Hoa gạo úa cuối sân

Căn nhà bốn tầng cao to, sơn trắng nguy nga như cung điện là của vợ chồng bà Hoa. Đó quả là một nơi lý tưởng để người ta hưởng thụ cuộc sống. Nhưng nữ chủ nhân của ngôi nhà ấy có vẻ không vui...

Bà đang chống cằm nghĩ ngợi, thỉnh thoảng lại buông tiếng thở dài. Bà với tay lấy tách trà, chợt bà cụp mắt xuống, ánh nhìn như bất động và đờ đẫn. Không phải bà nhìn chiếc tách sứ Minh Long đắt tiền. Bà nhìn vết sẹo ở trên tay. Vết sẹo do mảnh chai cứa vào. Dù đã tìm đủ cách tẩy xóa nhưng nó không mất hẳn. Bác sĩ bảo do để lâu ngày, vết sẹo bị chai nên làm mờ được chừng nào hay chừng ấy.

Cuộc điện thoại vừa nghe khiến tâm trí bà xáo động. Nội dung câu chuyện không phải điều gì bất ngờ. Đó là chuyện thỉnh thoảng vẫn lặp lại, nhưng mỗi lần có ai khơi lên, cả người bà Hoa lại căng lên. Là giận dữ, oán thán, hay nuối tiếc, bà cũng không biết nữa. Điện thoại lại đổ chuông, khi nhìn thấy số của chị dâu bà lắc đầu chán nản. Không biết họ lại có chuyện gì nữa, xin tiền hay than khóc rồi kể khổ. Ngón tay dường như không còn chút sức lực nào khi lướt trên màn hình. Người đàn bà cất giọng uể oải. Nhưng bỗng nhiên cơ mặt bà giãn ra. Hai mắt mở to, hoảng hốt. Sau đó, nước mắt bắt đầu rơi trên gương mặt vương giả, đậm son phấn.

Bà Hoa vội vàng lên tầng hai, thu dọn quần áo vào chiếc túi du lịch nhỏ. Những bộ quần áo đắt tiền được nhét vào túi một cách vội vàng. Nhìn vẻ luống cuống của người phụ nữ đang tất bật trong cơn hoảng sợ kia cũng đủ cho người vô tâm nhận ra có chuyện chẳng lành. Đang thu dọn dở, chợt bà Hoa giật mình như nhớ ra điều gì đó. Bà cầm điện thoại lên gọi, nhưng đầu dây bên kia không nhấc máy. Bà vội bỏ điện thoại vào túi, vội vã xuống nhà.

Ngồi trên taxi mà lòng bà Hoa nóng như lửa đốt. Tự dưng bà nhớ đến chuyện xưa, những chuyện mà chính bà tưởng đã quên rồi.

Ngày ấy, bà Hoa chỉ là cô thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi. Bà đã yêu một người đàn ông. Người đó tốt bụng, nhưng phải cái lại nghèo. Con gái nhà danh giá làm sao yêu con nhà "trên răng dưới dép" được! Thế là, cô thiếu nữ ấy đã bị bố nhốt trong buồng nhiều ngày liền. Người cha độc đoán nghĩ chắc chỉ có cách đó mới ngăn đứa con gái của mình không gặp cái thằng hạ lưu ấy.

Hoa gạo úa cuối sân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lúc đó, Hoa đã nghĩ chắc cô sẽ chết đi cho người bố gia trưởng của bà phải hối hận. Tới bữa, cô con gái ương ngạnh vẫn nằm yên trong buồng. Đừng nói tới ăn, Hoa quyết không uống lấy một ngụm nước. Sợ con gái chết đói còn mang tiếng hơn nên ông Đương phải chịu thua và thả con ra.

Nhưng người cha gia trưởng vẫn quyết bắt con ở yên trong nhà. Ngày ngày hết em gái rồi đến cháu họ được cắt cử đến để trông giữ "đứa con gái hư thân mất nết, chỉ biết hú hí với loại chẳng ra gì", theo như lời ông cả Đương nói. Có khi nghĩ quẩn, cô Hoa chỉ muốn nhảy xuống giếng cho xong.

Chỉ có bà Mẫn, người cô ruột là hiểu được nỗi niềm của đứa cháu gái. Thỉnh thoảng, thấy cháu đứng khóc bà Mẫn lại ra an ủi. Nhưng ngoài an ủi thì người cô ấy làm được gì cơ chứ? Bà cũng đâu có tiếng nói để đứng trước anh trai, đứng trước gia tộc, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhà họ Vũ mà tác thành cho đôi trẻ hay nói lời bênh vực đứa cháu gái. Chẳng phải bà cũng không tự quyết định được đời mình đó sao? Vì bốn chữ "môn đăng hộ đối", vì cái họ Vũ này sợ mang tiếng với người làng, mà bà đã mất tất cả.

Lúc đó là vào tháng ba, cây hoa gạo gần nhà thờ đã bắt đầu trổ bông. Những bông hoa đỏ thẫm tới mức nhức nhối. Người làng bảo trước kia hoa cây gạo này không đỏ như vậy. Màu hoa, chỉ đậm hơn màu đĩa xôi gấc trên mâm cúng tất niên một chút. Nhưng không hiểu sao cánh hoa lại mang một màu đỏ thẫm pha một chút sắc tái. Một thứ màu khiến người ta cảm thấy rờn rợn, khác những cây gạo khác trong làng.

Trời trở rét lâm thâm, cái rét tháng Ba, rét của nàng Bân hay cái hơi tàn của mùa đông khắc nghiệt. Thấy đàn kiến cứ vẽ ngang, vẽ dọc, kéo quân khắp sân, người ta biết ngay thể nào cũng sắp mưa. Hôm ấy cả nhà ông cả Đương sang làng bên ăn giỗ, tới chiều tối mới về. Thấy anh trai mặt đỏ như gà chọi, bà Mẫn biết đã đến lúc.

Lấy cớ sang mượn lọ cao, bà Mẫn kéo tuột cô cháu gái vào buồng. Người cô nhìn kĩ đứa cháu một lượt rồi nói bằng giọng hơi run, nhưng nghe rõ từng tiếng đanh và lạnh: "Hoa! Nghe cô này, mày với thằng Vinh mà cứ ở đây thì chẳng bao giờ lấy được nhau cả. Hay là hai đứa trốn đi, đợi vài năm có con cái thì về. Mẹ thằng Vinh mất rồi, nó lại không có bố. Có gì đâu mà vướng bận. Cô đã nhờ người báo cho nó, Vinh nó đồng ý rồi. Tối nay hai đứa phải đi ngay!".

Bà Mẫn dúi vào tay cháu một cuộn tròn tròn, gói trong chiếc khăn mùi soa. Hoa mở cái khăn mùi soa. Từng tờ bạc giấy lấm lem và hai chỉ vàng sáng lên trong bóng tối. Bà Mẫn nói với cháu gái trong nước mắt: "Ngày xưa cô không có cái gan này nên giờ đây mới khổ. Hai đứa gắng sống cho hạnh phúc".

Đêm đó, đang trèo tường để trốn ra ngoài cùng Vĩnh thì nghe tiếng chó sủa dữ dội. Luống cuống Hoa bị mảnh chai trên bờ tường cứ đứt tay. Cái sẹo còn đến bây giờ.

Đầu óc đang ở một phương nào đó rất xa thì tiếng chuông điện thoại kéo bà Hoa về với thực tại. Là chồng bà, ông Vinh gọi điện. Cơ mặt bà giãn ra sau khi ông ấy nói sẽ thu xếp để về quê sớm. Mong là được gặp mặt cô Mẫn lần cuối.

***

Người đời nói chẳng sai: có tuổi thì không khác gì cái lá vàng, chẳng biết về với tổ tiên lúc nào. Mấy hôm trước bà Mẫn còn khỏe là thế, mà chỉ một trận cảm là gục ngay. Bà không biết mình đang ở nơi nào còn trên dương gian hay là về bên kia với bố bà, với tổ tiên họ Vũ rồi. Thỉnh thoảng, bà nghe thấy tiếng cái Lài, còn có cả cái Mai khóc i ỉ bên tai, bảo bà phải cố chờ cái Hoa về.

Hoa gạo úa cuối sân - Ảnh 2.

Nhưng bẵng đi một lúc, bà lại thấy tất cả im ắng; mờ mờ, ảo ảo như chìm vào cõi khác. Bà thấy bố bà, thấy các anh bà với gương mặt hằm hằm giận dữ. Bà thấy cảnh anh Đính lấy đũa cả ngáng miệng bà ra, đổ bát thuốc vừa đắng vừa chát vào miệng bà. Bà đã cố cắn chặt hai hàng răng lại nhưng không thể. Anh Đính vốn là người to con, vạm vỡ. Bàn tay anh to như thể tay hộ pháp và cứng như hai gọng kìm. Lúc nghe tiếng bố bà thét: "Bóp mồm nó ra", anh trai bà đã dùng hết sức để bóp chặt miệng em gái ra để ngáng đũa cả vào.

Thứ nước đó chảy đến đâu, cổ họng bà bỏng và rát tới đó. Đó là nước sắc của rễ cau và vôi, được dùng để phá thai. Đó là thứ nước giết người! Họ muốn giết đứa con trong bụng bà. Đứa bé không có quyền làm người chỉ vì ông nội nó là người ở trong nhà họ Vũ, bố nó là người làm công cho nhà họ Vũ. Thế thì nó không có tư cách làm người, mà nhất là làm cháu ngoại nhà họ Vũ danh giá này lại không thể. Từ khi còn làm một giọt máu trong cơ thể người mẹ, với nhà họ Vũ nó đã là cái giống oan nghiệt rồi.

Để giữ thanh danh cho nhà họ Vũ, con của bà buộc phải chết. Từ khi biết mình có mang, người mẹ ấy đã không ngừng lo sợ. Bà đã cố nịt bụng lại, cố nhịn cơn nghén khiến ruột gan như muốn lộn cả ra ngoài, để giấu giếm sự có mặt của đứa trẻ tội nghiệp này. Nhưng giấu được ngày một, ngày hai chứ đâu có thể giấu được mãi. Mọi chuyện cuối cùng cũng bại lộ. Mặc dù Lẫm đã đến nhà bà van lơn để xin cưới, dù bị nhà vợ bắt ở rể, làm không công cũng xin chịu, nhưng bố bà vẫn nhất quyết cho rằng người con trai ấy là cái thứ bần tiện "đũa mốc mà dám chòi mâm son".

Ông cụ lấy ba toong đáng vào đầu Lẫm. Lẫm ôm đầu, máu túa đầy năm kẽ ngón tay. Từng giọt, tường giọt rớt xuống bông hoa gạo úa đầu tiên của mùa. Hai thứ màu đỏ nhức nhối quyện lấy nhau.

Hai hôm sau, trưởng tộc nhà họ Vũ ép con gái phá thai. Uống xong cái thứ nước giết người ấy một lúc thì bụng dưới của bà đau quặn lên từng cơn. Cô Mẫn biết đứa con khốn khổ ấy đã bỏ mẹ nó mà đi rồi.

Mặc dù cơn đau như xé toang dạ con, nghiền nát hết cả ruột gan, nhưng Mẫn không dám lăn lộn. Người mẹ ấy nằm cuộn người lại, cố nén đau mong đứa con sẽ gắng gượng được. Nhưng cửa mình cô chợt căng tức, bụng dưới cô như thể một cái khăn bông và ai đó đang xoắn nó lại rồi lấy dao đâm nhiều nhát. Máu chảy ướt đẫm đũng quần. Một lát sau đứa con rời bỏ cơ thể cô. Rời bỏ ngôi nhà an toàn nhất với nó. Nó đã thành hình người với cái thân hình bé xíu nằm ngập trong vũng máu. Người nhà họ Vũ chôn nó dưới gốc cây gạo. Nếu còn sống thì bây giờ nó đúng bằng tuổi cái Hoa.

Để trả thù nhà họ Vũ; cô Mẫn, người con gái đẹp nhất làng Tế ở vậy cả đời. Mỗi lần nhìn lên bàn thờ với đỉnh đồng, lư bạc, đôi hạc đứng chầu và nghi ngút khói hương, trong lòng cô trào lên nỗi uất hận.

***

Lúc bà Hoa về đến nơi thì bà cụ Mẫn đã yếu lắm rồi. Chị dâu bà nói mấy ngày nay, bà cô chẳng ăn được thứ gì. Đút thìa nước cháo vào cũng trào ra hết. Bà Hoa nắm tay người cô tội nghiệp, khẽ gọi: "Cô ơi, cháu là Hoa này. Cháu về thăm cô đây, cô dậy nói chuyện với cháu đi cô". Bà Mẫn ú ớ mấy tiếng rồi từ từ mở mắt. Bà khẽ thuề thào: "Hoa đấy hả? Thằng Vinh đâu? Nó có thương con không?". Bà Hoa gạt nước mắt, khẽ đáp: "Nhà con đi công tác, chắc tí nữa mới về tới nơi cô ạ."

Độ nữa tiếng sau thì ông Vinh về đến nơi. Người đàn ông thành đạt bước vào tuổi ngũ tuần ấy có phong thái rất đường bệ. Trước kia không ai chấp nhận cho ông cưới con gái nhà họ Vũ. Nhưng bây giờ mấy vị cao niên trong cái họ Vũ này ai cũng phải nể ông Vinh mấy phần. Từ ông trưởng tộc trở đi. Cách đây mấy tháng, cháu trai nhà họ Vũ trộm cái lư hương bằng đồng đen trong nhà thờ họ đem đi bán. Để mọi việc không bung bét ra, chính ông đã phải nhờ người quen dò la rồi bỏ tiền túi ra chuộc về. Công lớn như vậy, họ không nể ông mới là lạ!

Thấy chồng bước vào, bà Hoa ngồi dịch sang một bên. Ông Vinh đến bên giường ân cần trò chuyện với người cô ruột của vợ. Lúc ngồi gần chồng, bà Hoa để ý trên cổ áo ông có vết son môi.

***

Đám ma bà Mẫn đều do một tay cô cháu gái đứng ra lo liệu. Đám ma rất to. Lo xong cúng ba ngày cho cô ruột, bà Hoa mới về Hà Nội. Buồn vui, sướng khổ rồi cũng qua một kiếp người. Có đôi có cặp, hay cô độc tới già, sướng hay khổ mấy chuyện đó ở đời nào ai tỏ tường cho được.

Tháng ba, hoa gạo, những bông hoa gạo đỏ thẫm như máu lại rụng xuống sân nhà họ Vũ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.