Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Minh Trang
24/05/2021 - 11:28
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa

Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều chương trình, ngày hội để chung tay cùng chị em phụ nữ hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Từ thời điểm phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng nhiều video clip, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn tham gia đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều chương trình, ngày hội để chung tay cùng chị em phụ nữ hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã sáng tạo chuyển đổi phương thức tập huấn hướng dẫn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trình bày/thuyết trình, kiến thức về khởi nghiệp và quản lý tài chính cho tác giả ý tưởng/dự án vượt qua vòng sơ khảo.

Cụ thể, trong 2 ngày 20 và 21/5/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn cho 76 đề xuất dự án/ý tưởng tại 17 tỉnh đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí, được lựa chọn tham gia Cuộc thi cấp vùng tại Hà Tĩnh trong thời gian tới. Đại diện các đề xuất, ý tưởng được nghe giảng viên chuyên gia về đổi mới sáng tạo Nguyễn Đặng Tuấn Minh hướng dẫn các nội dung: hoàn thiện mô hình kinh doanh, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; cách xác định chân dung khách hàng; xây dựng bản đồ giá trị; xác định và đặt thứ tự ưu tiên cho nhu cầu hiện tại…

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trong 2 ngày 20 và 21/5/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã chuyển đổi phương thức tập huấn cho phụ nữ khởi nghiệp tại 17 tỉnh, thành phố sang hình thức trực tuyến

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội 

Thực hiện "Mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế, Hội LHPN các tỉnh/ thành đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh; tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kết nối tiêu thụ sản phẩm...

Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chung kết "Cuộc thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp năm 2021" thu hút 49 đề án, ý tưởng, sản phẩm, mô hình khởi nghiệp tham dự trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin… Trong đó, có 11 ý tưởng, sản phẩm của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, 3 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP. 

Sau vòng thi sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 17 ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất để tham gia vòng thi chung kết. Tại cuộc thi, các thí sinh đã thuyết trình, giới thiệu ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp với các hình ảnh, video ngắn minh họa và trưng bày trực tiếp kết quả đã ứng dụng thực tế trong đời sống xã hội mang lại giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất để tiếp tục đầu tư tham dự Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021" do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức và sẽ được Hội LHPN tỉnh công bố, vinh danh vào dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

Hội LHPN tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo thành công với 100 gian trưng bày, trên 300 sản phẩm khởi nghiệp, OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu biểu... Nhiều hoạt động kết nối nữ doanh nhân, phiên chợ lưu động tại các chung cư được hội phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm an toàn; phụ nữ Hòa bình khai trương cửa hàng giới thiệu nông sản thực phẩm sạch tại huyện Kim Bôi…

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 đã có 1.549 đề xuất dự án/ý tưởng gửi về tham dự cuộc thi. Trong đó: lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp - chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất 54%; lĩnh vực dịch vụ 20%; Tiểu thủ công nghiệp chiếm 11%; Công nghệ (sinh học, môi trường) 2% và các lĩnh vực khác chiếm 13%.

Trong tổng số 1.549 dự án, có 14% là doanh nghiệp, 15% là hợp tác xã, 32% là các mô hình giảm nghèo, 21% là phụ nữ sắp mãn hạn tù và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, 11% hộ kinh doanh là thành viên TYM, phụ nữ khuyết tật chiếm 5%, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV chiếm 1%.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm