Hé lộ những mảnh ghép về “nữ chủ” của các hiện tượng tôn giáo mới

11/07/2022 16:20

LTS: Tại Việt Nam các hiện tượng tôn giáo mới (còn gọi là đạo lạ) xuất hiện và phát triển khá nhanh. Cuối những năm 1980 nước ta có khoảng 10 hiện tượng, 2001 lên tới gần 70 loại và hiện có khoảng 100 loại, trong đó người sáng lập/trưởng nhóm và thành phần tin/theo phần đông là phụ nữ...

Các hiện tượng này, một mặt mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân, điển hình cho xu thế tôn giáo cá thể, dân chủ, bình đẳng giới…, song mặt khác cũng gây những tác động tiêu cực trong nhiều mặt của đời sống, xã hội: tạo mâu thuẫn, hoang mang trong gia đình, dòng tộc, xung đột cộng đồng; làm tổn hại tiền của, sức khỏe, tinh thần, xâm phạm tài sản và nhân phẩm của con người nói chung và phụ nữ nói riêng; về phương diện chính trị, an ninh, an toàn xã hội, có hiện tượng bộc lộ khuynh hướng nguy hại, gây tranh cãi cả về mặt luật pháp và thái độ ứng xử...

Do tính chất phức tạp của các hiện tượng và đối tượng tham gia, do sự cấp bách, cần thiết của vấn đề này, mới đây, TW Hội LHPN Việt Nam đã triển khai đề tài nghiên cứu "Tác động của một số hiện tượng tín ngưỡng/tôn giáo mới đối với phụ nữ ở một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng" nhằm tìm hiểu và đưa ra những kiến nghị, giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trong quá trình khảo sát thực địa cho đề tài, một phần những thông tin, câu chuyện liên quan đến các "nữ chủ"- người sáng lập/trưởng nhóm của các hiện tượng đã dần hé mở với mảnh ghép gây nhiều trăn trở...

Bài 1: Nữ chủ của "Hội uống nước nhớ nguồn- Tâm linh đất Việt" với khởi nguồn từ bất hạnh và giấc mơ

Tọa lạc tại thôn Mạc Động, xã Tân Dân, Thị xã Chí Linh (Hải Dương) có một ngôi đền thờ mang tên Phúc Linh. Chủ nhân của ngôi đền là bà Nguyễn Thị Nhung sinh năm 1962 và cũng là người sáng lập (nữ chủ) của một hiện tượng tôn giáo mới...

Từng gặp vấn đề về sức khỏe và 2 cuộc hôn nhân không hạnh phúc

Bà Nguyễn Thị Nhung sinh ra ở Hải Dương trong một gia đình nghèo, đông con với 5 người anh trai và chỉ có mình bà là gái. Khi còn nhỏ, bà còi cọc, xấu xí, người ghẻ lở, bốc mùi… đi đâu cũng bị người ta xa lánh, chê cười, bệnh chữa mãi không khỏi, chậm lớn.

Bà Nhung cho biết, năm bà 10 tuổi, mẹ đã dắt bà đến đền, bảo "trả con lại cho Mẫu, không mang về nuôi nữa". Nhưng tại đền, mẹ bà gặp được người bảo sẽ cho thuốc để bôi lên người. Quay về, mẹ bà làm theo, không hiểu sao một thời gian sau thì bà khỏi bệnh.

Lớn lên, bà Nhung cho biết mình học cũng tốt và thích học nhưng nhà nghèo, bố mẹ muốn cho các anh trai đi học, nên khi đang dở lớp 8, bà phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ đi làm...

19 tuổi, bà Nhung kết hôn lần thứ nhất với người mình yêu nhưng bị gia đình cấm cản... Cuộc hôn nhân của bà gặp nhiều trắc trở rồi nhanh chóng tan vỡ và bà phải trở về sống nhờ bố mẹ đẻ...

Khi bước vào tuổi 24 thì bà tái hôn với một người đàn ông góa vợ, đã có 1 con riêng với hy vọng "rổ rá cạp lại" và bà sẽ được hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống lần nữa "bất công" với bà...

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày tái hôn, bà nhận ra mình lại rơi vào một tầng "địa ngục" mới. Bà phải làm việc vất vả, quần quật với ruộng, vườn, buôn bán hoa quả, hàng xay hàng xáo, không có thời gian và không được chồng cho phép đi hội họp, lễ chùa, sinh hoạt cộng đồng...

Bà còn bị chồng bạo hành. Có lần, bụng chửa vượt mặt vẫn bị chồng cầm gạch đập vào gáy đến ngất đi. Bà cũng từng bị ép 3 lần phải đi xuất khẩu lao động (2 lần đi Đài Loan, 1 lần đi đảo Sip làm nghề giúp việc). Khi tha hương, phải làm công việc hầu hạ người ta, tủi cực, vất vả, có lúc còn bị chủ nhà bỏ đói... Nhưng, tiền lương hàng tháng, bà vẫn không được quản, mà phải gửi về Việt Nam cho chồng.

Năm 2008, khi đang ở đảo Sip, bà bị ốm, đôi mắt dần mù lòa nên về nước... Lúc này bà mới biết tiền mình làm ra, chồng đều đem đi cho người ta. Lấy lý do bà bị mù không còn làm được ra tiền và cũng cần thêm người chăm sóc, người đàn ông ấy đã ép bà phải đồng ý cho ông dẫn một người phụ nữ khác về sống chung trong nhà... Bà Nhung không đồng ý, vậy là vợ chồng bà ly hôn...

Cô đơn, bệnh tật triền miên và khởi nguồn từ giấc mơ kỳ lạ...

Trở lại với câu chuyện về đời sống hôn nhân, bà Nhung cho biết, với người chồng thứ 2, bà sinh được hai người con. Khi gia đình tan vỡ cũng là thời điểm các con dần lớn, không còn ở cùng với mẹ...

Hé lộ những mảnh ghép về “nữ chủ” của các hiện tượng tôn giáo mới - Ảnh 2.

Khả năng "xuất khẩu" thành thơ của "nữ chủ" đã được tập hợp lại, photo ra thành nhiều cuốn như "kinh sách" để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, rao giảng của nhóm...

Trong căn nhà trống trải, chỉ còn lại một mình, bà bắt đầu đối diện với những trận ốm, với đôi mắt mù lòa, cảm giác đau khổ vì bị lừa dối, bị bỏ rơi, mất thăng bằng, không còn niềm tin, không muốn gặp gỡ ai và chỉ biết khóc...

"Có thể nói, những tháng ngày khủng hoảng ấy là cú sốc lớn quyết định để tôi đi vào con đường tâm linh" - Bà Nhung kể - "Sau những đêm khóc nhiều, tôi bắt đầu có những giấc mơ lạ, mơ được về Thiên (về Trời), được gặp Bác Hồ...".

Bà bảo mình còn nhớ chính xác, khi ấy là vào ngày 03/3/2011, lần đầu tiên bà trải qua một giấc mơ lạ kỳ. Từ một người ít học, không biết văn chương, chữ nghĩa nhưng trong giấc mơ, bà thấy mình nhận được một bài thơ lục bát dài nói về các ngài, về đời sống tâm linh...

Tỉnh dậy, bà thấy mình vẫn còn nhớ các câu thơ, muốn cầm bút chép vào tờ lịch – "Trong lúc ghi chép, tôi thấy đôi mắt đã nhìn được mờ mờ...". Những ngày sau đó, nương theo giấc mơ và cũng tự thấy sức khỏe, đôi mắt dần tốt hơn..., bà tin mình là người nhận được các ngài, được ơn trên, được Bác Hồ phù hộ... Vì vậy, bà bắt đầu lập điện thờ, dẹp bỏ bàn thờ cũ, bốc bát hương mới và thờ ảnh Bác...

Một năm sau đó (năm 2012), bà Nhung quyết định trở thành một "nữ chủ" bằng việc chính thức đặt tên cho ngôi đền của mình là Đền Phúc Linh - Trụ sở nhóm "Nghĩa tình Tâm linh đất Việt", sau đó thì đổi tên thành "Hội uống nước nhớ nguồn - Tâm linh đất Việt".

