Giới trẻ chung tay gìn giữ và phát huy nét đẹp của cổ phục Việt

16/05/2022 08:42
Trải nghiệm mặc cổ phục tại Ỷ Vân Hiên

Trải nghiệm mặc cổ phục tại Ỷ Vân Hiên

Khoảng 5 năm trở lại đây, không ít bạn trẻ quan tâm, dùng cổ phục (trang phục cổ) để du xuân, chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu; sưu tầm, thành lập những hội, nhóm chia sẻ và gìn giữ vẻ đẹp của các loại trang phục cổ. Điều này cho thấy những tín hiệu đáng mừng về nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những nét đẹp được cho là xưa cũ.

Hiện giới trẻ đang có xu hướng sử dụng cổ phục trong nhiều sự kiện. Họ cũng lập những hội nhóm để chia sẻ thông tin về mẫu cổ phục, giá cả, cách may, mặc trong dịp nào thì phù hợp với từng loại. Không ít bạn có kiến thức về cổ phục, đã chỉ ra sự cách tân thái quá hoặc may chưa đúng hình dáng của cổ phục. Cũng có bạn chuyên sưu tầm cổ phục chỉ để thỏa mãn lòng đam mê chụp ảnh đẹp của mình và chia sẻ những bộ ảnh đẹp mới thực hiện được trên không gian mạng xã hội.

Nước ta có bề dày lịch sử. Mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa như: áo tấc, áo nhật bình, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo viên lĩnh… Áo nhật bình là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng hậu, công chúa. Thường phục nhật bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn. Tư liệu tranh ảnh đầu thế kỷ XX cho thấy, bất kể hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo nhật bình.

Áo tấc cũng là loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Gần đây, chiếc áo tấc đã xuất hiện trở lại ở nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc dành cho cả nam, nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo.

Ngoài ra, còn có nhiều cổ phục khác như: áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân… Chị Đỗ Thị Mai, có cửa hàng cho thuê áo dài và cổ phục tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: "5 năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ thích mặc cổ phục chụp ảnh. Có bạn nói là mặc cổ phục tạo ấn tượng, có bạn nói là mặc đẹp. Nếu mặc cổ phục mà đi chụp tại những không gian cổ kính thì rất tuyệt".

Giới trẻ chung tay gìn giữ và phát huy nét đẹp của cổ phục Việt - Ảnh 1.

Trang phục nhật bình trong bộ sưu tập “Cựu Kiến Tân – nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” của Ỷ Vân Hiên

Nguyễn Đức Lộc, năm nay trên 30 tuổi nhưng gần 10 năm qua, thay vì tìm hiểu và thiết kế các loại trang phục hiện đại, Lộc dấn thân tìm hiểu và thiết kế cổ phục. Để thỏa đam mê, Lộc đã thành lập nhóm gồm những người thích cổ phục để tìm hiểu, chia sẻ. Anh cũng đến những làng có nghề may lâu đời, gặp các nghệ nhân làng nghề để tìm hiểu về văn hóa cổ phục ở nước ta. Rồi anh đã thành lập Công ty CP Ỷ Vân Hiên - chuyên về những trang phục cổ của dân tộc.

Cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao

Nhiều bạn trẻ thích áo dài Việt Nam. Và khi trải nghiệm với cổ phục, họ cũng thấy hào hứng và thích trải nghiệm thêm những điều mới mẻ. Đó là "kênh" để cổ phục truyền thống lan tỏa trong đời sống hiện đại. Nhà thiết kế Quang Hòa (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho hay: Vào dịp Tết cổ truyền, các loại cổ phục Việt Nam được sử dụng nhiều, giá trị, vẻ đẹp cổ phục lan tỏa mạnh mẽ. Huế là một trong những địa phương có nhiều người thích diện cổ phục. Nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau chọn áo tấc, ngũ thân tay chẽn, nhật bình làm trang phục cho mình và người thân du xuân. Các tiệm may, cơ sở cho thuê cổ phục gần như bị "cháy" hàng.

Còn Nguyễn Đức Lộc cho rằng ở thời kỳ hiện đại với vô vàn xu hướng thời trang nở rộ, muốn lan tỏa Việt phục đến với mọi người, đầu tiên phải thay đổi được tư duy công chúng và tìm ra lời giải hợp lý cho bài toán trong sự cân bằng về vấn đề kinh tế với văn hóa, giữa tính khoa học và thời trang. Chính vì vậy những bộ trang phục cổ mà Ỷ Vân Hiên phục dựng bao giờ cũng phải đúng về yếu tố lịch sử, chất liệu tốt nhất và tỉ mỉ từng hoa văn, kiểu dáng… Có lẽ chính vì thế mà những dự án hợp tác vẫn đều đặn đến với Ỷ Vân Hiên trong những năm qua.

Cũng còn trẻ và là diễn viên ảo thuật, Nguyễn Trọng Tín (quận 12, TPHCM) đã rẽ hướng sang chuyên làm trang phục cổ, đặc biệt là các trang phục sân khấu. Đây là công việc tỉ mỉ và tốn rất nhiều công sức. Nhưng Tín tin rằng, nhiều người sẽ vẫn đón nhận những giá trị xưa, và chính người trẻ có khả năng phát huy và lan tỏa giá trị ấy.

Cả Lộc và Tín đều cho rằng, thời gian tới, muốn để bạn trẻ và người dân quan tâm, thì chính các anh phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam, vì đó là cả một kho tàng chưa được khai phá hết. "Những gì chúng ta biết đến qua những trang phục chỉ là một phần rất nhỏ. Sắp tới tôi sẽ tập trung để cho ra mắt công chúng những bộ sưu tập dày công nghiên cứu có hàm lượng giá trị nghiên cứu sâu hơn", Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.

Ngành văn hóa phải nhìn nhận về sự quan tâm của giới trẻ, để có những ghi nhận, đánh giá. Thậm chí có sự khích lệ thích đáng. Không ít chuyên gia còn cho rằng, tư liệu về cổ phục rất thiếu thốn, bởi vậy cần phải sưu tầm thêm tư liệu, xây dựng giáo trình để có thể đào tạo, giảng dạy về cổ phục Việt Nam.

Việc các bạn trẻ quan tâm đến cổ phục là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.