Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo"

21/11/2022 17:27
Ông Trần Thái Phong trò chuyện với cán bộ Hội LHPN Thị trấn Nông trường Liên Sơn.

Ông Trần Thái Phong trò chuyện với cán bộ Hội LHPN Thị trấn Nông trường Liên Sơn.

Tôi đến bản Hẻo, Thị trấn nông trường Liên Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vào một buổi chiều nắng nhạt đầu tháng 11/2022. Theo giới thiệu của bà Vũ Thị Thanh Thủy - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy thị trấn Nông trường Liên Sơn - ở 3 tổ dân phố 5, 6, 7 là nơi tập trung đông giáo dân. Trong đó hai tổ dân phố 6, 7 có 100% giáo dân sinh sống.

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 1.

Cảnh bình yên ở Tổ dân phố 7, Bản Hẻo (Thị trấn Nông trường Liên Sơn, Văn Chấn, Yên Bái)

Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Cuộc sống bình yên là điều bạn có thể cảm nhận ngay khi đặt chân tới nơi này. Đa số nhà cửa của người dân rộng rãi, khang trang, đường phố đều đã trải bê tông, sạch đẹp.

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 2.

Nhịp sống bình lặng ở Bản Hẻo

Bà Vũ Thị Thanh Thủy chia sẻ, mặc dù đời sống của người dân còn khó khăn nhưng người dân xứ đạo vẫn cần cù làm ăn, phát triển kinh tế. "Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán. Nhiều hộ trồng rau, ngoài để ăn còn đem ra chợ bán. Những hộ ở gần mặt đường thì phát triển thêm kinh doanh buôn bán dịch vụ nên đời sống cũng khá hơn. Ở đây, bà con vẫn giữ được truyền thống làng quê và tinh thần đoàn kết trong họ đạo, tổ dân phố, thực hiện tốt vai trò của một người công dân và bên đạo họ cũng là con chiên ngoan đạo. Đặc biệt, có những phụ nữ tham gia rất tích cực vào phong trào Hội, hoạt động xã hội như chị Đỗ Thị Hiền, chị Đỗ Thị Thu, chị Trần Thị Oanh…".

Bà Thanh Thủy cũng thông tin thêm, hiện nay, ở đảng bộ thị trấn nông trường Liên Sơn có 36 đảng viên là người xứ đạo. Trong đó có 15 đảng viên nữ, có cả nữ là bí thư chi bộ. Hay như các bác Trần Duy Cẩn, Trần Thái Phong, Trần Minh Mạnh…- đều là những người có tiếng nói trong nhà thờ đối với giáo dân, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đây cũng là cách xây dựng thế trận lòng dân vững chắc khi phối hợp với Hội đồng Giáo xứ đưa những đảng viên gương mẫu có uy tín vào trong Ban hành giáo của Nhà thờ. Từ đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân để có hướng chỉ đạo công việc hợp lý, kịp thời.

Đoàn kết phải đưa lên hàng đầu

Ông Trần Thái Phong là người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" gần 30 năm, công tác ở nhiều lĩnh vực (trừ mảng thanh niên và phụ nữ) cho biết: "Giáo dân phát triển kinh tế rất tốt, đời sống của người dân ổn định, nhiều người 35-40 tuổi đã có nhà to. Tôi từng tư vấn với người dân, làm nhà nên để sân rộng ra vì tương lai sẽ có chỗ đỗ xe ô tô. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc nuôi dạy con cái, tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, khi sinh đẻ có trách nhiệm- điều này khó hơn sinh đẻ có kế hoạch nhiều. Bà con giáo dân sống với tinh thần vươn lên, đóng góp nhỏ bé sức mình xây dựng mảnh đất Liên Sơn lúc nào cũng xanh - sạch - đẹp".

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 3.

Ông Trần Thái Phong

Đặc biệt, xã hội 4.0, mọi đòi hỏi đều cao hơn. Gia đình hạnh phúc, bạn bè có gì thì mình cũng phấn đấu để có cái đó. "Mỗi giáo dân đều phải phấn đấu. Theo đạo thiên chúa là quyền tự do, xuất phát từ tâm của con người. Dù bên đạo hay bên đời đều giáo dục con người ta sống tốt lên, để tâm làm việc thiện, bác ái, giúp người nghèo…"- ông Phong nhận định.

Ông Phong cũng chia sẻ, rất thích trò chuyện với thanh niên, giao lưu trò chuyện với lớp trẻ, giúp họ hiểu hơn về những vấn đề khó khăn, vướng mắc. "Tôi nghĩ, già vẫn cần phấn đấu vì mục tiêu chung, phát triển quê hương, đất nước. Muốn mọi việc hiệu quả, đoàn kết phải đưa lên hàng đầu, người làm cán bộ phải trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, phải kiên nhẫn, kiên trì"- ông Trần Thái Phong chia sẻ.

Dân vận khéo

Có thâm niên 6 năm làm bí thư chi bộ Tổ dân phố 7, bà Trần Thị Oanh cho biết, ở địa bàn bà sống có 100% là người có đạo. "Người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, quy ước của địa phương và tham gia đầy đủ vào việc đóng góp xây dựng quê hương".

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 4.

Bà Trần Thị Oanh

Tuy nhiên, bà Oanh cũng chia sẻ, vì địa bàn 100% là người có đạo nên cách làm cũng khác hơn. Ví như, công tác dân vận phải làm thật tốt, thật khéo để giáo dân có thể hiểu được chủ trương, chính sách của nhà nước. Các cuộc họp muốn tổ chức thành công cũng phải lựa theo lịch của người dân vì đặc thù giáo dân ngoài công việc, họ đi lễ nhà thờ nhiều.

"Thực tế, người dân bên đạo cũng như bên lương đều được dạy phải sống tốt đời đẹp đạo. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống của người dân đã khá hơn, kinh tế tạm ổn và không còn tình trạng nghèo đói. Tình hình an ninh rất tốt, có thể để xe qua đêm ngoài đường cũng không lo mất. Đặc biệt, người dân xứ đạo cũng sống có tình làng nghĩa xóm. Điển hình là nếu gia đình nào có người qua đời thì mỗi hộ sẽ có một người đến giúp. Việc này đã được duy trì hàng chục năm nay. Dịp lễ Tết, chúng tôi cũng tổ chức quyên góp, thăm hỏi và tặng quà những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…"- bà Trần Thị Oanh thông tin.

Từ thực tế công tác, bà Oanh cho biết, rất muốn lan tỏa được tinh thần tốt đẹp của "bên đời, bên đạo" đến với mọi người để người dân có thể bớt được những suy nghĩ cổ hủ, đời sống khấm khá hơn. Thậm chí, đôi khi phải tranh thủ dân vận cả những lúc tập trung đông người (như đám ma, đám cưới) để thông tin cần thiết tới được với người dân. "Có những việc khó quá thì nhờ linh mục nói giúp, thí dụ như với các vụ tranh chấp đất đai…!"- bà Oanh nói.

Mong có người trẻ làm công tác phụ nữ

Bà Đỗ Thị Hiền, Chi hội trưởng Phụ nữ Tổ dân phố 6, làm công tác phụ nữ từ năm 1999 chia sẻ, vợ chồng bà đều là người có đạo, từ Thái Bình lên Yên Bái lập nghiệp. "Lúc chồng tôi còn sống, nhiều hoạt động phụ nữ thường được tổ chức tại nhà. Loa, đài cũng do chồng tôi chuẩn bị"- bà Hiền chia sẻ.

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 5.

Bà Đỗ Thị Hiền

Theo bà Hiền, ở địa bàn rộng, toàn tòng công giáo, nhiều người đi làm ăn xa nên việc huy động hội viên phụ nữ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, 2 năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên hoạt động cũng khó khăn hơn. Người dân đã quan tâm đến chất lượng cuộc sống, trẻ đa phần học hết lớp 12, sau đó đa phần học trung cấp, cao đẳng, số ít học đại học.

"Các đấng hay dặn dò giáo dân phải kính chúa yêu nước nên người dân không được làm gì trái với điều này. Tham gia các hoạt động xã hội giúp người dân mở mang đầu óc, thay đổi nhận thức. Ngoài công tác phụ nữ, tôi cũng tham gia Ban hành giáo của giáo khu, làm trong nhà thờ nên mọi việc đều thuận lợi hơn. 1 tháng nay, tôi và các chị em hăng say tập luyện để ngày 26/11, thay mặt giáo phận có 1 đội xòe gồm 60 người tham gia biểu diễn ở Phú Thọ"- chị Hiền hào hứng chia sẻ.

"Tôi còn nhớ hồi nhỏ ở Thái Bình, mọi người bên lương, bên đạo sống cùng nhau. Nhiều khi người dân bên đời cúng vào ngày rằm, mồng 1, lại mang đồ sang cho người dân bên đạo. Nói chung là sống rất tình cảm. Tôi gắn bó với Yên Bái đã 20 năm nay, làm công tác phụ nữ, mặt trận, dân số. Ban đầu chỉ từ suy nghĩ đơn giản, lúc lên đây lập nghiệp, chúng tôi không có anh em, bạn bè nên muốn làm công tác xã hội để được giao tiếp, có thêm các mối quan hệ, bạn bè mới. Tôi cũng muốn là người tự lập hơn trong cuộc sống- tôi rất muốn truyền cảm hứng này cho những người sống quanh mình, đặc biệt là các chị em phụ nữ"- chị Hiền bày tỏ.

Là người gắn bó với công tác phụ nữ đã nhiều năm, hiện tại chị Hiền cũng đau đáu với việc giới thiệu người kế cận. Chị Hiền khẳng định: "Tôi muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp quản công tác này vì các cháu nhanh nhẹn hơn, phương diện tiếp cận cũng khác với thế hệ của tôi và quan trọng là sẽ phát huy được vai trò, sự năng động của tuổi trẻ, giúp hoạt động Hội hấp dẫn và phong phú hơn".

Quả thật, đến với Bản Hẻo hôm nay, mọi người chắc đều có cảm giác ngỡ ngàng giống như tôi, bởi khác với hình dung của nhiều người, bộ mặt của Bản Hẻo đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ai cũng sẽ cảm thấy vui khi đi trong khung cảnh bình yên, ngắm những nụ cười thân thiện và trò chuyện cùng người dân ở xóm đạo…

Một vài hình ảnh bình yên ở xóm đạo:

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 6.

Cuối giờ chiều, những đứa trẻ giúp mẹ gom ngô vào bao tải

Giáo dân Bản Hẻo sống "tốt đời, đẹp đạo" - Ảnh 7.

Nhóm trẻ khác đá bóng trong khuôn viên nhà thờ

Nhà thờ Thánh Tâm (Bản Hẻo) đang được sửa sang chuẩn bị cho mùa Giáng sinh mới

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn