Đồng bào Khmer giữ gìn bình yên phum sóc

30/06/2022 09:00

Nhằm tạo môi trường an toàn, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, các địa phương có đông bà con Khmer sinh sống đã thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, chú trọng vai trò của người có uy tín cũng như tổ tự quản dòng tộc trong việc giữ gìn bình yên phum sóc.

Đồng bào Khmer giữ gìn bình yên phum sóc - Ảnh 1.

Tổ tự quản dòng tộc họ Thạch, họ Sơn tham gia cùng với UBND xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) vận động người dân hiến đất làm lộ giao thông nông thôn. Ảnh: C.L

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN ĐƯỢC PHÁT HUY

Huyện Hồng Dân là một trong những địa phương có khá đông đồng bào Khmer sinh sống. Xác định rõ tầm quan trọng của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt việc phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, người có uy tín tại địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Đồng thời, đứng ra thành lập nhiều tổ tự quản dòng tộc, góp phần cùng với chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn.

Ông Danh Sang - người có uy tín và cũng là Tổ trưởng Tổ tự quản dòng tộc họ Danh ở ấp Đầu Sấu Đông (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), chia sẻ: “Tổ tự quản dòng tộc không chỉ góp phần giữ gìn an ninh trật tự mà còn giúp truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào Khmer một cách nhanh chóng, hiệu quả. Từ đó, mọi người cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiều công trình, phần việc ở địa phương, giúp bộ mặt phum sóc ngày thêm khởi sắc”.

Không riêng gì ở Hồng Dân mà trên địa bàn TP. Bạc Liêu, các tổ tự quản dòng tộc của đồng bào Khmer cũng tích cực cùng với chính quyền địa phương thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực. Nổi bật là vận động người dân hiến đất làm đường, trồng hàng rào cây xanh, tuyên truyền, vận động loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, tăng gia lao động sản xuất, vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường… Từ những phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, gương mẫu trong đồng bào Khmer.

“Việc gì có ích, có lợi cho xóm làng, cho quê hương là tôi luôn hết mình vận động bà con cùng nhau thực hiện; còn việc gì xấu, chưa tốt thì khuyên nhủ bà con loại bỏ, tránh xa. Không chỉ vậy, tôi còn tham gia cùng với các cấp chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để mọi người cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước mà cố gắng vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Sơn Biên - Tổ trưởng Tổ tự quản dòng tộc họ Thạch, họ Sơn (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), bộc bạch.

HIỆU QUẢ TỪ NHIỀU MÔ HÌNH TỰ QUẢN

Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của người có uy tín đối với công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc, các địa phương cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ và tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người có uy tín làm tốt vai trò nòng cốt của mình.

Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng theo các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, qua đó góp phần từng bước đưa phong trào ngày càng thực chất, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Ông Danh Cáo - Trưởng phòng Dân tộc - Tôn giáo huyện Hồng Dân, cho biết: “Những người có uy tín đã góp phần rất lớn trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an giải quyết ổn thỏa nhiều vụ mâu thuẫn, khiếu kiện. Ngoài ra, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; vận động bà con tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Tính đến đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 177 mô hình tự phòng, tự quản và phòng, chống tội phạm với gần 17.000 thành viên. Đặc biệt, có 7 mô hình đã được Bộ Công an công nhận và nhân rộng trên toàn quốc, trong đó có “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự”; “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”.

Có thể thấy, những người có uy tín tại địa phương đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác trong Nhân dân. Từ đó, tạo tiền đề tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.