Đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần bị mai một. Để trao truyền cho các em tình yêu, nụ cười, được hồn nhiên trở về với văn hóa cội nguồn qua các món đồ chơi xưa, ở nhiều vùng quê vẫn có nghệ nhân hết lòng giữ gìn kho tàng ký ức kỳ diệu ấy.

GÌN GIỮ KHO TÀNG ĐỒ CHƠI TRUNG THU TRUYỀN THỐNG


Đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần bị mai một. Để trao truyền cho các em tình yêu, nụ cười, được hồn nhiên trở về với văn hóa cội nguồn qua các món đồ chơi xưa, ở nhiều vùng quê vẫn có nghệ nhân hết lòng giữ gìn kho tàng ký ức kỳ diệu ấy.

Ở nhiều đô thị những ngày vừa qua, ngoài dạy con học bài, kèm học online, dễ dàng thấy các phụ huynh tìm kiếm thú "tiêu khiển" cho con em mình bằng việc dạy con vẽ tranh, nặn bánh, nấu ăn… Tuy nhiên vì lâu ngày không được gặp bạn bè, thầy cô, được chạy nhảy bên ngoài nên không tránh khỏi việc các em bị cuồng chân.

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 1.

Bà Đỗ Thị Xuân (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) hướng dẫn các cháu nhỏ làm đèn cù, đèn thỏ-những đồ chơi truyền thống dịp Trung thu

Chị Trần Thị Phương, ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai-Hà Nội) chia sẻ: "Những ngày vừa qua, tôi ở nhà quản hai con cũng thấy áp lực. Không thể cứ mãi dạy nặn bánh, nấu ăn mà phải nghĩ ra các trò khác để giết thời gian, các cháu đỡ chán. Vậy là tôi phải mày mò, học cách cắt ngôi sao, rồi vẽ hoa, cắt hoa để dạy con. Đồng thời phải lấy bột nếp ngâm nước, dạy các cháu nặn con giống".

Tại các huyện vùng ngoại thành Hà Nội, các phụ huynh không khó để tìm cách giúp con bớt các trò chơi vô bổ trên máy tính, điện thoại, bởi đây là vùng đất có rất nhiều làng nghề. Trong đó nhiều làng làm đồ chơi cho trẻ em như làng nặn Tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên), làng làm đèn cù Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), làng làm đèn sao Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức)…

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 2.

Trẻ em thích thú với đồ chơi tò he

Anh Bùi Xuân Tuyên, làng Hạ Thái (xã Duyên Thái) tâm sự: "Khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, người dân chúng tôi chỉ ở nhà. Tôi dạy cho các con, cháu cách làm đèn cù. Tôi nghĩ đó đã là nét văn hóa của làng quê, rất đẹp. Khi được hướng dẫn, được tận tay làm và tạo ra thành quả là các sản phẩm đẹp, các cháu rất hào hứng. Ngày xưa trẻ con chúng tôi còn chơi súng bằng cọng chuối, súng tre. Nay các thứ đó ít người chơi. Nhưng tôi nghĩ, ở vùng nào còn nghĩ ra được các trò chơi cho tâm hồn con trẻ được mở rộng thì nên cố gắng. Giờ lại học online, cho trẻ giải trí bằng cách trò chơi dân gian rất hữu ích".

Những công đoạn làm đèn cù của người dân làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội

Qua tâm sự của nhiều phụ huynh, không ít người thấy may mắn vì mình đã từng trải nghiệm các trò chơi, cách làm đồ chơi dân gian nên giờ đây có thể xắn tay cùng làm, cùng chơi với các con. Nhiều người vui mừng khi trong khó khăn, con mình đã có cơ hội trở nên ngoan hơn, tỉ mỉ, cần mẫn hơn và không còn mê đánh điện tử nữa.

Chị Lê Phương Hồng ở huyện Thường Tín và nhiều ý kiến cho rằng, có thể thấy dịch Covid-19 đã lộ ra nhiều thứ, mới thấy cái hay của các đồ chơi dân gian. Theo chị, dạy con biết về các trò chơi dân gian nên được coi là việc làm thường xuyên. Không chỉ là thời gian này, nên bố trí thời gian hợp lý để giúp các con có những trải nghiệm thú vị. Các món đồ chơi cũng sẽ in hằn trong ký ức các em.

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 4.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (đội khăn xếp) dạy cách nặn Tò he

Là người gìn giữ nghề nặn tò he, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Văn Thành, làng Xuân La (xã Phượng Dực) tán đồng ý kiến và cho biết thêm: "Thực ra các trò chơi truyền thống nếu để các em tiếp xúc nhiều hơn, các em có thể tham gia làm sản phẩm, sẽ tạo hào hứng rất lớn. Qua nhiều năm tôi đúc rút được rằng, nếu biết làm và gắn kết các em, món đồ chơi còn cuốn hút các em hơn các trò chơi điện tử".

Cho trẻ một miền tuổi thơ

Gặp gỡ NNƯT Nguyễn Văn Thành cũng như nhiều nghệ nhân ở làng Xuân La, tôi được chia sẻ về niềm tự hào về một món đồ chơi độc nhất vô nhị. Tò he là sản phẩm làm bằng bột, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn và hình con người. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thật và pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" sau này nói lệch thành "tò he".

Để phát triển thị trường, người Xuân La đã thành lập Câu lạc bộ Tò he Xuân La, đồng thời thành lập Hiệp hội làng nghề Xuân La, cử NNƯT Nguyễn Văn Thành làm Chủ tịch. Giờ đây, cách làm tò he đã được dạy ở nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội. Còn theo ông Nguyễn Văn Phiên, nghệ nhân lâu năm ở làng Xuân La, hiện làng còn khoảng gần 300 người cố gắng duy trì làm nghề do cha ông để lại.

Tò he là sản phẩm làm bằng bột, thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn và hình con người...

"Chúng tôi đã cố gắng gìn giữ, cho trẻ em không chỉ là làng mình mà còn ở nhiều làng khác hay trung tâm thành phố một miền tuổi thơ. Nhiều đoàn thiếu nhi, sinh viên đến đến tận làng chúng tôi để thực tế, tham gia trải nghiệm. Các món đồ đều có sự tác động nhất định đến tâm hồn của trẻ thơ", ông Nguyễn Văn Phiên nhấn mạnh.

Lưu dấu những giá trị hoài cổ

Ngày xưa cứ đến gần Trung thu và Tết Nguyên đán, trẻ con lại đòi mẹ mua bằng được bộ phỗng, còn anh chị lớn thì háo hức ra chợ tìm mua để về dạy lại cho các em. Hơn chục năm qua, phỗng đất trở nên lạc lõng giữa những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền.

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 6.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp dạy cách nặn phỗng đất cho trẻ em

Ở làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện nay còn vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp giữ nghề để lưu dấu những giá trị hoài cổ. Phỗng đất là một món đồ chơi thô mộc nhưng đầy duyên dáng, mang nặng hồn cốt của văn hóa dân gian Việt Nam. Đất nặn phỗng là đất thó. Đất thó phải được đào ở độ sâu từ 2,5 đến 3m. Đất đem phơi khô, cho vào cối đập, giã thành bột mịn rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, có màu xám nhạt. Trước đây cả dân làng thường đào giếng khơi, vợ chồng ông Giáp tranh thủ lấy đất thó ở dưới lòng đất, phơi khô rồi mang cất đi, dự trữ cho cả năm sau.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ: "Ngày nay, mùa Trung thu rất nhiều món mặt nạ nhựa, súng nhựa, những chiếc máy phát nhạc với tờ giấy bóng kính của Trung Quốc. Hình ảnh mâm cỗ trông trăng, hoa quả bánh trái, bộ phỗng trung thu, ông tiến sĩ giấy và đèn ông sao trong ký ức của người Việt xưa đã bị mai một. Với nỗi lo ấy, tôi và vợ đã dành cả cuộc đời giữ lửa nghề nghiệp ông cha. Bất cứ nơi nào mời đi giới thiệu về phỗng, hoặc có đoàn khách cần tìm hiểu, tôi đều trân trọng, dành thời gian giới thiệu".

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 7.

Những sản phẩm phỗng đất của nghệ nhân Phùng Đình Giáp

Cũng theo ông Giáp, chỉ có lòng nhiệt tình, sự tận tâm, tỉ mỉ mới có thể giúp phỗng đất sống với thời gian. Qua các buổi trò chuyện trước các bạn trẻ và việc tiếp đón nhiều khách đến nhà mình, nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn đúc rút được một điều, để tiếp tục duy trì bộ phỗng, cần sự linh hoạt trong việc tìm kiếm chất liệu, sáng tạo nhiều hơn trong tạo hình phỗng.

Ở Hà Nội, còn rất nhiều nghệ nhân vẫn vượt khó, bền bỉ giữ gìn nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống như NNƯT Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai); nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh nặn hoa quả bằng bột nếp ở Thanh Xuân; nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức-một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn lại trong làng vẫn gắn bó với nghề làm ông tiến sĩ giấy; nghệ nhân Trần Văn Bản, ở xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) giữ nghề đục khuôn bánh trung thu gỗ; vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan ở số nhà 73 phố Hàng Than (quận Hoàn Kiếm) cần mẫn với công việc làm mặt nạ giấy bồi…

Gìn giữ kho tàng đồ chơi Trung thu truyền thống - Ảnh 8.

Nghề làm ông tiến sĩ giấy hiện ít được nhiều người theo đuổi, bảo tồn. Ảnh minh họa

Cũng phải nói thêm rằng, các món đồ chơi truyền thống vẫn đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi lối tiêu dùng hiện đại. Nhiều làng nghề từng có hơn một nửa người làng theo nghề thì hiện nay chỉ còn vài gia đình. Như ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức-địa chỉ nức tiếng một thời với những món đồ chơi trung thu truyền thống như đèn ngôi sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy… thì gần hai chục năm nay đã bị mai một. Làng Hậu Ái chỉ còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến giữ nghề. Mỗi năm gia đình bà cung cấp chừng 1.700 sản phẩm cho Bảo tàng Dân tộc học, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và các trường học quanh khu vực… Nhìn thấy những em nhỏ tiếp xúc với món đồ chơi một cách hào hứng, bà rất thích. Nhưng những khoảnh khắc như thế rất ít.

Trao truyền cho các em tình yêu, nụ cười, được hồn nhiên trở về với văn hóa cội nguồn, hướng đến những mùa Trung thu, những ngày vui chơi lành mạnh là trách nhiệm của người lớn. Ngoài các nghệ nhân thì các phụ huynh phải chung trách nhiệm trong việc bồi dưỡng giá trị truyền thống cho các em.

Nguyễn Văn Học
Văn Học, ST
19/09/2021 00:00