Giáo lý Công giáo đề cao giá trị của lòng hiếu thảo

24/07/2023 16:43
Tranh minh họa

Tranh minh họa

Giáo lý Công giáo hết sức đề cao giá trị của lòng hiếu thảo, điều này được thể hiện rõ ràng ở các điều răn trong Kinh thánh.

Người Công giáo rất quan tâm đến việc xin các linh mục dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên của mình (thánh lễ này gọi là lễ cầu hồn). Nhất là vào đầu thế kỷ XX, khi Công giáo đã được tự do hoạt động, việc dâng lễ cầu hồn lại càng được chú trọng và làm thường xuyên hơn.

Trong ngày lễ Phục sinh (lễ Chúa Giêsu sống lại), các linh mục hay làm lễ Mồ (thánh lễ làm phép tại các ngôi mộ của người Công giáo với ước vọng linh hồn người chết sẽ phục sinh trong ngày sau hết) cho giáo dân. Người Công giáo Việt cũng không hề lơ là tổ tiên trong những ngày đó.

Người Công giáo cũng rất coi trọng việc cúng lễ cho ông bà tổ tiên vào các ngày giỗ và ngày lễ tết. Vào ngày giỗ của ông bà cha mẹ, con cháu (có thể mời thêm hàng xóm láng giềng, anh em gần xa) thường tập trung lại để cầu nguyện cho linh hồn người thân. Nếu ai có điều kiện và khi gặp thuận lợi, họ có thể xin linh mục dâng thánh lễ tại nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn người thân đã qua đời. Có lẽ, sự khác biệt lớn nhất trước và sau Công đồng Vatican II là trước Công đồng Vatican II, người Công giáo Việt không lập bàn thờ tổ tiên, trong gia đình chỉ có bàn thờ Chúa.

Trước Công đồng Vativan II, nhìn chung Giáo hội rất khắt khe đối với tục thờ cúng tổ tiên vì cho rằng nó đi ngược lại tinh thần Công giáo. Tuy nhiên, trong quá trình truyền giáo, Giáo hội Công giáo không ngừng nhận thức theo chiều hướng ngày càng đúng đắn và đầy đủ hơn văn hóa bản địa. Sự thay đổi nhận thức này đã dẫn đến những quyết định ngày càng phù hợp và có lợi hơn.

Người Công giáo Việt luôn tìm cách thích ứng giữa tư tưởng, quan điểm về tổ tiên của Công giáo với các nghi lễ truyền thống trong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc. Người Việt rất yêu mến tổ tiên, vì vậy, người Công giáo Việt luôn tích cực cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ sau khi họ đã qua đời.

Xuất phát từ quan niệm của người Công giáo về tình trạng tồn tại của linh hồn sau khi chết, người Công giáo Việt luôn mong ước ông bà, cha mẹ sớm được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc.

Giáo lý Công giáo đề cao giá trị của lòng hiếu thảo - Ảnh 1.

Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình tín đồ Công giáo- Ảnh minh họa

Có một việc làm tích cực đó là cầu nguyện. Từ lâu, việc cầu nguyện cho người đã mất đã trở thành truyền thống trong Giáo hội. Việc đọc kinh cầu cho linh hồn tổ tiên lại càng được sốt sắng trong "Tháng các linh hồn" (tháng 11 dương lịch hàng năm).

Ngày 14 tháng 6 năm 1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thông cáo về việc tôn kính tổ tiên, qua đó nói về bản chất cũng như những giá trị tốt đẹp của tục thờ cúng tổ tiên và cho phép giáo dân tôn kính tổ tiên theo phong tục dân tộc.

Phần đề cập đến thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est, đã xác nhận: Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán, đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (người Công giáo sử dụng thuật ngữ "tôn kính" chứ không "thờ cúng" tổ tiên).

Ngày 14 tháng 11 năm 1974, trong Hội nghị ở Nha Trang, bảy Giám mục Việt Nam đã xác định cụ thể hơn vấn đề thờ cúng tổ tiên bằng sáu điểm:

- Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện gì thể hiện mê tín dị đoan.

- Việc đốt hương, nhang, đèn, nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia tiên và trước giường thờ tổ tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

- Ngày giỗ cũng là ngày "kỵ nhật", được "cúng giỗ" trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì mê tín dị đoan như đốt vàng mã...

- Trong hôn lễ, dâu rể được làm "lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên" vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

- Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người qua cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính đối với người đã khuất...

- Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành hoàng để tỏ lòng tôn kính biết ơn những vị mà theo lịch sử, đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng...".


Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn