Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người

10/09/2021 09:40
Nghề thêu của người La Hủ, ở xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, được gìn giữ qua các thế hệ

Nghề thêu của người La Hủ, ở xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, được gìn giữ qua các thế hệ

Huyện Mường Tè (Lai Châu) có 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người, đặc biệt khó khăn. Đồng bào các dân tộc này có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhưng theo thời gian, nhiều nét văn hóa trên đang dần mai một...

4 dân tộc rất ít người và đặc biệt khó khăn ở Mường Tè gồm: Cống, La Hủ, Mảng, Si La. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng thể hiện trong sinh hoạt, sản xuất, nhưng do cuộc sống khó khăn, nhiều hủ tục, tệ nạn, bản sắc văn hóa truyền thống dần mất đi. Trước tình hình đó, huyện Mường Tè triển khai nhiều biện pháp, ưu tiên nguồn lực để khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của những dân tộc này.

Đến thăm nơi sinh sống của 4 dân tộc đặc biệt khó khăn, chúng tôi thấy được cuộc sống của bà con dân bản đã thay đổi nhiều so với trước đây. Ngoài được đầu tư cơ sở vật chất, các nét văn hóa dần được khôi phục, người dân mặc áo truyền thống trong cuộc sống đời thường, tham gia trò chơi dân gian, phát triển nghề: may mặc, rèn đúc, đan lát để tạo ra các sản phẩm mang giá trị truyền thống.

Còn trong giờ tụ họp gia đình, người già kể lại cho người trẻ về giá trị văn hóa tinh thần để thế hệ con cháu không quên cội nguồn. Các di sản văn hóa đang được phục dựng, không chỉ tô điểm nét đẹp của 4 dân tộc mà còn làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc trong huyện.

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc Cống trong trang phục truyền thống

Hiện nay, 4 dân tộc đặc biệt khó khăn sinh sống ở 11/14 xã, thị trấn của huyện Mường Tè. Để khôi phục và gìn giữ nét truyền thống, UBND huyện Mường Tè giao phòng Văn hóa-Thông tin huyện phối hợp với các xã tích cực xuống bản để gặp gỡ, trao đổi với người dân, tìm hiểu về cuộc sống, các phong tục, tập quán. Từ đó, tuyên truyền người dân xóa bỏ những cái xấu, hủ tục, giữ lại những nét đẹp, cái giá trị cốt lõi.

Cán bộ xã, huyện chủ động gặp gỡ người già, người có uy tín, những nghệ nhân để ghi chép lại những câu chuyện, thơ cổ, bài hát, lễ hội, ngành nghề truyền thống, rồi tìm hiểu thêm thông tin trên mạng internet để tham mưu UBND huyện tìm cách khôi phục, duy trì. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, vận động xây dựng đội văn nghệ ở các bản, tạo dựng sân chơi, chế tạo nhạc cụ, dụng cụ thể thao để người dân thường xuyên tham gia.

Hiểu được giá trị truyền thống, người dân tự giác xóa bỏ những hủ tục, tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương khôi phục lại bản sắc văn hóa, từ Tết ngô, Tết mùa mưa đến lễ hội mừng cơm mới, phong tục ở rể, trò chơi dân gian: đi cà kheo, bập bênh, đá cầu lông gà... đều được khôi phục. Như Tết ngô của người Cống xã Nậm Khao bị mai một nhưng đã được phục dựng, Tết diễn ra vào tháng 6 âm lịch, để chuẩn bị, người dân thu hoạch ngô, xây thành bột để làm bánh, tìm cua đá, rêu đá và ngày đầu của Tết, bà con ra sông, suối để tắm rửa, rũ bỏ đi hết những cái không may của năm cũ để đón nhận cái mới.

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người - Ảnh 2.

Điệu múa mô phỏng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Si La. Ảnh ST

Còn Tết mùa mưa của người La Hủ diễn ra vào thời điểm mùa mưa để cúng bái thần linh, trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Trong những ngày Tết, bà con không chỉ chúc nhau từng chén rượu mà còn cùng nhau múa hát, tranh tài ở các môn thể thao.

Chị Khoàng Thị Yêu, bản Lãng Phiếu (xã Nậm Khao) chia sẻ: Nhờ có cán bộ xã, huyện tuyên truyền, tôi biết đến các phong tục tập quán của dân tộc mình mà trước đây chỉ nghe qua lời kể của người già. Giờ đây được phục dựng và thể hiện trong các ngày lễ Tết, hội hè, tôi thấy phong tục của dân tộc mình đẹp và văn minh lắm. Thấy được nét văn hóa như ngày hôm nay, tôi sẽ luôn tích cực gìn giữ và vận động con cháu trong gia đình tham gia đội văn nghệ để biết đến nét đẹp truyền thống.

Nét văn hóa không chỉ được thể hiện ở các lễ hội mà còn trong đời sống hàng ngày. Ngoài xây dựng, tu sửa nhà cửa theo phong cách xưa, người dân còn khôi phục lại nghề may mặc, dệt thổ cẩm với những bộ quần áo, mũ, giầy dép mang đậm đà bản sắc, người già dạy con trẻ cách thêu thùa, cách dệt vải để lớp trẻ biết giữ gìn. Ngoài ra, nghề rèn đúc, đan lát được lưu truyền với đa dạng sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cho người dân mỗi khi xuất ra thị trường.

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người - Ảnh 3.

Việc giới thiệu, trưng bày không gian văn hóa giúp quảng bá và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ít người

Bà Hù Cố Xuân, bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) cho biết: Là nghệ nhân, tôi luôn tìm hiểu về nét văn hóa của người Si La, sưu tầm các nhạc cụ, thơ ca truyền thống. Tôi còn truyền dạy cho người dân trong bản làn điệu dân ca, dân vũ để thế hệ sau này hiểu biết nhiều hơn về truyền thống dân tộc.

Mỗi năm 1 lần, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, huyện tổ chức ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc đặc biệt khó khăn để bảo tồn giá trị văn hóa. Trong ngày hội, đồng bào mỗi dân tộc không chỉ được gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống mà còn được giao lưu về văn hóa, thể thao, kết nối tình đoàn kết giữa các dân tộc. Mỗi lần tổ chức, các cán bộ quay phim, chụp ảnh lại và đưa lên các phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh. Huyện còn sử dụng quỹ đất cạnh bờ hồ trung tâm phục dựng nét văn hóa dân tộc để người dân trong huyện tìm hiểu, tham quan. Bên cạnh đó, 100% các bản có đội văn nghệ với thành viên trẻ hóa, đó là lớp kế cận để lưu giữ nét văn hóa truyền thống.

Ông Tống Văn Kem, Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Để lưu giữ nét văn hóa các dân tộc đặc biệt khó khăn, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Phòng tham mưu lên UBND huyện khôi phục, duy trì nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc này; tổ chức các lễ hội, ngày hội văn hóa-thể thao; đề xuất tuyên dương các cá nhân có đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, văn hóa truyền thống của các dân tộc khó khăn sẽ mãi lưu truyền theo thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn