Hòa mình vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Dao ở miền Sán Cố

Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình về miền Sán cố người Dao tại bản Tầm Làng, xã Quảng An.

Sán Cố là lối hát dao duyên từ bao đời nay của đồng bào Dao ở xã Quảng An, huyện Đầm Hà. Quảng An nơi có 9 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Dao đông nhất chiếm 55%.

Ở bản Tầm Làng 100% người dân đều là dân tộc Dao. Bà con nơi đây đã biết bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao và cảnh đẹp nên thơ của quê hương mình, trong đó có làn điệu Sán Cố là lối hát dao duyên của người Dao. Những giá trị bảo tồn này đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm.

Hòa mình vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Dao ở miền Sán Cố  - Ảnh 1.

Phụ nữ chọn mua chỉ về thêu hay mua một sản phẩm đã được làm sẵn

Ở một số vùng khác, thường chỉ người tuổi trung niên trở lên mới mặc quần áo truyền thống, nhưng đến xã Quảng An, nhiều đứa trẻ cũng mặc quần áo truyền thống dân tộc mình. Để người dân luôn có những bộ quần áo mới, vừa qua, xã Quảng An đã thành lập CLB May thêu trang phục dân tộc Dao với 16 thành viên.

Trước đó tháng 10/2022, xã Quảng An cũng đã thành lập CLB Hát Sán cố với 15 thành viên. Trước đây, Sán cố được các đôi trai gái hát với nhau bên bìa rừng, bên chân ruộng bậc thang hay bên gốc cây, bờ suối thơ mộng. Ngày nay, xã đã có CLB Hát Sán cố, bà con sinh hoạt hàng tuần tại các nhà văn hóa xã, thôn.

Bà Chíu Tài Múi năm nay đã 55 tuổi nhưng vẫn tham gia CLB May thêu trang phục dân tộc Dao xã Quảng An. Bà Múi chia sẻ: Ngày nay, cuộc sống mưu sinh bận rộn nên lớp trẻ thường không thích bỏ nhiều công sức may thêu trang phục, vì thế người tuổi cao như chúng tôi rất cần duy trì nghề truyền thống này, ai có nhu cầu học hỏi chúng tôi rất sẵn sàng truyền nghề. Chúng tôi rất mong muốn lớp trẻ sau này không bao giờ quên nghề truyền thống mà ông, bà, cha, mẹ chúng đã giữ gìn.

Cũng theo bà Múi, để thêu được bộ trang phục nữ người Dao không hề đơn giản, đầu tiên phải có những sợi chỉ màu và cây kim dài chừng 5cm. Khó nhất là thêu các họa tiết hình sông, núi, sóng nước… trên áo đòi hỏi phải rất tinh tế, công phu. Nghề thêu đều do mẹ truyền con nối, kỹ năng thêu là thách thức bắt buộc với người phụ nữ Dao - để đánh giá sự trưởng thành của họ.

Hòa mình vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Dao ở miền Sán Cố  - Ảnh 2.

CLB May thêu trang phục dân tộc Dao xã Quảng An thu hút các bà, các mẹ tham gia

Dù có nhiều năm Quảng An nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, thế nhưng các dân tộc ở xã luôn phát huy tốt bản sắc dân tộc mình, thể hiện rõ qua các văn hoá, ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng.

Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho xã hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống… Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống cũng đã góp phần tạo nên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị cho Quảng An.

Hòa mình vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người Dao ở miền Sán Cố  - Ảnh 3.

Trẻ em cũng mang ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Quảng An có diện tích tự nhiên 59,4 km2, nhưng chủ yếu là đồi núi cao và hơn 1.370 ha rừng phòng hộ. Xen kẽ rừng đồi là những con sông, suối, thác nước và những đồi sim tự nhiên.

Vào mùa hè, đến Quảng An, du khách còn được trải nghiệm mùa sim ra hoa và cho quả chín. Bản Tầm Làng còn sở hữu nhiều thác nước, trong đó thác Bạch Vân, thác Tình Yêu đã được khai thác du lịch, nhưng thác Hàm Rồng vẫn đang chờ được đánh thức.

Quảng An có 9 dân tộc, mỗi dân tộc đều có vẻ đẹp mang sắc thái riêng

Đến với bản Tầm Làng, xã Quảng An, du khách không chỉ dập dìu trong các điệu Sán Cố mà còn được nghe các cô gái Sán Chỉ hát Soóng cọ, các cô gái Thái hát Then, chơi đàn tính. Đôi khi họ còn mời bạn thưởng thức ẩm thực núi rừng, có món thịt trâu gác bếp, món măng mai vừa ngọt lại vừa giòn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.