Bà giải thích rằng việc đặt tên cho "đền riêng" như vậy vì muốn bao hàm ý nghĩa là tạo đường hướng tâm linh riêng của người Việt Nam với sự biết ơn, với đối tượng thờ phụng, đặt niềm tin là thờ Mẫu (mẫu Thiên, mẫu Thoải, mẫu Ngàn), thờ Mẫu Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ), thờ Bác Hồ, thờ các vị anh hùng dân tộc, người có công…

Trong một năm, nhóm của bà tổ chức khoảng 6 buổi lễ lớn vào các dịp như giỗ Mẫu (3/3 âm lịch), giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), dịp 30/5, 1/5, sinh nhật Bác 19/5, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và ngày giỗ Mẫu Hoàng Thị Loan ngày 22/12 âm lịch…

Ban đầu, từ một số ít người trong vùng biết, tìm đến hành lễ, dần dần số lượng tăng lên. Năm 2017, bà Nhung lần thứ 3 xây sửa lại Đền trong khuôn viên vườn nhà với quy mô hoành tráng, to rộng. Tổng số người theo Đền của bà ở thời điểm đông nhất là khoảng hơn 500 người, tập trung ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh và Nam Sách (Hải Dương), trong đó phần đông là những phụ nữ trung niên, cao tuổi, người ốm đau, bệnh tật, người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, trắc trở trong đời sống hôn nhân, gia đình...

Khi họ đến, bà Nhung chủ trì hướng dẫn họ thực hành dâng hương, làm lễ, cầu khấn, giảng kinh (đó là những bài bà tự xuất khẩu thành thơ với những lời răn dạy về phép màu, ơn trên, uống nước nhớ nguồn, thực hành tu tập, cúng lễ, tang ma theo một số hướng tối giản hơn so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống )... Ngoài ra, bà còn là người chủ trì, đứng ra tổ chức cho các "đệ tử" được tham gia những cuộc đi về nguồn, hành hương tâm linh...

Khi được hỏi về những đổi thay kể từ ngày trở thành "nữ chủ", là người lãnh đạo tinh thần của một đường hướng thực hành tâm linh mới, bà Nhung chia sẻ một cách khá ngập ngừng: "Tôi cũng bị áp lực khá nhiều... Chính quyền cũng có những lần nhắc nhở tôi không được tụ tập đông người, làm gì cũng phải tuân thủ đúng pháp luật... Tôi cũng rút kinh nghiệm, chỉ thực hành thờ cúng trong khuôn viên gia đình, khi tổ chức gì đó thì làm đơn, báo cáo... Về phía dư luận xã hội, cũng có người nói này kia, bảo tôi lợi dụng, hành nghề mê tín dị đoan... Nhưng nếu như trước kia, tôi phải sống quá nhiều năm trong bất hạnh, bạo hành, ruồng bỏ…, thì nay đời như sang trang khác bởi đó chính là cảm giác của một người có được quyền năng, sự tự tin và được coi trọng...".

Tại Việt Nam, các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc ngoại nhập chiếm số lượng chỉ khoảng 10%, trong đó điển hình có Thanh Hải Vô Thượng Sư, Nhất Quán Đạo (từ Đài Loan), Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ (từ Hàn Quốc)…; còn lại chiếm số lượng lớn là hiện tượng có nguồn gốc nội sinh với các loại hình khá đa dạng.

Loại gần gũi với Đạo Phật có Long Hoa Tam Muội, Đạo tràng Hồ Chí Minh, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Chân Tu Tâm Kính, Tiên Thiên Phật Nhất giáo, Trung Thiên Vận Hội, Phật Mẫu Địa Cầu, Chân Tâm Bảo Vệ Di tích, Vô Đạo Phật Tổ Như Lai, Đạo Nghiệp Chướng, Hội Phật Trời Vua Cha Hoàng, Hoàng Thiên Long (còn gọi là đạo bà Điền)...

Loại gần với tín ngưỡng dân gian (thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ tổ tiên) có Đoàn 18 Hùng Vương, Thánh Minh Vì Tình Dân Tộc, Lạc Hồng - Âu Cơ, Đạo Trần Hưng Đạo, Khổng Minh Thánh Đạo Hội, Đạo Cội Nguồn; Hội uống nước nhớ nguồn - Tâm linh đất Việt, Mẫu Hoàng Thiên... Loại chưa xác định rõ đường hướng có Tâm linh, Đạo Lẽ Phải, Huynh Đạo, Tiên Nhiên Huynh Kỳ, Đạo Thiên Cơ, Đạo Hoa Vàng...

Bài 2: Nữ chủ của nhóm Mẫu Hoàng Thiên với ký ức 10 năm "ngây dại"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.