Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng thể hiện hiệu quả phương châm hành đạo với những việc làm hết sức ý nghĩa, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc


Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng thể hiện hiệu quả phương châm hành đạo với những việc làm hết sức ý nghĩa, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tăng ni, Phật tử cả nước về một ngôi nhà chung. Trong đường hướng hành đạo của mình, GHPGVN đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của Phật giáo và dân tộc, phương châm đó là "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những việc làm thiết thực ích đạo, lợi đời của mình, GHPGVN ngày càng thể hiện hiệu quả phương châm hành đạo với những việc làm hết sức ý nghĩa, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 1.

Phật giáo Việt Nam tích cực ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19

Song hành, cùng phát triển trong sự phát triển của lịch sử dân tộc

Ngay từ khi Phật giáo được truyền bá đến Việt Nam, với tinh thần "Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp", qua quá trình tiếp xúc với nền văn hóa bản địa, Phật giáo không độc tôn, không loại trừ nền văn hóa truyền thống mà song hành, cùng phát triển trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhiều nét tương đồng giữa Phật giáo và truyền thống dân tộc vẫn được bảo lưu và hiện hữu trong cuộc sống thường ngày. Sự gần gũi giữa Phật giáo và dân tộc còn được thể hiện bằng sự gắn kết, tương trợ và hài hòa các truyền thống bản địa. Những dấu ấn của văn hóa phương Đông nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng vẫn hiện hữu trong từng mối quan hệ hàng ngày của mỗi người dân. Những hành vi ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người trong hệ xã hội, trong gia đình được đồng nhất bằng các quy chuẩn mà Phật giáo đưa ra.

Tăng ni tích cực chung tay giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Phật giáo nói đến tứ trọng ân gồm: ân tổ quốc, ân đồng bào, ân cha mẹ, ân thầy cô là những yếu tố rất gần gũi với truyền thống văn hóa và đạo đức xã hội của người Việt. Những yếu tố đó cũng thật gần với tam cương, ngũ thường trong đời sống xã hội của người dân đất Việt. Phật giáo đã dung hòa và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khéo léo giữa tôn giáo và tín ngưỡng, truyền thống dân gian mà không gặp phải những khó khăn, trở ngại. Cũng như thế, việc các ngôi chùa có kết hợp thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với nước là một minh chứng cụ thể cho việc kết hợp này.

Lật lại từng trang sử hào hùng của dân tộc, trong các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, đặc biệt là Lý - Trần, tinh thần nhập thế của đạo Phật đã thúc đẩy các vị cao tăng Phật giáo, cùng quan quân và dân chúng đứng lên chống ách ngoại xâm. Thời Đinh Tiên Hoàng có thiền sư Ngô Chân Lưu được phong làm Quốc sư, thời Tiền Lê có thiền sư Đỗ Pháp Thuận và đặc biệt là thiền sư Vạn Hạnh có công giúp hình thành nhà Lý, đưa Lý Công Uẩn lên làm vị minh quân. Khi lên ngôi, Lý Công Uẩn, nhờ được giáo dục dưới môi trường Phật giáo đã điều hành đất nước bằng tinh thần từ bi và hướng thiện, giáo hóa dân chúng bằng những chính sách hết sức nhân văn và bác ái.

Các tăng ni không ngại vất vả, cùng phật tử nấu ăn và vận chuyển hàng hóa để tặng cho người dân

Đời Trần có các thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và đặc biệt là các vị vua nhà Trần mà tiêu biểu là Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã làm rạng danh Phật giáo và dân tộc bằng cách hài hòa cả hai vai trò, vị vua đạo và vua đời. Sự dung hòa một cách tài tình giữa Phật giáo và dân tộc đem những tư tưởng, triết lý của đạo Phật vào việc phát huy tinh thần yêu nước, dựng nước và giữ nước đã trở thành tư tưởng chủ đạo, góp phần mang lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc. Tất cả những điều đó đã làm nên một dấu ấn không thể phai mờ trong dòng chảy lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam, để mỗi khi nhắc đến, mỗi người dân, mỗi Phật tử lại càng thấy tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và của Phật giáo.

Gắn liền với vận mệnh dân tộc

Thời cận đại, lịch sử dân tộc cũng ghi nhận những đóng góp của Phật giáo vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng chống lại ách đô hộ của thực dân và đế quốc. Phát huy tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo, nhiều nhà sư đã "cởi áo cà sa khoác chiến bào" cùng quân dân cả nước đứng lên thực hiện cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhiều ngôi chùa đã được ghi nhận là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ trong những năm kháng chiến. Có nhiều vị tăng, ni đã hy sinh cho độc lập dân tộc, cho tự do của tổ quốc. Hình ảnh Hòa thượng Thích Thế Long, chùa Cổ Lễ (Nam Định) gia nhập vào đoàn quân đánh giặc để bảo vệ quê hương đã trở thành hình tượng không phai trong ký ức của tăng ni, Phật tử Phật giáo đồ Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 4.

Ni sư ân cần thăm hỏi, động viên người dân có hoàn cảnh khó khăn

Sau chiến tranh, Hòa thượng lại trở về chùa xưa tiếp tục cuộc đời tu hành của một nhà sư. Hay như Hòa thượng liệt sỹ Hữu Nhem (Cà Mau) trong chiến tranh chống Mỹ đã giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam. Cùng với những nhà sư tiêu biểu ấy biết bao nhà sư thầm lặng góp sức vào thành công của dân tộc làm dày thêm lịch sử hào hùng của dân tộc. Và đặc biệt là hành động "vị pháp thiêu thân" của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn ngày 11/6/1963 để phản đối chính quyền Ngụy quyền đàn áp Phật giáo, làm dấy lên phong trào chống chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới. Ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rạng danh cho những người con Phật ở Việt Nam.

Bước sang thời bình, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đông đảo tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, ngày 7/11/1981, GHPGVN được thành lập, đánh dấu một trang sử mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Cùng với sự độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là sự thống nhất và hòa hợp của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Sự kiện đó, không chỉ đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam mà hơn thế, còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự gắn kết, đồng hành của Phật giáo và dân tộc. Phật giáo không tách rời dân tộc, vận mệnh Phật giáo gắn với vận mệnh dân tộc. Thời cơ và vận hội của dân tộc cũng chính là thời cơ và vận hội để cho GHPGVN từng bước đi lên và phát triển vững mạnh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 5.

Các tình nguyện viên Phật giáo chuẩn bị vào tuyến đầu chống dịch Covid-19

Đường hướng hành đạo mà GHPGVN đưa ra ngay từ những ngày đầu thành lập là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả. Đường hướng hành đạo đó, không chỉ là sự hun đúc, hội tụ truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua mà còn là sự tiếp nối và kế thừa mạng mạch Phật pháp, phát huy tư tưởng nhân văn sâu sắc của Phật giáo, đồng thời cũng tạo nên những nét chấm phá để Phật giáo Việt Nam mang một bản sắc, một dấu ấn riêng biệt, thể hiện Phật giáo Việt Nam của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 6.

Cùng ra tuyến đầu chống dịch, các cấp Giáo hội và nhà chùa còn tích cực ủng hộ các cơ sở y tế phương tiện, thuốc men để chung tay chống dịch

Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội

Sau 40 năm GHPGVN thực hiện đường hướng hành đạo của mình, sự thay đổi và chuyển mình tích cực của Giáo hội được minh chứng bằng những con số ấn tượng như số tăng ni tăng cả về chất và lượng, cơ sở thờ tự được trùng tu, tôn tạo, bộ máy tổ chức có nhiều thay đổi và hoạt động ngày càng hiệu quả... Hiện toàn Giáo hội có 18.544 cơ sở tự viện, trên 54.000 tăng, ni, trong đó ni giới (nhà sư nữ) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Phương châm hành đạo đó càng được củng cố bằng những việc làm ích đạo, lợi đời của tăng ni, phật tử, đóng góp vào nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, đem lại những hiệu quả thiết thực cho nhân dân và đất nước. Giáo hội đã triển khai nhiều hoạt động để cụ thể hóa phương châm hành đạo. Nhiều lĩnh vực hoạt động của Giáo hội đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận như một chứng cứ hùng hồn về truyền thống hộ quốc, an dân của Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 7.

Hội Từ thiện chùa Tường Nguyên "tiếp sức" cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch Covid-19

Với tinh thần nhập thế tích cực, ngày nay trên rất nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, GHPGVN đang động viên, khuyến khích tăng ni, phật tử tham gia, đặc biệt là việc xã hội hóa công tác giáo dục, y tế và từ thiện xã hội. Hàng năm, Giáo hội đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng qua các hoạt động từ thiện xã hội, góp phần cũng chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn, người già, người tàn tật không nơi nương tựa. Nhiều ngôi chùa đã trở thành mái ấm tình thương nuôi dưỡng những mảnh đời mồ côi, già yếu, bệnh tật... Trong 40 năm qua, công tác từ thiện xã hội của Giáo hội ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Những tấm lòng cao cả của tăng ni, phật tử GHPGVN đã và đang là những việc làm ý nghĩa và thiết thực giúp hàn gắn nỗi đau đồng thời tạo dựng niềm tin vào một xã hội tốt đẹp đối với nhiều người trong cộng đồng.

Khẳng định đường hướng hành đạo đúng đắn, khẳng định quyết tâm xây dựng GHPGVN vững mạnh và phát triển trong lòng dân tộc, Giáo hội đang từng bước có những đổi mới không ngừng nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội trong thời đại mới. Kiên định với mục tiêu và đường hướng hành đạo đã đề ra, Giáo hội tiếp tục củng cố, kiện toàn và hoàn thiện bộ máy tổ chức của mình. Kế thừa và phát huy truyền thống 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, những tư tưởng cơ bản, cốt lõi của đạo Phật như tinh thần "Bi - Trí -Dũng", "vô ngã", "vị tha", "nhập thế tích cực"... vẫn ngày ngày được các tăng ni, tín đồ thực hiện.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 8.

Những thành công của GHPGVN có đóng góp không nhỏ của đội ngũ ni giới. Trong ảnh là Ni sư Thích nữ Tiến Liên, Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đức trao tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại do hỏa hoạn

Bên cạnh đó, thầm nhuần lý tưởng và triết lý Phật giáo về một xã hội an lạc, hòa bình và hạnh phúc cho toàn thể chúng sinh, gắn sự trường tồn của Phật giáo với sự trường tồn của dân tộc, GHPGVN cũng đã có nhiều việc làm thiết thực để mở rộng mặt trận đoàn kết, chống lại sự phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của nhà nước ta hòng gây mất trật tự, an ninh và an toàn xã hội. Trong những năm gần đây, trước xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng, GHPGVN đã đăng cai và tổ chức thành nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế quan trọng như Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới năm 2009, đồng thời cử nhiều đoàn đại diện Phật giáo tham dự các diễn đàn Phật giáo quốc tế, tổ chức các đoàn Phật giáo đến với người Việt ở nước ngoài... để tranh thủ sự ủng hộ của giới Phật giáo chân chính trên toàn thế giới, góp phần tuyên truyền về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, đập tan những âm mưu lợi dụng Phật giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết, phá hoại sự nghiệp xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng của nhân dân ta.

Nhìn lại chặng đường 40 năm GHPGVN thực hiện phương châm hành đạo "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", với sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước và các cấp chính quyền bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn đối với tôn giáo nói chung, cũng như đối với Phật giáo nói riêng, chúng ta có thể tin tưởng rằng GHPGVN sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, xây dựng Giáo hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, tiếp tục có những việc làm ích đạo, lợi đời, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phồn thịnh, vững mạnh, văn minh, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Đó cũng chính là thành quả cao nhất để ghi nhận chặng đường 40 năm xây dựng và trưởng thành của GHPGVN.

Nguyễn Phúc Nguyên (Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ)
GHPGVN, CTV