Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh

28/07/2021 11:07
Phố quanh hồ Hoàn Kiếm không bóng người ngày giãn cách xã hội

Phố quanh hồ Hoàn Kiếm không bóng người ngày giãn cách xã hội

Hà Nội mấy hôm nay vắng lặng. Tôi chẳng quen ngắm nhìn thành phố của mình khi không còn xe cộ nườm nượp, dòng người hối hả trên đường phố, tiếng rao của mấy bà bán hàng rong... Nhưng rồi, tâm lý cũng dần thích nghi với thay đổi này.

"Hà Nội của tôi" - biết bao người đã tự cho mình cái quyền sở hữu thành phố hơn 6 triệu dân này. Không biết tự khi nào, hai tiếng "Hà Nội" chẳng còn dành riêng cho người dân gốc Thủ đô nữa. Dân tỉnh lẻ như tôi, lên đây học rồi lập nghiệp, cứ thế cố gắng kiếm tìm cho mình một duyên cớ đầy thuyết phục để bám trụ lại với mảnh đất này.

Cũng chẳng ngẫu nhiên mà người dân tứ xứ, dù chỉ sống ở Thủ đô một quãng thời gian ngắn, nghiễm nhiên thầm gọi thành phố ấy là của mình. Với họ, đó là một Hà Nội phồn hoa, ồn ào; một Hà Nội của những dòng người luôn mang trong mình sự bực bội mỗi khi tắc đường, nhưng lòng lại chợt hụt hẫng khi thấy đường phố vắng tanh.

Vậy là, đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã đến. Virus với biến chủng mới cũng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Hàng ngày, điều khiến con người ta sợ nhất là phải lắng nghe tin tức thông báo số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Giữa những ngày hạ oi bức, một lần nữa cả thành phố phải thực hiện lệnh giãn cách.

Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh - Ảnh 1.

Khu vực Hồ Gươm vắng bóng người qua lại

Thông báo đến từ đêm hôm trước, ấy thế mà sáng hôm sau người dân từ tầng trên xuống xóm dưới đã loan tin nhau trong cái ngỡ ngàng đầy lo sợ. Mọi người nhìn nhau rồi cất tiếng thở dài với vẻ ngán ngẩm.

"Đi mua đồ tích trữ thôi", "Đói quá gọi đồ về ăn lấy sức chống dịch nhỉ?", "Tầm này ít người, ra công viên chạy bộ là thích nhất"... Không, tôi gần như không còn nghe thấy những lời rủ rê, mời chào kiểu ấy nữa.

Giai đoạn "bình thường mới" này, có lẽ ai cũng đã quen, dù lòng chẳng muốn tẹo nào. Mọi người thầm bảo nhau rằng, đây không phải thời gian để mua sắm, thể dục ngoài trời hay tụ tập ăn uống nữa. Chỉ thị đã nêu rõ, không có nhu cầu thiết yếu thì không được ra ngoài đường. Người dân cũng chẳng còn lo tích trữ đồ ăn nữa, bởi ai nấy đều ý thức được đâu là điều quan trọng hơn.

Sống giữa lòng Hà Nội một thời gian không quá ngắn, tôi cũng như bao người khác, khát thèm cảm giác được một lần chứng kiến cảnh Hà Nội bình yên, vắng bóng xe cộ và âm thanh huyên náo của hàng quán. Lễ, Tết tôi đều về quê. Khi ấy, ngắm nhìn Hà Nội qua những tin, bài ghi nhận cảnh đường phố thanh vắng, sao mà thú vị, hay ho đến thế?

Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh - Ảnh 2.

Phố cổ là nơi hàng quán tấp nập nhất nay cũng vắng lặng

Hà Nội của tôi những ngày thực hiện giãn cách dễ có đến năm, bảy phần giống Hà Nội những dịp nghỉ lễ. Nhưng nếu ai đó nói Hà Nội mấy hôm nay buồn, thì tôi không đồng tình. Với tôi, thành phố chỉ đang tạm nghỉ. Nó chẳng qua chỉ tạm buông bỏ lớp áo dày đặc và điều chỉnh "volum" âm thanh đường phố xuống mức nhỏ nhất, để rồi khoác lên mình vẻ trầm tư, tĩnh lặng.

Tôi chẳng còn được thong dong trên các tuyến phố mà hít hà cái vị nồng nàn của Hà Nội những ngày hè. Đầm sen nơi giới trẻ chúng tôi thường ra sống ảo, chùm hoa sấu ngào ngạt, hay cành phượng vĩ đỏ rực một góc trời bỗng chốc thu bé lại qua ô cửa sổ. Các anh xe ôm công nghệ cũng mất việc, hàng trên quán dưới cũng bảo nhau "nghe" theo Chỉ thị mà đóng cửa.

Tôi chẳng buồn vì bị "nhốt". Giờ đây, tôi vẫn thỏa sức ngắm nhìn thành phố của mình một cách trọn vẹn nhất, thi vị nhất qua khung cửa sổ. Cảnh vật khi không đi kèm với âm thanh xem chừng đem đến cho người ta cái cảm giác thú vị hơn, dễ phải đến đôi, ba phần. Nghĩ tích cực thì mọi âm thanh và cảnh vật bị thu hẹp trong thời điểm này đều hướng đến sự an toàn của cả nước. Nếu thế, sao ta phải buồn?

Tia nắng chói chang của những ngày hạ lọt qua khe cửa là thứ vitamin diệu kỳ nhất tôi nhận được trong những ngày giãn cách. Không còn nghe tiếng xe máy lên ga hay tuýt còi inh ỏi, lòng người tự nhiên thấy nhẹ tênh.

Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh - Ảnh 3.

Những cô chú lao công âm thầm thu gom rác thải trong mùa dịch

Thứ âm thanh duy nhất tôi nghe được trong những ngày này có lẽ là tiếng kẻng đổ rác. Nó vang lên đều đặn mỗi chiều. Người dân cũng đã ý thức hơn, chỉ cần ra khỏi cửa nhà là đeo khẩu trang, đổ rác cũng hạn chế tiếp xúc, người nọ nhìn người kia, đảm bảo giữ đúng khoảng cách an toàn.

Dịch bệnh kéo theo sự thất nghiệp, dở dang cho biết bao số phận. Nhưng nếu nhìn vào những chú lao công, cô đổ rác, hay những cán bộ canh giữ trật tự cho đường phố, thì chẳng phải chúng ta vẫn đang an yên và hạnh phúc hơn họ hay sao?

Từng sống 14 ngày trong khu cách ly tập trung của quân đội, tôi hiểu rõ hơn ai hết sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, hay những chú bộ đội trẻ chấp nhận ngủ màn trời, chiếu đất để nhường chỗ ở cho chúng tôi.

14 ngày đó tôi chẳng thể nào quên hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp của những cán bộ trong khu cách ly. Lớp áo bảo hộ của các anh ướt đẫm mồ hôi, mệt lắm thì cũng chỉ biết nằm ra sân cỏ nghỉ tạm, chằng nề hà, ca thán.

Nhiều đôi bàn tay tình nguyện hàng ngày mang cơm lên tận phòng cho chúng tôi, đúng giờ và đều đặn ngày 3 lần; tối đến cũng rất đúng hẹn, 19h là gom rác của các phòng đi tiêu hủy. Vất vả thế nhưng các anh vẫn nở nụ cười. Tôi nhìn thấy điều đó qua ánh mắt hấp háy trên lớp khẩu trang, đôi tay ân cần, chốc chốc lại làm điệu bộ "bắn tim" cổ vũ những đứa con gái nhút nhát, sợ lấy mẫu test Covid-19 như tôi.

Ngoài kia biết bao người tình nguyện xung phong ra tuyến đầu, thế thì việc ngồi yên trong nhà thực hiện giãn cách như chúng tôi nào có khó khăn gì. Mỗi ngày trên đài báo, số lượng ca mắc ngày một giảm, đó chính là niềm vui lớn, nguồn năng lượng tích cực nhất sau mỗi ngày dài quanh quẩn bên 4 bức tường.

Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh - Ảnh 4.

Giãn cách là thời điểm mọi thành viên trong gia đình có nhiều thời gian dành cho nhau hơn

Mùa dịch này, con người chỉ biết trò chuyện với nhau qua chiếc smartphone là chính, bởi đâu thể ra đường hò hẹn mà gặp nhau. Họ kể cho nhau nghe từng hoạt động trong ngày, chuyện chẳng có gì, ấy thế mà vẫn được kể tường tận, hăng say.

Thú vui của con người mùa giãn cách là thế. Khi đã quen với bối cảnh "bình thường mới", người ta quay ra tìm niềm vui bằng cách nấu ăn, làm việc nhà, đọc sách, hay quây quần xem TV rồi hàn huyên bên ấm trà, miếng bánh. Ngày thường, đó là những điều khó lắm mới làm được.

Khi chúng tôi được bình yên trong nhà, cũng là lúc ngoài kia, nơi bệnh viện dã chiến, có biết bao người con, người cha, người mẹ trong gia đình lâu rồi không được về nhà sum họp. Sự hy sinh ấy thắp lên niềm cảm phục và ý chí quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong toàn dân.

Hà Nội những ngày thiếu vắng âm thanh - Ảnh 5.

ATM gạo miễn phí chia sẻ những hạt gạo thơm thảo cho người dân gặp khó khăn trong mùa dịch

Nhiều hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, đâu đó tôi thấy vẫn có những tấm lòng hảo tâm sẻ chia từ từng bữa cơm từ thiện, hay những siêu thị 0 đồng và ATM gạo miễn phí. Còn, còn rất nhiều nghĩa cử cao đẹp nữa người Việt đã và đang lan tỏa cùng nhau.

Những ngày giãn cách, dù buồn đấy, nhưng mọi người đều đang dốc sức chung tay chiến thắng đại dịch. Ai cũng biết rằng chỉ có hết dịch thì cuộc sống đời thường mới sớm quay trở lại với Hà Nội thân yêu. Đặt tay lên ngực, người dân Thủ đô tất thảy đều cầu mong ngày ấy sẽ đến, nhanh, và rất nhanh thôi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.