Giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi A Lưới

Nguyễn Long
23/11/2023 - 11:04
Giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi A Lưới

Những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở huyện A Lưới đã giảm dần theo từng năm.

Nhiều năm trước, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở nhiều thôn bản miền núi huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Bằng sự nỗ lực cùng nhiều biện pháp hiệu quả, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện A Lưới đã và đang giảm dần.

Già làng, đảng viên không dự đám cưới tảo hôn

Ông Hồ Văn Hùng (76 tuổi, một người có uy tín ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) kể, khoảng 20 năm về trước, chuyện con cô lấy con cậu là không hiếm gặp ở địa phương. Bởi các đồng bào dân tộc ở A Lưới rất sợ con cháu quên nguồn gốc, anh em máu mủ của mình. Vì là anh em cận huyết nên khi lấy nhau, đôi phu thê sẽ không phụ bạc nhau, họ vừa là dâu rể vừa là anh em, chị em nên sẽ biết yêu thương, chăm sóc hai bên gia đình chu đáo.

Ngoài để đôi trẻ không quên nguồn gốc, con cô con cậu lấy nhau còn để không bị mất của. Bởi lẽ, nếu con cô con cậu lấy người khác thì của cải của gia đình phải chuyển cho người ngoài, như thế tài sản của gia đình sẽ bị mất đi. Trong khi phong tục của các dân tộc quy định của cải không được di chuyển cho người ngoài dòng máu. Dòng họ này có vật quý thì không thể cho sang dòng họ khác.

Ông Hùng nhẩm tính, trong đám cưới của người dân các dân tộc Pa Kô, Kơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy ở A Lưới, nhà trai tốn rất nhiều của cải. Lễ vật cưới vợ của chàng trai phải có trâu, bò, dê, chiêng, nồi đồng lớn, 10 cục đồng đặc (hoặc 1 thỏi bạc đặc).

"Nếu con trai trong nhà mà lấy người ngoài dòng máu làm vợ thì sẽ bị mất lượng lớn của cải này. Khi con cô lấy con cậu, của cải của 2 gia đình được chuyển về cho nhau, họ đều là anh em nên coi như không mất của", ông Hùng giải thích.

Giảm nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi A Lưới- Ảnh 1.

Công tác tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện A Lưới.

Ông Hùng cho biết, ngoài hôn nhân cận huyết, trước đây các đồng bào dân tộc ở A Lưới còn có tập tục cưới nhau vào năm 12 tuổi. Hệ lụy của các cuộc hôn nhân này là những đứa trẻ sinh ra thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng, thậm chí có trẻ dị tật.

Thấu hiểu cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, không muốn người trong thôn mãi nghèo, ông Hùng quyết tâm xóa bỏ những tập tục này. Dù là người thân, bà con trong thôn, ông Hùng cũng nhất quyết không dự lễ cưới nếu đó là cưới tảo hôn. Không chỉ kiên quyết từ chối dự, ông Hùng còn vận động người thân, anh em không đồng tình, ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong xã. Giữ nguyên tắc của mình, sau vài năm các già làng, đảng viên, người có uy tín cũng theo ông.

"Những năm gần đây, ở địa phương tôi vẫn còn một số trường hợp tảo hôn. Còn hôn nhân cận huyết thống thì tuyệt đối không có. Để xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống này đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền địa phương. Đặc biệt là Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đã rất tích cực trong việc tuyên truyền vận động, từ đó đã dần thay đổi được nhận thức của người dân…", ông Hùng cho hay.

Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm qua từng năm

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết, những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền để tình trạng hôn nhân cận huyết thống dần được xóa bỏ, tình trạng tảo hôn giảm dần.

"Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân cũng như phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt phối hợp với nhà trường giáo dục con em mình nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của từng gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, việc tuyên truyền, lồng ghép, nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện A Lưới đã có chuyển biến đáng kể. Có trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng địa phương đã kịp thời phát hiện, vận động gia đình dừng tổ chức cưới hỏi", bà Tường cho hay.

Giảm nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi A Lưới- Ảnh 2.

Công tác tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong môi trường học đường là rất quan trọng.

Từ năm 2020 cho tới nay, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên và Hội Nông đã phối hợp tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ cho đoàn viên, hội viên tại cơ sở, để cung cấp thông tin, kiến thức về việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và hôn cận huyết thống.

"Chúng tôi tập trung tuyên truyền về kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản những người vị thành niên, thanh niên. Trong đó, chú trọng vào các địa bàn có tình trạng tảo hôn cao... Qua đó, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã có chiều hướng giảm qua từng năm. Để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm thiểu một cách bền vững, thời gian tới, Hội LHPN huyện A Lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, Luật Hôn nhân và Gia đình", bà Tường cho biết.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 - 2017, huyện A Lưới có 235 trường hợp tảo hôn, 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Giai đoạn từ 2017 - 2022, toàn huyện A Lưới chỉ còn 158 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống ở xã Lâm Đớt (huyện A Lưới).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm