Được gửi quà gì cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Luật gia Tùng Lâm
09/01/2022 - 12:46
Được gửi quà gì cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Ảnh minh họa

"Người thân bạn tôi đang bị tạm giam vì liên quan đến một vụ án hình sự. Vậy người đang bị tạm giam, tạm giữ được nhận những gì từ gia đình gửi tới?", Bùi Kim Dung (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).
Trả lời:

Những ai được thăm gửi quà cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Căn cứ Điều 27 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, thân nhân là những người được gửi quà cho người đang bị tạm giam, tạm giữ.

Cụ thể, khoản 8 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

Được gửi quà gì cho người bị tạm giam, tạm giữ?

Theo quy định về việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà tại Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm:

- Tiền;

- Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ;

- Đồ ăn, uống;

- Đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm).

Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.

Lưu ý:

- Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được nhận tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ và được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm gửi.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được sử dụng tiền mặt, cơ sở giam giữ có trách nhiệm mở sổ lưu ký để tiếp nhận, theo dõi, quản lý việc sử dụng tiền lưu ký.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền lưu ký để mua đồ dùng sinh hoạt và đồ ăn, uống; định lượng đồ ăn, uống được mua một lần không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận lại tiền lưu ký (nếu còn) khi được trả tự do, chuyển đi cơ sở giam giữ khác hoặc giao lại cho thân nhân của họ.

- Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế nhà nước. Cán bộ y tế của cơ sở giam giữ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam sử dụng thuốc theo chỉ định.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ với trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 03 kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện.

Người bị tạm giam, tạm giữ được nhận quà mấy lần?

Điều 9 Thông tư 34 năm 2017 quy định:

- Người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi 01 lần trong thời gian tạm giữ; 01 lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ.

- Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá 03 lần trong 01 tháng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm