Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm"

28/07/2023 09:32
Thành viên CLB Áo chàm (Thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

Thành viên CLB Áo chàm (Thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

Trong đời sống, đồng bào Nùng (Bắc Giang) còn lưu giữ được nhiều vốn di sản văn hóa. Có một câu lạc bộ (CLB) được phụ nữ lập nên để bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục áo chàm.

Thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Nùng. 

Trang phục của người Nùng đơn giản, không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng. Màu sắc trên trang phục cũng khá đa dạng, từ màu xanh nhạt đến xanh thẫm, tím than, xanh đen… nhưng phổ biến nhất vẫn là màu chàm. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo 5 thân, cài cúc bên nách phải, không dài quá hông.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 1.

Cây chàm tại thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang

Từ những buổi sơ khai, người Nùng đã biết cách khai thác sản vật được đất trời ban tặng, tạo nên một truyền thống văn hóa rất riêng từ vật dụng, trang phục, kiến trúc, trong đó áo chàm được xem là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của người Nùng ở Sơn Hải. Màu chàm được tạo ra từ cây chàm, một loại cây thân gỗ được trồng ở vườn nhà, nương rẫy, thậm chí mọc ven đường. Tuy nhiên, nét văn hóa này đang dần bị mai một.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 2.

Chị Đàm Thị Niêm (bên trái), hội viên Chi hội phụ nữ thôn Cổ Vài, Chủ nhiệm CLB Áo chàm

Tiếc nuối những giá trị truyền thống ngày một phai nhạt dần đi, phụ nữ dân tộc Nùng nơi đây đã cùng nhau thành lập CLB Áo chàm để giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng này.

Chị Đàm Thị Niêm, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Cổ Vài, Chủ nhiệm CLB Áo chàm cho biết, CLB được thành lập năm 2014 gồm 50 thành viên tâm huyết. Các chị đã khôi phục lại từng công đoạn nhuộm áo, làm ra những sản phẩm có giá trị từ cây chàm trồng trên mảnh đất quê hương.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 3.

Trang phục nhuộm chàm được chị em dân tộc Nùng mặc vào các dịp quan trọng

Chia sẻ về công đoạn làm ra sản phẩm, chị Niêm cho biết, trồng cây chàm rất mất nhiều thời gian, vì hạt của cây rất nhỏ nên lúc gieo phải làm đất nhỏ, làm cỏ kỹ. Sau khi vãi hạt lại xoa bề mặt đất lại một lần nữa nên rất cần sự tỉ mỉ, kiên trì.

Quy trình nhuộm vải cũng có nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên là phải cắt cây chàm về ngâm nước 24 giờ, sau đó vắt kiệt bỏ bã đi cho nước vôi vào khuấy đều khoảng 30 phút rồi để ngâm 2 giờ. Nước chàm được để cho cạn dần trong sau đó còn lại bột chàm đặc sánh gọi là cao chàm. Cao chàm có thể dùng được quanh năm, khi dùng chỉ cần lấy cao này pha với chút rượu theo tỷ lệ nhất định, bóp nhỏ và hòa tan với nước, khuấy mạnh đến khi sủi đầy bọt thì đậy lại. Sau đó vắt ra một thứ nước màu xanh lục, khi cho thêm vôi vào nước sẽ dần ngả nâu, bọt tím sẽ nổi trên bề mặt, cuối cùng nước sẽ chuyển sang màu chàm.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 4.

CLB Áo chàm ở xã Sơn Hải đã góp phần bảo tồn nét văn hóa trang phục đặc sắc của người dân tộc Nùng Tây Bắc

Sau khi có cao chàm rồi, chị em sẽ nhuộm chàm. Nhuộm chàm thủ công là một quy trình khó, phức tạp đòi hỏi tính kiên nhẫn, bền bỉ và chịu thương chịu khó của người phụ nữ dân tộc Nùng. Chính vì sự công phu và tỉ mỉ của người thợ mà những tấm vải làm ra đều bền, đẹp. Trong suốt mùa nhuộm vải, bàn tay của người phụ nữ Nùng luôn nhuốm màu xanh chàm.

Sau khi nhuộm, chị em sẽ cắt vải thành từng miếng, may nối các mảnh vải lại với nhau, trang trí áo, đơm cúc,… công đoạn này cũng phải mất 2 ngày mới xong được một bộ áo chàm. Sản phẩm làm ra có thể bán 500 nghìn đồng mỗi bộ.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 5.

Qua các hội hát, áo chàm sẽ được nhiều người yêu thích và mặc. Có như vậy bản sắc văn hóa truyền thống mới không bị mai một và biến mất

Chị Niêm cho biết: "Bán cho khách là một phần, còn đa số chị em đều làm áo chàm theo sở thích để mặc đi hội hát Soong Hao đối đáp. Qua các hội hát, áo chàm sẽ được nhiều người yêu thích và mặc. Có như vậy bản sắc văn hóa truyền thống mới không bị mai một và biến mất".

Theo chị Niêm, hiện nay ở nhiều địa phương đã không còn làm áo chàm vì thực tế mọi người không có nhu cầu mặc. Xã hội mở cửa, kinh tế du nhập khiến các sản phẩm hàng hóa ngày càng đa dạng, nhất là trang phục nên nhiều người không còn mặn mà với áo chàm. Cũng vì thế, cây chàm cũng dần vắng bóng.

Giữ gìn bản sắc văn hóa "áo chàm" - Ảnh 6.

Vải sau khi nhuộm được đem phơi

Mấy năm trở lại đây, chính quyền địa phương bắt đầu khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc, khuyến khích bà con mặc trang phục dân tộc. CLB Áo chàm ở xã Sơn Hải đã góp phần bảo tồn nét văn hóa trang phục đặc sắc của người dân tộc Nùng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn