Đồng Tháp giúp người dân vùng biên thoát nghèo

03/08/2021 09:38
Nhờ được hỗ trợ vốn để chăn nuôi, sản xuất, nhiều phụ nữ ở Đồng Tháp đã thoát nghèo. Ảnh minh họa

Nhờ được hỗ trợ vốn để chăn nuôi, sản xuất, nhiều phụ nữ ở Đồng Tháp đã thoát nghèo. Ảnh minh họa

Với sự giúp đỡ từ Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo ở các xã biên giới tỉnh Đồng Tháp đã có động lực để đổi thay, vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, gia đình chị Huỳnh Thị Hương, 50 tuổi, ở xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), rất khó khăn. Vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê - ai thuê gì làm đó nên nguồn thu nhập không ổn định. Ước mơ có được ngôi nhà an toàn, kiên cố để an tâm lập nghiệp đối với vợ chồng chị Hương từng là chuyện xa xỉ…

Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, anh chị đã làm được ngôi nhà mới. Sau khi đã an cư, anh chị chú tâm làm ăn. Thu nhập vợ chồng chị mỗi ngày được vài trăm nghìn đồng nên anh chị tự nguyện xin thoát nghèo.

Cũng như gia đình chị Hương, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1974, xã Thường Phước 1, được thụ hưởng từ các chính sách hỗ trợ vốn của Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Gia đình chị Hiền là hộ nghèo, không có đất sản xuất, vợ chồng chị không có việc làm ổn định. Tiền ăn uống sinh hoạt trong gia đình, tiền sách vở lo cho con ăn học là gánh nặng với anh chị. Dù biết phạm pháp, nhiều nguy hiểm nhưng vợ chồng chị vẫn liều lĩnh vượt biên vận chuyển thuốc lá lậu thuê...

Sau khi được tuyên truyền, vận động, được Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương xét cho vay vốn 10 triệu đồng, địa phương cho vay 30 triệu đồng... chị Hiền đã quyết tâm thay đổi. Chị dùng số vốn vay để khởi nghiệp buôn bán trái cây, cá đồng. Chồng chị thì thuê đất sản xuất nông nghiệp, họ chí thú làm ăn, dần dần xây được nhà kiên cố, con cái tiếp tục học hành, thu nhập gia đình ổn định...

Đồng Tháp giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 1.

Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại Đồng Tháp có nhiều hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ vùng biên. Ảnh minh họa

Nhắc đến những tháng ngày vợ chồng đồng lòng vượt khó và nhất là khi được Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và địa phương hỗ trợ, chị Hiền nói trong nước mắt: "Thời gian trước gia đình khó khăn, mình phải vận chuyển thuốc lá lậu thuê, rất nguy hiểm. Nhờ địa phương và Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương quan tâm, giúp đỡ nên mình đã có vốn làm ăn để thoát nghèo".

Tại Đồng Tháp, sau 3 năm nỗ lực triển khai Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, mặc dù theo phân bổ của TƯ Hội là 4 xã biên giới, nhưng tỉnh Hội đã mạnh dạn đầu tư nguồn lực để triển khai hỗ trợ 8/8 xã biên giới trên địa bàn với những kết quả ấn tượng. Chương trình đã huy động nguồn lực hiệu quả với tổng số tiền, quà gần 17,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các cấp Hội đã hỗ trợ phụ nữ các xã biên giới.

Cụ thể, Chương trình đã phối hợp xây mới 3 cây cầu; mua 1 xe vận chuyển cấp cứu; đầu tư 1 công trình nước sạch trị giá 1,3 tỷ đồng, 10 máy lọc nước ở các điểm sinh hoạt cộng đồng; trao 301 mái ấm tình thương; 605 phần quà, 184 suất học bổng; 200 thùng chứa rác, 7 tủ sách, 8 bàn làm việc cho 8 Hội LHPN xã; 32 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ Mô hình hũ gạo tình thương (giúp hàng tháng 20kg gạo).

Đồng Tháp giúp người dân vùng biên thoát nghèo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Chương trình cũng đã hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho 386 cán bộ, hội viên phụ nữ biên giới vay để phát triển kinh tế và khởi nghiệp; gần 8.000 hộ gia đình phụ nữ và hội viên được hỗ trợ kiến thức, sinh kế, giúp vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 8 xã biên cương xuống mức thấp. Nhiều mô hình tập hợp phụ nữ vùng biên được thành lập và phát huy hiệu quả như "Chung tay cùng màu xanh biên giới", "Nâng bước em tới trường", "Hũ gạo tình thương", "Mô hình tự quản đường biên cột mốc", "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình"; "Mô hình Mỗi chi Hội giúp 01 hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững"…

Có thể nói, Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã góp phần giúp đời sống của chị em và bộ mặt địa phương vùng biên nơi đây có nhiều chuyển biến. Đã có 5/8 xã biên giới của toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; chất lượng hoạt động Hội LHPN 8 xã biên giới được nâng lên, trong đó có 3/8 đơn vị vươn lên nhóm dẫn đầu. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của phụ nữ và người dân được nâng lên. Bà con không những chăm sóc gia đình mình mà còn động viên, chia sẻ quan tâm hỗ trợ lẫn nhau để cùng vươn lên làm giàu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.