Đưa làn gió mới vào thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái tại Nghệ An

Vân Ngọc
13/04/2023 - 13:07
Đưa làn gió mới vào thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái tại Nghệ An

Nghệ nhân Sầm Thị Tình (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)

Được công nhận danh hiệu nghệ nhân ở tuổi đời còn khá trẻ, Sầm Thị Tình đã dành nhiều tâm huyết để đưa hoa văn và kỹ thuật nhuộm, dệt vải thổ cẩm của dân tộc mình thành những sản phẩm thời trang thủ công mỹ nghệ sáng tạo, độc đáo.

Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, được biết đến là một trong những địa chỉ dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong "chiếc nôi" giàu truyền thống văn hóa đó, tình yêu thổ cẩm đã ngấm dần trong tâm hồn cô bé Sầm Thị Tình từ khi còn nhỏ. Được chỉ dạy từ người mẹ là nghệ nhân trong bản, Sầm Thị Tình đã sớm quen với khung dệt để tạo nên những tấm vải thổ cẩm mang hoa văn đặc trưng của người Thái tại bản Hoa Tiến.

Từ hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Hoa Tiến Brocade), nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình gìn giữ và nâng tầm những sản phẩm thời trang hiện đại, có mặt tại các sàn diễn lớn trong nước và trên thế giới, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Thái ra cộng đồng và tạo sinh kế cho lao động nữ tại địa phương.

Đưa làn gió mới vào thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái tại Nghệ An - Ảnh 1.

Tấm vải thổ cẩm dệt nên bằng tình yêu và sự khéo léo, tỉ mỉ của những người phụ nữ dân tộc Thái bản Hoa Tiến

Nghệ nhân Sầm Thị Tình đã chia sẻ về chặng đường yêu và gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc cùng PNVN.

- Xin chào nghệ nhân Sầm Thị Tình. Được biết, những năm vừa qua, chị đã giành nhiều thời gian để gìn giữ, nâng tầm thổ cẩm của dân tộc mình. Trên hành trình đó có những dấu mốc nào đáng nhớ đối với chị?

Trong quá trình khởi nghiệp bằng con đường thổ cẩm, mang sản phẩm đặc thù của quê hương ra thị trường, tôi đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm thổ cẩm. Bản thân tôi gặp không ít những khó khăn trên còn đường sản phẩm ra khỏi vùng miền của mình. 

Tôi nhớ như in hồi năm 2016, nhận được lời mời của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên đưa sản phẩm đi trưng bày giời thiệu tại Cần Thơ trong 3 ngày, tôi gặp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Nhưng phần đa tôi nhận được từ khách hàng phản hồi là thổ cẩm không hợp với họ, chỉ mang về dân tộc bán thôi. Họ đã nói như vậy với tôi. Lúc đó trong lòng tôi cảm thấy như bị định kiến với dân tộc, với sản phẩm và cảm thấy có phần tổn thương. 

Nhưng sau đó tôi đã nghĩ lại và khắc phục sản phẩm của mình. Tôi chịu khó đi học hỏi tìm hiểu thị trường, đi giới thiệu nhiều hơn với các cùng miền khác nhau và tôi nhận được nhiều tín hiệu tích cực hơn.

Đưa làn gió mới vào thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái tại Nghệ An - Ảnh 2.

Từng sản phẩm đều có những nét đặc trưng riêng

- Để lan tỏa tình yêu thổ cẩm đối với cộng đồng, chị có những bí quyết gì của riêng mình có thể chia sẻ?

Theo tôi thì cũng không có bí quyết gì lớn lao cả. Đơn giản là tình yêu với nghề. Mình làm cái gì đó trước tiên là mình thấy yêu thích, biết trân quý thứ mình làm ra. Dù thành quả ban đầu có ra sao thì đối với tôi, quan trọng hơn đó là tính kiên trì, đam mê và chịu khó. Mọi thứ sẽ nở nụ cười với chúng ta.

Tại Hoa Tiến Brocade, tôi cùng các các bà, các mẹ dệt lụa tơ tằm, nhuộm vải; đồng thời tham gia các sự kiện văn hóa, mở gian hàng tại các hội chợ để góp phần đưa những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa dân tộc mình tới nhiều người hơn. Tôi cũng chịu trách nhiệm liên hệ với các nghệ nhân và bà con trong bản để sản xuất sản phẩm, mang sản phẩm từ Hoa Tiến, Nghệ An đi giới thiệu, kết nối, bán cho các thị trường tiềm năng. 

Tôi cũng kết nối với các nhà thiết kế thời trang bền vững, các kiến trúc sư để ứng dụng những sản phẩm của Hoa Tiến Brocade. Khi có thời gian, mình cũng luôn học hỏi và tìm tòi để ứng dụng thật nhiều các mẫu hoa văn thổ cẩm, hay các kỹ thuật dệt và nhuộm thực vật truyền thống của dân tộc Thái vào các sản phẩm tại Hoa Tiến Brocade. 

Những buổi workshop về nhuộm vải tự nhiên, dệt vải truyền thống và thêu hoa văn của người Thái được tổ chức để lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào đến với cộng đồng trong nước và du khách quốc tế.

Nhờ đó, các sản phẩm của Hoa Tiến Brocade rất đa dạng, từ túi vải, ví cho đến khăn lụa, giày dép và cả thú nhồi bông, Đặc biệt là từng sản phẩm đều có những nét đặc trưng riêng, không có sản phẩm nào giống nhau 100%. Toàn bộ các sản phẩm tại Hoa Tiến Brocade đều toát lên sự khéo léo, tài hoa từ bàn tay của những nghệ nhân người dân tộc Thái.

- Với bà con trong bản, chị có thuận lợi và khó khăn gì để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi người cùng yêu và gìn giữ bản sắc của thổ cẩm như chị?

Trước đây bà con trong bản chỉ quen với việc làm theo ý của mình, làm những sản phẩm truyền thống như áo, váy, khăn piêu, thắt lưng… để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, việc đưa sản phẩm truyền thống của mình ra thị trường để tiếp cần với khách hàng là rất khó. Từ đó, tôi nghĩ đến việc cần cải tiến các sản phẩm của mình để phù hợp với thị trường tiêu dùng. 

Tôi đã nhiều lần trăn trở và đưa ra ý kiến bàn với bà con trong hợp tác xã để đưa họa tiết hoa văn vào những sản phẩm có tính ứng dụng hàng ngày. Ban đầu bà con không muốn thay đổi vì họ chỉ quen với việc làm bấy lâu nay. Khi thay đổi khó khăn, nhiều người thấy nản không làm. 

Tôi phải kiên trì thuyết phục và cùng làm để ra được sản phẩm mới, sau khi có sản phẩm mới thấy đẹp và dễ tiêu thụ thì mọi người thấy vui hơn. Hiện nay, hợp tác xã có 20 thành viên cùng tham gia vào sản xuất thổ cẩm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cũng như lao động thời vụ cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Tại hợp tác xã, tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân, bà con dân tộc Thái trong bản Hoa Tiến, Nghệ An. Từ ươm tơ, xe sợi, dệt lụa, thậm chí nhuộm vải, các công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.

Đưa làn gió mới vào thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái tại Nghệ An - Ảnh 4.

Hợp tác xã sản xuất vải thổ cẩm Hoa Tiến Brocade

- Được trao tặng danh hiệu nghệ nhân khi ở độ tuổi còn khá trẻ, sự công nhận này liệu có là áp lực đối với chị?

Ban đầu tôi cũng áp lực lắm. Tôi e ngại: Liệu rằng mình có làm được gì cho cộng đồng của mình không, có phát triển duy trì được nghề hay không? Tôi tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân. Nhưng rồi tôi tự động viên và phấn đấu để làm sao xứng đáng với danh hiệu nghệ nhân. Làm sao mình phải tạo ra giá trị cho cộng đồng cho quê hương của mình. 

Bằng với khả năng và kinh nghiệm về việc dệt thổ cẩm của mình đã được bà, mẹ dạy từ hồi còn bé, và áp dụng cho hiện tại, tôi đã lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào mình thông qua những buổi workshop về nhuộm vải tự nhiên, dệt vải truyền thống và thêu hoa văn của người Thái với cộng đồng trong nước và du khách quốc tế.

Sản phẩm được nghệ nhân Sầm Thị Tình trưng bày ở Malaysia

- Chị có kế hoạch gì để tiếp tục đưa thổ cẩm bản Hoa Tiến nói riêng cũng như quảng bá những nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái nói chung đến với bạn bè trong nước và quốc tế?

Hiện nay chúng tôi đang phát triển các sản phẩm thổ cẩm trên thị trường thông qua các kênh truyền thông công nghệ, các trang mang xã hội để tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Trong tương lai, dự kiến chúng tôi sẽ đưa được mang sản phẩm của đồng bào mình ra nhiều hơn với thị trường quốc tế bằng cách nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ngoài showroom cửa hàng tại Hà Nội, Hợp tác xã còn phát triển thêm các kênh bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, website và kênh thương mại điện tử nước ngoài. Tôi cũng đang ngày ngày học hỏi thêm để phát triển tối đa tiềm năng quảng bá cho Hoa Tiến Brocade trên mạng xã hội. 

Hiện tại, Hoa Tiến đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các khách hàng cả trong và ngoài nước, và đặc biệt là giới trẻ. Tôi vẫn luôn kiên trì, phát triển tuy chậm mà chắc chắn đưa thổ cẩm từ bản làng vươn xa. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm