Giới trẻ Trung Quốc đi chùa "thanh lọc tâm hồn" tăng đột biến

31/03/2023 14:00
Người trẻ thắp hương và cầu khấn tại chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh ngày 19/02/2023. Ảnh: Jade GAO/VCG

Người trẻ thắp hương và cầu khấn tại chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh ngày 19/02/2023. Ảnh: Jade GAO/VCG

Các nền tảng du lịch trực tuyến đang chứng kiến sự gia tăng lượng đặt chỗ đến các địa điểm tôn giáo từ những người trẻ tìm kiếm “trải nghiệm thanh lọc tâm hồn”.

Xu hướng đi chùa ở giới trẻ

Từ chơi ném đĩa, cắm trại sang trọng (glamping) đến đi công viên giải trí, giờ đây giới trẻ Trung Quốc đã tìm ra cách mới để thư giãn trước những áp lực cuộc sống: đến các địa điểm tôn giáo.

Khi du lịch trong nước dần phục hồi sau việc nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch Covid-19, người trẻ Trung Quốc chọn đến các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Đạo giáo để tạm thoát khỏi những lo lắng cá nhân hoặc nghề nghiệp. Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com vào cuối tháng Hai vừa qua, lượng đặt chỗ cho các chuyến đi tới chùa đã tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, và một nửa trong số đó là những người trẻ.

"Giữa việc tìm sự giúp đỡ từ chính bản thân hay từ người khác, tôi chọn xin Đức Phật giúp đỡ", Luo, 25 tuổi làm về phân tích truyền thông, nói. Cô gái đến từ Thâm Quyến đã đến sáu ngôi chùa trong năm nay và chia sẻ việc đi chùa giúp cô thư giãn sau 10 tiếng làm việc văn phòng mỗi ngày.

Trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), lượt tìm kiếm các chuyến đi chùa tăng 580% trong năm nay. Trên Xiaohongshu (nền tảng tương tự Instagram), hơn 820.000 bài đăng chia sẻ về đi chùa, từ mẹo di chuyển đến nghi thức cúng bái và coi chuyến đi là "một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn".

Người trẻ đang đổ xô đến các ngôi chùa

Chùa Lạt Ma (hay Ung Hòa Cung) ở Bắc Kinh gần đây có trung bình hơn 40.000 lượt người đến chùa mỗi ngày, theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông trong nước. Chùa Phật Nằm cũng là điểm đến phổ biến, khi học sinh và người trẻ lần lượt đổ xô đến chùa cầu khấn đậu đại học và thăng tiến trong sự nghiệp.

Những hình ảnh đăng tải trên mạng hồi đầu tháng Ba cho thấy nhiều người xếp hàng dài để vào Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (miền đông Trung Quốc) từ sáng sớm và sau đó chen chúc ở cửa hàng lưu niệm để mua những vòng tay chuỗi hạt tượng trưng cho bình an và hạnh phúc.

Những người trẻ đi chùa để tìm bình yên - Ảnh 1.

Hàng chục nghìn người viếng chùa xếp hàng để cầu may mắn tại chùa Lạt Ma ở Bắc Kinh ngày 26/2/2023. Ảnh: IC

Với một số người trẻ, đi chùa, dâng hương và đăng ảnh lên mạng xã hội là một xu hướng mới họ cảm thấy bắt buộc phải nắm bắt giống như việc chơi ném đĩa và cắm trại trong năm 2022. Gen Z coi trọng sự độc đáo và tìm kiếm những hoạt động giải trí đặc biệt. Việc chia sẻ những hình ảnh và câu chuyện đi chùa có thể ảnh hưởng và thu hút những người trẻ tuổi khác, đặc biệt là người thường xuyên sử dụng các nên tảng mạng xã hội, tham gia vào xu hướng này, GS. Zhang Yiwu đến từ Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Một cách thoát khỏi áp lực trong cuộc sống

Ngoài ảnh hưởng bởi sức mạnh của truyền thông xã hội trong việc lan truyền và định hình xu hướng, một lý do quan trọng khác khiến người trẻ đi chùa là để giải tỏa nỗi lo về áp lực cuộc sống, chuyên gia truyền thông Song Yuqian bình luận. Trong khi một báo cáo năm 2021 về sức khỏe tinh thần cho thấy những người trong độ tuổi từ 16 đến 34 có mức lo lắng cao nhất thì một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 6 năm 2022 tiết lộ rằng 85% người tham gia khảo sát phải đối mặt với một mức áp lực nhất định tại nơi làm việc.

Sự phổ biến ngày càng tăng của việc đi chùa và các vật phẩm được cho là mang đến may mắn và tốt đẹp như chuỗi hạt đeo tay ở giới trẻ Trung Quốc chứng tỏ "nền kinh tế tâm linh" của quốc gia đang bùng nổ. Nhiều người trẻ đang chuyển sang các hoạt động và hành vi tiêu dùng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần vì những áp lực lớn họ phải đối mặt, một điều có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Song cho biết: "Đi chùa mở ra một cơ hội mới để mọi người nghỉ ngơi và tạm thoát khỏi căng thẳng vì năng lực thần bí từ các vị thần Phật mang đến cho người trẻ cảm giác chắc chắn, từ đó có khả năng chữa lành sự kiệt quệ về mặt tinh thần".

Trong khi đó, GS. Zhang lưu ý rằng người Trung Quốc có nhận thức rất thực tế về tôn giáo: hy vọng tôn giáo có thể giúp ích cho cuộc sống hay giúp họ đạt được những mục tiêu thiết thực trong cuộc sống, chẳng hạn như thăng tiến trong sự nghiệp và giảm căng thẳng. Câu nói thịnh hành "Giữa đi làm và đi học, người trẻ chọn đi chùa" cho thấy người trẻ đang thực sự nghĩ đến công việc và học tập của mình thay vì "nằm im, mặc kệ sự đời". Hiện tượng này là sự kết hợp giữa nhận thức thực tế của người Trung Quốc về tôn giáo và nỗ lực theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu tôn giáo cho rằng việc đi chùa và thực hiện các nghi lễ tôn giáo của giới trẻ có thể chỉ là những hão huyền vì thiếu đức tin và có thể không mang bất kỳ ý nghĩa hay tầm quan trọng thực sự nào. Thay vào đó, người trẻ đang tìm kiếm sự hài lòng hoặc may mắn bằng cách đơn giản là cúng tiền và tụng kinh.

Luo cho biết cô sẵn sàng dành thời gian vài tháng sống trong chùa để có trải nghiệm tôn giáo sâu sắc hơn, nhưng bản chất bận rộn của cuộc sống khiến cô khó thực hiện được điều đó. Với Luo, các nghi lễ tôn giáo thiên về trải nghiệm cá nhân và mối liên hệ với tâm linh hơn là kết quả của những lời cầu khấn. "Những lời khấn đó có thành hiện thực hay không không quan trọng lắm. Điều quan trọng là tôi cảm thấy thanh thản và chân thành như tôi mong muốn", cô gái 25 tuổi nói.

“Người trẻ cần một nơi nào đó để trút bỏ cảm xúc”, một cư dân mạng viết, “Thiền cung cấp không gian để chúng ta thư giãn và thấy nhẹ nhõm hơn”, một người khác chia sẻ. “Tôi biết điều đó không có thật, nhưng chúng tôi cần một số yếu tố tinh thần như sự trấn an và động lực trước khi quay lại chiến đấu với thực tế", một tài khoản mạng xã hội viết.

Nguồn: Sixth Tone, Global Times, Jing Daily

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn