Hình ảnh “người mẹ” trong tôn giáo

14/05/2023 08:21
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở chùa Linh Ấn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: Zing

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở chùa Linh Ấn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: Zing

Nhiều tôn giáo kết hợp các truyền thống lấy nữ thần, người mẹ và người phụ nữ làm trung tâm để công nhận và tôn vinh tính nữ thiêng liêng, bao gồm cả vai trò làm mẹ và nuôi dưỡng.

Trong dịp Ngày của Mẹ (năm nay là 14/5), nhiều cộng đồng sẽ tổ chức các sự kiện đặc biệt để đón mừng ngày ý nghĩa này. 

Lịch sử Ngày của Mẹ bắt nguồn từ thời cổ đại khi người Hy Lạp và La Mã tổ chức lễ hội để tôn vinh mẹ của các nữ thần. Tuy nhiên, Ngày của Mẹ ngày nay có nguồn gốc từ Mỹ.

Tôn vinh ý nghĩa Ngày của Mẹ

Ngày của Mẹ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1908 tại Nhà thờ Andrews Methodist ở Tây Virginia và trở thành một ngày lễ được công nhận trên toàn nước Mỹ vào năm 1914. Vào năm này, Tổng thống Woodrow Wilson đã ký một tuyên bố chính thức tuyên bố Chủ Nhật thứ 2 của tháng Năm là Ngày của Mẹ.

Theo thời gian, Ngày của Mẹ dần lan rộng đến nhiều nơi trên thế giới, mặc dù nhiều quốc gia vẫn duy trì ngày và truyền thống về mẹ riêng. Chẳng hạn, Ngày của Mẹ ở Vương quốc Anh được tổ chức vào Chủ Nhật thứ 4 của Mùa Chay, thường rơi vào tháng Ba. Ngày này được gọi là "Ngày Chủ Nhật của Mẹ" và có nguồn gốc lịch sử từ truyền thống Kitô giáo. 

Ở Mexico, Ngày của Mẹ (Día de las Madres) được tổ chức vào ngày 10/5 hàng năm với lễ kỷ niệm có âm nhạc, thức ăn và quà tặng cho các bà mẹ. Ngày của Mẹ ở Thái Lan (Wan Mae) diễn ra vào ngày 12/8, là ngày sinh của Hoàng hậu Sirikit. Ở Indonesia, Ngày của Mẹ (Hari Ibu) được tổ chức vào ngày 22/12, là ngày mà phụ nữ Indonesia tổ chức đại hội phụ nữ lần đầu tiên vào năm 1928.

Các cộng đồng và tôn giáo trên khắp thế giới sử dụng những ngày này để thể hiện tầm quan trọng của công ơn dưỡng dục, từ các lễ kỷ niệm truyền thống đến các sự kiện tôn vinh việc nuôi dạy con cái, các cuộc đấu tranh với hiếm muộn hoặc nỗi đau mất con. 

Tuy nhiên, tình mẫu tử và ơn nuôi dưỡng không chỉ được tôn vinh vào những ngày cụ thể. Nhiều tôn giáo kết hợp các truyền thống lấy nữ thần, người mẹ và người phụ nữ làm trung tâm để công nhận và tôn vinh tính nữ thiêng liêng, bao gồm cả vai trò làm mẹ và nuôi dưỡng.

Hình ảnh "người mẹ" trong tôn giáo

- Phật giáo

Hình ảnh “người mẹ” trong tôn giáo - Ảnh 1.

Quan Âm Bồ Tát

Trong đạo Phật, hình ảnh "người mẹ" thường gắn liền với Quan Âm. Ngài là một vị Bồ Tát có nhiều biến thể tên gọi, được tôn là bồ tát của lòng trắc ẩn và thương xót chúng sanh trong một số truyền thống ở phương Đông. Một điều thú vị là Quan Âm ban đầu có thể là một vị bồ tát nam, hình tượng thân nữ đã được chuyển thể trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Được gọi là Kannon ở Nhật Bản hay Lokesvarak ở Campuchia, Quan Âm thường được thờ phượng trong các đền chùa và cũng được coi là vị bồ tát bảo vệ cho người đi biển và phù hộ cho những người cầu con.

Ngoài Quan Âm Bồ Tát, Lục Độ Phật Mẫu (hay Đức Tara Xanh) cũng được mô tả như "người mẹ" trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng. Ngài từ bi và bảo vệ chúng sanh, thường gắn liền với những phẩm chất nữ tính như nuôi dưỡng, chữa bệnh và trí tuệ. Đôi khi ngài được gọi là "Mẹ của tất cả các vị Phật" vì vai trò của mình trong việc hướng dẫn và hỗ trợ chúng sanh trên con đường giác ngộ.

- Hindu giáo

Hình ảnh “người mẹ” trong tôn giáo - Ảnh 2.

Nữ thần Kali

Nữ thần Kali, một trong những nữ thần nổi tiếng nhất trong Hindu giáo, có lẽ là người ít được hiểu rõ nhất bởi những ý nghĩa và sự phức tạp bên trong. Kali thường được coi là một nhân vật đáng sợ, được miêu tả là sử dụng nhiều vũ khí và mặc quần áo là đầu và cánh tay bị chặt đứt. Tuy nhiên, Kali cũng là một nhân vật người mẹ quan trọng, người hướng sự hung dữ của mình vào việc chăm sóc và bảo vệ mọi tạo vật. Là biểu hiện cho sức mạnh nguyên sơ của Shakti, Kali đại diện cho tất cả các khía cạnh của tình mẫu tử, bao gồm chăm sóc, yêu thương và quyết liệt. Vẻ ngoài có vẻ đáng sợ của Kali chỉ là một khía cạnh trong bản chất đa diện của nữ thần.

Ngoài Kali, trong Hindu giáo còn có nhiều nữ thần khác nhau được tôn kính như người mẹ, mỗi người đại diện cho những khía cạnh khác nhau của tính nữ thiêng liêng, như nữ thần Saraswatinữ thần Parvati. Saraswati gắn liền với tri thức, sự sáng tạo và học tập trong khi nữ thần Parvati, vợ của thần Shiva, người gắn với khả năng sinh sản, tình mẫu tử và hạnh phúc hôn nhân.

- Pagan giáo hiện đại

Với Pagan giáo hiện đại, một thuật ngữ chung cho nhóm đa dạng các phong trào tôn giáo mới phổ biến nhất ở Mỹ, Úc và Châu Âu, nữ thần cũng thường đóng vai trò trung tâm. Các nhánh khác nhau của Pagan giáo hiện đại bao gồm chủ nghĩa tái thiết Wicca và thuyết đa thần Hy Lạp, đây là một tôn giáo tập trung vào các vị thần và nữ thần của Hy Lạp cổ đại.

Tầm quan trọng hàng đầu đối với nhiều người Pagan giáo hiện đại là tam nữ thần, một nhân vật đại diện cho 3 giai đoạn của cuộc đời là thiếu nữ, người mẹ và người phụ nữ già. Đôi khi những nhân vật nữ thần này dựa trên các vị thần cổ đại cụ thể, như Persephone, Demeter và Hekate, và được tôn thờ như biểu tượng hoặc hiện thân của các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời con người, thay vì như các vị thần cụ thể với những câu chuyện và thần thoại riêng.

Nhiều truyền thống Pagan giáo hiện đại đang mở rộng để bác bỏ các ý tưởng về chủ nghĩa bản chất giới và chấp nhận một loạt các bản dạng giới. Đối với một số người Pagan giáo hiện đại, việc khám phá ý nghĩa của tính nữ và tính nam trong xã hội ngày nay là một phần quan trọng trong niềm tin tôn giáo của họ và là cách để bao gồm cả những người bị các cộng đồng tôn giáo khác loại trừ.

- Hồi giáo

Nhiều tôn giáo khác tôn kính nhân vật "người mẹ" ngay cả khi họ không được thờ hoặc coi là nữ thần. Khadija, vợ của Nhà tiên tri Muhammad (người sáng lập Hồi giáo) và là người đầu tiên cải sang đạo Hồi, được gọi là "Mẹ của các tín đồ", đã nói lên tầm quan trọng của bà với sự phát triển của tôn giáo này. Ngoài ra, Hồi giáo cũng rất coi trọng vai trò của người mẹ. Nhà tiên tri Muhammad đã dạy rằng "Thiên đường nằm dưới chân những người mẹ", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kính trọng và tôn vinh người mẹ.

- Thiên Chúa giáo

Hình ảnh “người mẹ” trong tôn giáo - Ảnh 3.

Đức Mẹ Maria

Lòng tôn kính đối với Đức Mẹ Maria (mẹ của Chúa Giêsu) đã phổ biến trong suốt lịch sử của trong Thiên Chúa giáo và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Đức Mẹ Maria được coi là biểu tượng của tình yêu, sự vị tha, biểu tượng của vẻ đẹp tinh khiết và sự toàn vẹn. Bà được tôn kính là Mẹ Thiên Chúa và được coi là mẫu mực của lòng sùng kính và đức tin.

- Do Thái giáo

Trong đạo Do Thái, ý tưởng về "Shekinah" đã ảnh hưởng đến một số tư tưởng tính nữ. Thay vì đại diện cho một người phụ nữ hoặc nhân vật nữ, Shekinah được coi là khía cạnh tính nữ của thần thánh, là đại diện cho những phẩm chất nuôi dưỡng, nhân ái và mẫu tử.

Nguồn: The Conversation

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn