Bản càng bình yên và thân thương bởi những vòng quay không mỏi của những chiếc cọn nước nối tiếp nhau ngoài suối, bền bỉ với nhiệm vụ đưa nước tưới để những cánh đồng thêm ngát xanh hay về tận hiên nhà phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người...

Êm đềm cọn nước vùng cao


Bản càng bình yên và thân thương bởi những vòng quay không mỏi của những chiếc cọn nước nối tiếp nhau ngoài suối, bền bỉ với nhiệm vụ đưa nước tưới để những cánh đồng thêm ngát xanh hay về tận hiên nhà phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người...


Bản bình yên như lời bài hát của trai gái đồng bào dân tộc Thái giao duyên dưới trăng. Những con đường nhỏ được trồng hoa đang tô thắm sắc cho núi rừng. Bản càng bình yên và thân thương bởi những vòng quay không mỏi của những chiếc cọn nước nối tiếp nhau ngoài suối, bền bỉ với nhiệm vụ của mình.

Dựng cột và vận chuyển cọn nước ra suối để lắp đặt

Quê tôi vẫn gọi đó là "rừng cọn". Khi tôi sinh ra thì "rừng cọn" đã có rồi. Chiếc này đứng gần chiếc kia, "múc" nước, tưới tắm cho đồng, đưa nước về những ngôi nhà ở các ô đất cao. Bà tôi bảo, từ khi sinh ra đã thấy những chiếc cọn ở vùng Quỳ Châu, miền Tây tỉnh Nghệ An. Nhờ sự làm việc không biết mệt mỏi ấy, cọn đã giúp người nông dân vơi bớt mệt nhọc.

Êm đềm cọn nước vùng cao - Ảnh 2.

Các ống nứa buộc chếch để múc đầy nước khi chìm xuống, khi theo guồng quay lên cao, nước sẽ đổ vào máng dẫn đến ruộng đồng

Nguyên liệu làm cọn nước là những thứ thô sơ như tre, nứa, vầu, gỗ. Khi làm, người ta chọn nguyên liệt thật già để bảo đảm độ bền. Chiếc cọn có vành guồng rộng, được đặt các phên đan bằng nan để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay. Các ống nứa buộc chếch để múc đầy nước khi chìm xuống. Người làm cọn phải tính toán cân đối sao cho cọn thật tròn để vòng quay cho đều.

Chiếc cọn thân thương là sản phẩm sáng tạo của người dân sản xuất nông nghiệp. Chúng có phần đơn sơ, nhưng đã mang trong đó những khám phá, tìm tòi đầy tâm huyết của cha ông từ nhiều đời trước. Mỗi vòng quay là rất nhiều mẻ nước được đưa lên cao, dẫn vào máng để dẫn lên nương, thậm chí được đưa về tận hiên các ngôi nhà để tiện cho sinh hoạt.

Êm đềm cọn nước vùng cao - Ảnh 3.

Chiếc cọn nước như bánh xe khổng lồ làm việc không biết mệt mỏi

Từ năm này qua năm khác, chiếc cọn như bánh xe khổng lồ làm việc không biết mệt mỏi. Cọn là người bạn thủy chung, đầy ân nghĩa với bà con người dân tộc Thái ở mảnh đất này. Bà tôi bảo, đời cọn như đời người, trải qua gian nan vất vả để nuôi nấng những ước vọng, cuộc sống của người dân trong bản. Đời người được sinh ra, lớn lên, làm lụng, mang khát vọng nuôi nấng mình và người thân, sinh con đẻ cái. Đời cọn sinh ra để ở bên, giữ gìn khát vọng và nuôi khát vọng con người.

Êm đềm cọn nước vùng cao - Ảnh 4.

Không gian êm đềm bên cọn nước

Cọn góp sức rất lớn vào những mùa lúa, mùa quả bội thu. Quê tôi, cọn nước, thổ cẩm và nhà sàn là những thực thể văn hóa quan trọng trong đời sống. Quan trọng nên có nghệ nhân còn đặt tên cho cọn. Đó có thể là tên một nhánh sông, tên người con của chính nghệ nhân hoặc tên một loài hoa rừng.

Biết bao mùa, những đứa trẻ bản Han, bản Liền quê tôi đi trên bờ các thửa ruộng luôn được tưới tắm bởi nguồn nước từ dòng suối Nhim êm đềm, ngắm những chiếc cọn quay. Một khúc suối đầu thung lũng là "bến tắm" tuyệt vời của cả hai bản. Đó là một không gian lãng mạn nên thơ, ấp áp mà mỗi người dân xa quê đều nhớ về.

Cọn nước còn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh

Vào mỗi đêm trăng, con suối lấp lánh đầy màu trăng, bến tắm cũng nhuộm trăng. Tiếng cọn quay đều cùng tiếng nước ập òa hòa nhau như tiếng hát núi rừng. Tôi lớn lên theo chị, và tôi biết hát. "Rừng êm ru/ Tiếng hát xa xa/ Ôi mây cười/ Kìa suối hát/ Mời con trai lên nương bẻ bắp/ Gọi con gái lên núi hái rau/ Em không quên hái hoa rừng cài lên mái tóc…". Từ con suối, góc bản và miền thân thương, chúng tôi lớn lên. Bến tắm thành nơi hò hẹn. Nam nữ cũng ưng bụng nhau ở đây rồi nên vợ nên chồng.

Tôi đi học rồi yêu người ngoài phố, thi thoảng mùa trăng tôi về quê. Con gái ở bản vẫn ra suối tắm và giặt thổ cẩm. Những chiếc cọn vẫn làm việc. Chiếc này hỏng thì thay bằng chiếc khác. Quê hương chưa bị nhuốm màu đô thị hóa. Bao gương mặt, bao tiếng cười thân quen từ ngày tôi ra phố, nay trở về tôi vẫn được chào đón bởi những hình ảnh đó.

Êm đềm cọn nước vùng cao - Ảnh 6.

Thi thoảng có những buổi chiều, tôi đứng ngắm lũ trẻ tắm mãi không thôi...

Thi thoảng có những buổi chiều, tôi đứng ngắm lũ trẻ con tắm mãi không thôi. Tôi tìm hình ảnh của bè bạn thuở nào. Họ cũng có ước mơ và họ ở lại làm vợ, làm mẹ. Tôi có chân trời khác của riêng mình, nhưng nhủ lòng là mình may mắn, vẫn còn được neo lại ở quê bằng sợi dây tình cảm bền chặt.

Êm đềm cọn nước vùng cao - Ảnh 7.

Cùng đồng bào Thái, nhiều dân tộc khác ở nước ta, trong đó có dân tộc Mường cũng làm cọn nước

 

Từng tên núi, tên suối hay tên của những chiếc cọn năm nào tôi vẫn còn nhớ. Tôi cũng nhớ hình ảnh người con trai nói lời thích tôi khi anh đứng ở phía bên kia vòng cọn quay. Vòng quay làm mờ một phần khuôn mặt vuông vức ngời sáng của anh cùng lời hứa đợi. Hẳn lòng anh đã ngân lên cùng tiếng hát của cọn và đã chúc phúc cho tôi khi quyết định về môi trường khác, chọn lựa cuộc sống khác.

Lòng tôi đã chọn găm ký ức ở quê hương, xóm bản. Nơi này sẽ vẫn thắp lên rất nhiều niềm vui, mơ ước và đong đầy kỷ niệm. Thật thiếu vắng nếu không còn cọn nước với bao vòng quay lãng mạn. Cũng thật thiệt thòi với ai cố gắng tìm những vẻ đẹp ở đâu xa, mà quên mất điều quý giá ngay bên mình.

Nguyễn Văn Học
Cảnh Hùng, Hồ Phương, ST
17/07/2021 00:00