Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

PV
09/06/2023 - 14:32
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thảo luận tại tổ 10 ngày 9/6

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một chính sách quan trọng, thể hiện đường lối lãnh đạo của Đảng về chính sách dân tộc ở nước ta.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Tráng A Dương - ĐBQH Hà Giang, cho biết: Trong thực tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nghèo là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ đất sản xuất. Nếu địa phương mà không còn quỹ đất để tạo sinh kế thu nhập ổn định đời sống, theo đại biểu, với nội dung chỉnh lý trong Dự thảo Luật, đối tượng hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số tại các xã khu vực 1, khu vực 2 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất.

Theo đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý theo hướng: Ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nên thiết kế một Điều quy định riêng về chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là chính sách miễn, giảm giảm tiền sử dụng đất đối với mục đích sản xuất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Còn đại biểu Quàng Văn Hương - ĐBQH Sơn La, cho rằng cần thiết kế cơ chế tài chính cho phép mở rộng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Theo đó, bổ sung các trường hợp được tặng cho, nhận quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu, hiện nay nghị định 45 cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất… "Chúng tôi đề nghị mở rộng chính sách này sẽ giải quyết được câu chuyện mua đất nông nghiệp và nhà nước cho phép miễn giảm tiền sử dụng đất, mở rộng chính sách, thế mới đảm bảo tính khả thi. Còn chờ nhà nước thu hồi đất rồi mới giao cho đồng bào thì sẽ không có quỹ đất"- đại biểu Quàng Văn Hương nói.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 17 quy định Nhà nước phải có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định rõ việc được quy hoạch, bố trí đất bao nhiêu để đảm bảo được việc sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - ĐBQH Hải Dương, đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 17 nội dung đất xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc danh mục của nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống sản xuất nông nghiệp, nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH Hải Dương, thảo luận tại tổ

Phát biểu tại tổ, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Với đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần bà con sinh sống ở vùng núi, vùng sâu xa, đất sản xuất rất khó khăn. Cần thiết phải đưa vào luật những quy định về trách nhiệm của chính quyền các cấp chăm lo cho bà con, đặc biệt là đất sản xuất, trong đó phải đảm bảo phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán cũng như điều kiện của địa phương.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, chúng ta tạo điều kiện về đất sản xuất với bà con dân tộc thiểu số, đồng thời cũng phải tuyên truyền, vận động để bà con nâng nhận thức, nâng cao năng lực, nâng giá trị sản xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm