Góp ý một số quy định trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

19/07/2022 14:31
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý kiến vào 2 dự thảo: Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số quy định chưa tạo điều kiện cho người dân, gây lúng túng cho các cơ quan Nhà nước

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 chương, 51 điều. Trong đó, Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo... Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam có quy định khác.

Đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 8 Điều so với Nghị định 162. Trong đó, các điều giữ nguyên gồm 10 Điều; các Điều sửa đổi gồm 9 Điều; các Điều bổ sung gồm 12 Điều; bổ sung 1 khoản; bãi bỏ Khoản 4, Điều 22 của Nghị định số 162.

Dự thảo Nghị định thay thế cơ bản giữ phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP gồm quy định chi tiết thi hành 8 nội dung được Luật giao và một số biện pháp thi hành quy định của Luật thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong từng điều khoản cụ thể, dự thảo Nghị định đã tập trung sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành theo hướng cụ thể hơn, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, một số quy định của Nghị quyết số 162/2017/NĐ-CP như giải thích về công trình tôn giáo; quy định về việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cho người dân cũng như gây ra lúng túng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện. Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp cụ thể dẫn tới quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả thực tiễn.

Vì vậy, việc tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa đầy đủ hoặc còn tồn tại các Nghị định số 162/2017/NĐ-CP cũng như trong Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là rất cần thiết.

Chỉnh sửa nguyên tắc xử phạt VPHC trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 1127/SNV-TG ngày 01/7/2022 v/v góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; vừa qua, Sở Tư pháp Bình Định đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị định nói trên.

Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đề nghị xem xét, chỉnh sửa nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 2 và điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị xem xét, cân nhắc quy định về thủ tục xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự vì khoản 3 Điều 62 và Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trình tự thủ tục khác nhau đối với việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính; đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa quy định về mức phạt đối với với hành vi tái phạm trong Dự thảo cho phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị chỉnh sửa quy định về việc chuyển hồ sơ vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); đề nghị rà soát, đối chiếu quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất tại Điều 6 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP và Điều 44 dự thảo Nghị định để chỉnh sửa quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 49 dự thảo Nghị định,…

Xem dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại đây

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn