phêrô Trần Lục chính là tăng cường tính hòa hợp, hội nhập và đoàn kết giữa Công giáo và các tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam trong giai đoạn mà Công giáo bắt đầu lan rộng và sâu sự ảnh hưởng trong xã hội.

Các phiến đá tảng được cắt, mài rồi ghép với nhau bằng xi-măng, vôi cho dù lượng chất kết dính không nhiều, có những phiến đá nặng tới 20 tấn, đá chủ yếu lấy từ núi Thiện Dưỡng thuộc huyện Hoa Lư cách Phát Diệm 30km, một số loại đá quý khác lấy từ núi Nhồi gần TP Thanh Hóa, cách Phát Diệm 60km.

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ, trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên và cũng là nhà thờ được xây dựng sớm nhất, được gọi là Nhà thờ đá. Các nhà thờ đều có tên như Nhà lớn chính tòa, Nhà thờ trái tim Chúa Giêsu, Nhà thờ Thánh Rôcô, Nhà thờ Thánh Giuse, Nhà thờ Thánh Phêrô nằm ở 4 phương khác nhau. Ngoài ra còn phương đình (tháp chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo.

Độc đáo nhà thờ đá mang phong cách đình chùa ở Bắc bộ - Ảnh 3.

Nhà thờ thánh Phêrô

Điểm du lịch không thể bỏ qua ở Ninh Bình

Trải qua gần 130 năm tồn tại nhưng Nhà thờ đá Phát Diệm vẫn giữ được diện mạo ban đầu, bởi chất liệu đá "bền như bàn thạch" với thời gian, không hao mòn trước nắng mưa. Du khách khi đến du lịch tỉnh Ninh Bình thường không bao giờ bỏ qua khám phá Nhà thờ đá Phát Diệm.

Do địa hình nằm gần biển và ở cuối tỉnh nên Nhà thờ đá Phát Diệm thường nằm cuối cùng trong hành trình du lịch Ninh Bình. Nếu đi một dải từ phía Tây sang phía Đông tỉnh, du khách sẽ bắt đầu tham quan từ Vườn Quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan), chùa Bái Đính (huyện Gia Viễn), Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), rồi tới Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vườn chim Thung Nham (huyện Hoa Lư), và cuối cùng là Nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn).

Độc đáo nhà thờ đá mang phong cách đình chùa ở Bắc bộ - Ảnh 4.

Nhà Chung của giáo phận Phát Diệm mới được xây dựng năm 2018

Vào dịp Giáng sinh, Nhà thờ đá Phát Diệm được mệnh danh là "kinh đô Công giáo của Việt Nam" đón hàng vạn khách du lịch, hành hương. Tuy vậy, với sự tổ chức chuyên nghiệp, huyện Kim Sơn đã hình thành chuỗi khu nghỉ, ăn uống, để xe cho du khách thập phương, đảm bảo an ninh trật tự.

Để đến với Nhà thờ đá Phát Diệm từ Thủ đô Hà Nội, chỉ cần xuôi theo quốc lộ 1A chừng 90km về phía Nam và rẽ theo quốc lộ 10 chừng 30km là sẽ tới địa chỉ du lịch này. Hoặc có thể đi theo quốc lộ 1A tới ngã ba chợ Mai Sơn và rẽ trái khoảng 20km ra quốc lộ 12B, đến ngã ba Lai Thành rẽ trái không xa là tới Nhà thờ đá Phát Diệm.

Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Nhà thờ đá Phát Diệm là si sản văn hóa thế giới. Năm 2021 cũng là năm du lịch quốc gia tỉnh Ninh Bình với chủ đề "Hoa Lư - cố đô ngàn năm".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.