Độc đáo thành Tà Kơn sừng sững giữa đại ngàn Bình Định

13/03/2023 10:12
Tường thành Tà Kơn dài hơn 500m.

Tường thành Tà Kơn dài hơn 500m.

Những khối đá hình lục giác, hình trụ xếp liền kề, khít chặt vào nhau như một bức tường thành sừng sững giữa đại ngàn. Đây không phải là nhân tạo mà là thiên tạo. Và, con người đã thổi vào những khối đá kỳ vĩ này sinh khí, một sức sống nhân văn, có tinh thần bất khuất chống xâm lược…

Thành Tà Kơn (thuộc làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách nay hàng triệu năm. Ở đây, những khối đá hình lục giác, hình trụ xếp liền kề, khít chặt vào nhau như một bức tường thành sừng sững giữa đại ngàn hùng vĩ của núi rừng Vĩnh Thạnh. Tường thành dài hơn 500m, chỗ cao nhất khoảng 30m.

Tường thành Tà Kơn là những khối đá hình lục giác, hình trụ xếp liền kề, khít chặt vào nhau.

Tà Kơn theo tiếng Bahnar Kriêm có nghĩa là đá lớn xếp thành lũy. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này không chỉ trở thành danh thắng nơi núi rừng Vĩnh Sơn mà nó đã đi vào sử thi, trở thành huyền thoại của đồng bào Bahnar Kriêm như một thành lũy vững chắc, nơi cư trú và chứng kiến những trận chiến oai hùng chống lại thế lực bên ngoài của dân làng.

Độc đáo thành Tà Kơn sừng sững giữa đại ngàn Bình Định - Ảnh 2.

Chỗ cao nhất của thành Tà Kơn khoảng 30m.

Nói về huyền thoại thành Tà Kơn, truyện cổ Bahnar Kriêm kể rằng, không rõ hai anh em Đrum và Đrăm từ đâu đến, thấy có hòn đá đẹp họ dừng lại rồi mài lại rựa. Lưỡi rựa chỉ liếc qua một tí đã sắc lẻm, chặt cây lớn mấy cũng ngã, đụng đến đá cứng mấy cũng đứt liền.

Thấy Đrum, Đrăm khỏe đẹp và có hòn đá trời cho nên dân làng Kon Blo từ em bé mới biết đi đến người già chống gậy đều dắt díu nhau đi theo họ lập làng mới.

Ngày trước, làng Kon Blo thường bị giặc phá, năm nào người dân cũng phải rời làng. Giờ có Đrum, Đrăm, có hòn đá đẹp, dân làng hăng hái mài dao, mài rựa để chặt đá, xây thành giữ làng. Đồng bào ở Kon Blo chặt đá vuông vức, kê lên nhau xây thành hình móng ngựa trên một sườn núi.

Bên trong, dân làng làm nhà rông, nhà bếp, chuồng trâu, hầm cất lúa, giếng nước, làm đường xuyên từ núi ra ngoài… tất cả làm bằng đá. Đất ở ngoài thành dân làng vẫn làm nương rẫy, trồng lúa, trỉa bông. Nhờ có thành đá này mà trai tráng trong làng cùng Đrum, Đrăm nhiều lần đánh thắng quân Tà Pông Kang.

Những gốc cổ thụ khổng lồ nhả rễ ôm lấy tường thành Tà Kơn.

Không chỉ là danh thắng, khu vực thành Tà Kơn tương truyền là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa, tục danh vườn cam Nguyễn Huệ vẫn còn đó như minh chứng cho sự kiện ấy. Thời kỳ lịch sử hiện đại, 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu vực thành Tà Kơn từng là hậu cứ của du kích và quân chủ lực huyện Vĩnh Thạnh cho đến ngày đất nước thống nhất.

Con đường được làm nhân tạo dưới chân tường thành Tà Kơn để du khách thuận tiện đi lại tham quan.

Từ khi hình thành đến nay, thành Tà Kơn vẫn hiện diện giữa khu rừng già nguyên sinh, là niềm tự hào của người Bahnar Kriêm ở Vĩnh Sơn. Trong những ngày lễ hội, đêm đêm bên bếp lửa hồng ở nhà rông, các già làng ở Vĩnh Sơn vẫn kể lại huyền thoại thành Tà Kơn cho con cháu mình nghe.

Độc đáo thành Tà Kơn sừng sững giữa đại ngàn Bình Định - Ảnh 5.

Tấm bia di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh thành Tà Kơn dựng phía dưới thành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.