Đưa thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

17/07/2023 10:30
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Quảng Ninh góp sức bằng nhiều chương trình, hoạt động gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Quảng Ninh góp sức bằng nhiều chương trình, hoạt động gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Một số mô hình thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” được tỉnh Quảng Ninh thí điểm nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Kế hoạch Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số tại 3 địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn và Móng Cái. Gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày/Dao/Sán Dìu/Sán Chỉ). Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đưa thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống  - Ảnh 1.

Phụ nữ huyện Ba Chẽ lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Mô hình làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh không chỉ được kỳ vọng sẽ khơi dậy tinh thần tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững, khơi dậy tinh thần tích cực, thi đua làm giàu chính đáng; chủ động bảo vệ môi trường tự nhiên; bảo vệ trật tự, an ninh khu vực.

Lấy người dân làm trung tâm

Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số; tăng cường tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào dân tộc, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, giữ gìn cảnh quan, môi trường.

Việc xây dựng, bảo tồn Làng dân tộc Tày/Dao/ Sán Dìu/ Sán Chỉ sẽ phát huy cao nhất sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân và lấy người dân làm trung tâm, nòng cốt và là người được hưởng lợi từ thành quả xây dựng làng dân tộc. Mô hình này cũng khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để hình thành các điểm đến đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch cộng đồng phù hợp.

Đưa thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống  - Ảnh 2.

Đây là cơ hội để các địa phương phát triển du lịch

Với những người dân tại các địa phương được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình, đây cũng là cơ hội để phát triển kinh tế, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Phạm Thị Oanh, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái cho biết: Để nắm bắt cơ hội này, thành phố Móng Cái đã đề xuất phục dựng làng dân tộc Dao Thanh Y, xã Hải Sơn. Dự kiến, dịp 2/9 tới sẽ đưa vào khai thác sản phẩm phiên chợ Pò Hèn Hải Sơn, để bà con dân tộc phát triển sản phẩm, dịch vụ, gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống của người dân.

Đưa thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống  - Ảnh 3.

Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Quảng Ninh góp sức bằng nhiều chương trình, hoạt động gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Tương tự, tại huyện Bình Liêu, với lợi thế về du lịch và các giá trị văn hóa của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ... huyện đã có quy hoạch phát triển du lịch gắn việc khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, chú trọng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại thôn, bản, làng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Huyện cũng tập trung vận động bà con giữ gìn và khôi phục lại những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như hội soóng cọ, hội kiêng gió, hội hoa sở...

Tại huyện Đầm Hà, với mong muốn phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc chính quyền huyện đã chủ động phục dựng và phát triển các nghề nông nghiệp truyền thống như đan mũ đại hiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng… để thu hút du khách.

Đưa thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống  - Ảnh 4.

Phụ nữ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) giữ gìn nghề thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao.

Chung tay cùng các cấp chính quyền, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Quảng Ninh cũng góp sức bằng nhiều chương trình, hoạt động gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tiêu biểu có thể kể đến như các mô hình CLB bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc Dao Thanh Phán, Tày...; các lớp dạy thêu, dạy viết chữ của người Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y... Qua đó, giúp hội viên, phụ nữ, thế hệ trẻ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn