Giữ nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Nùng để phát triển du lịch

01/04/2022 07:26
Bà Lan giới thiệu về một bộ trang phục truyền thống

Bà Lan giới thiệu về một bộ trang phục truyền thống

Bằng tình yêu nghề may trang phục truyền thống, người phụ nữ dân tộc Nùng Tráng Thị Lan (xã Na Hối, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã cho ra đời những bộ váy áo phục vụ chị em các Đội văn nghệ trên địa bàn. Việc làm của bà đã góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Giúp chị em tự tin diện trang phục truyền thống

Với bà Tráng Thị Lan, tình yêu với nghề may bắt nguồn từ thuở thiếu niên, từ những khi mới 13-14 tuổi đã có thể tự cắt, tự tay may cho mình một bộ trang phục truyền thống đẹp để diện đi chơi tết. Bà kể, trước đây mẹ của bà cũng là một người phụ nữ Nùng khéo tay có tiếng, đã chỉ bảo cho bà rất nhiều để tay nghề thêm thuần thục và nhân lên tình yêu với nghề qua từng đường kim, mũi chỉ. Nhưng để có thể giữ được nghề truyền thống cho đến hôm nay, có lẽ đó là cả một tình yêu lớn với nghề may mặc cùng sự kiên trì, chăm chỉ bởi trong cuộc sống đã có lúc thăng trầm tưởng phải bỏ dở giữa chừng… 

Giữ nghề may trang phục truyền thống để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Chị em mặc áo dài trình diễn đua ngựa

Trong những lúc khó khăn, bà Lan luôn tâm niệm, trang phục truyền thống dân tộc mình là bản sắc nên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để bị mai một được. Do vậy, bà càng tích cực tìm tòi, học hỏi để tay nghề thêm chắc. 

"Ngày xưa đồng bào quê tôi nghèo lắm, đến ngày lễ ngày tết, dù vải vóc lúc đó còn rất ít, rất hiếm, nhưng nam thanh nữ tú trong thôn, trong bản, ai ai cũng mong có một bộ trang phục truyền thống thật đẹp để du xuân chơi tết, còn hiện nay khi điều kiện sống của bà con đã khấm khá hơn, trang phục truyền thống lại là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn, phát huy, bởi nó chính là hồn cốt của đồng bào, thêm nữa lại có thể phục vụ du lịch bởi khách du lịch mỗi khi đến với Bắc Hà đều rất thích thú với các bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, được tận mắt xem các cô gái Tày biểu diễn trong làn điệu Then, múa xòe…", bà Lan cho biết.

Hiện nay, bà Lan chủ yếu may áo dài cách tân phục vụ các đội văn nghệ truyền thống của xã Na Hối và của huyện khi có nhu cầu. Các bộ trang phục của bà Lan dù đã ít nhiều có sự đổi mới, song vẫn giữ được nét đẹp xưa. Đó là những bộ áo dài màu đen viền xanh, tà áo là màu vải hoa để tôn lên vẻ đẹp của chị em mỗi khi biểu diễn. 

Bà Lan cũng tự mày mò, sáng tạo ra cách nhuộm vải rất độc đáo để hạn chế việc phai màu. Do vậy khách hàng rất thích, đánh giá cao tay nghề, sự khéo léo của bà và tìm đến đặt hàng rất nhiều. Bà Lan chia sẻ: "Thấy chị em tự tin diện cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp khi tham gia trình diễn đua ngựa hay biểu diễn múa xòe phục vụ khách du lịch, bản thân tôi cũng thấy rất vui".

Tìm người truyền nghề
Giữ nghề may trang phục truyền thống để phát triển du lịch - Ảnh 2.

Hơn 60 tuổi, bà Tráng Thị Lan vẫn miệt mài, gắn bó với nghề may trang phục truyền thống

Với bà Tráng Thị Lan, để có thể làm ra một bộ váy áo đẹp khiến chị em có thể hài lòng, tự tin trong lúc biểu diễn là cả sự tâm huyết, trách nhiệm của người làm nghề. Tuy nhiên, bà cũng rất buồn, rất trăn trở… bởi hiện nay giới trẻ ít gắn bó theo nghề. Bà tâm sự, đã có lúc kiên trì dạy bảo để các con cháu học tập, giữ nghề truyền thống của cha ông nhưng ít người có thể kiên trì theo được. Tâm nguyện của bà Lan là sớm tìm được những học trò tâm huyết. Bà bảo sẽ sẵn sàng kèm cặp, chỉ bảo tận tình nếu có ai đó muốn học nghề, theo nghề… bởi mọi sự cố gắng của bà hiện nay cũng chỉ mong có thể giữ gìn, bảo tồn nghề trước nguy cơ mai một.

Cùng với tình yêu nghề, bà Lan còn luôn có sự ủng hộ, động viên, hỗ trợ của những người trong gia đình để quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc. Ông Vàng Văn Tư, chồng bà Tráng Thị Lan, cho biết: "Mọi công việc trong gia đình vợ chồng tôi thường sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau mỗi người làm một việc. Văn hóa dân tộc thì nhất định không thể bỏ được, phải gìn giữ nên tôi luôn động viên vợ cố gắng".

"Bà Lan có thời gian hơn 11 năm làm trưởng thôn, từng vinh dự nhận Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. Hiện nay, với tâm huyết bảo tồn và phát huy nghề may trang phục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, cấp ủy, chính quyền và Hội LHPN xã rất đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Mới đây, bà Lan được Hội LHPN huyện Bắc Hà phối hợp cùng ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... Với số vốn này, gia đình có thêm điều kiện đầu tư mua vải vóc, nguyên liệu, máy khâu và mở rộng quy mô sản xuất, trước mắt để bà có thể giữ nghề và tâm huyết, gắn bó với nghề truyền thống", chị Vàng Thị Thư, Chủ tịch hội LHPN xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn