Hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc

29/11/2021 06:20
Khám chữa bệnh từ thiện tại Tuệ Tĩnh đường chùa Bửu Sơn (Gia Lai). Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nhật

Khám chữa bệnh từ thiện tại Tuệ Tĩnh đường chùa Bửu Sơn (Gia Lai). Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nhật

Theo ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động chăm sóc người bệnh thể hiện trách nhiệm, triết lý từ bi, bác ái, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tiến Trọng đưa ra tại Hội thảo khoa học "Tôn giáo với công tác chăm sóc người bệnh", do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức mới đây. Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người bệnh. Hoạt động này tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như TPHCM, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng…

Về tổng thể, hoạt động chăm sóc sức khỏe của các tổ chức tôn giáo đã ngày càng hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật và nội quy, tôn chỉ của tổ chức tôn giáo. Nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ và đóng góp công sức, tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, người nghiện ma túy.

Đặc biệt, thời gian qua, việc chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 của các tình nguyện viên tôn giáo đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt an sinh xã hội, đồng thời thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc - Ảnh 1.

Các nữ tu Công giáo lên đường vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4

Cụ thể, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cùng với việc tích cực tham gia tặng quà, suất ăn miễn phí và ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, nhiều chức sắc, chức việc, tăng, ni… của các tôn giáo đã trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Đại diện các tôn giáo này đã trực tiếp chăm sóc và hỗ trợ chăm sóc người mắc Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 như cho bệnh nhân ăn uống; thay đồ, vệ sinh cá nhân cho những người không tự phục vụ được bản thân; động viên tinh thần người bệnh… Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ tôn giáo tình nguyện trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch.

Cùng sẵn sàng vào các điểm nóng của dịch bệnh, trong cuộc sống thường ngày, các tôn giáo cũng tích cực chăm sóc và hỗ trợ người bệnh. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện đạo Công giáo có 3 loại hình chăm sóc người bệnh đang triển khai trên phạm vi cả nước, bao gồm chăm sóc người mắc bệnh phong, khám chữa bệnh đa khoa và chăm sóc người bệnh hiểm nghèo. Các hoạt động trên được chức sắc, chức việc và tín đồ… đạo Công giáo triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần động viên, nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo.

Còn ThS Nguyễn Thị Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cao Đài, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, đạo Cao Đài có 93 cơ sở phòng thuốc nam khám chữa bệnh từ thiện, 135 cơ sở bốc thuốc, 2 cơ sở chăm sóc người bệnh tại chỗ. Những năm qua, những cơ sở này đã khám bệnh, phát thuốc, cũng như chăm sóc người bệnh miễn phí cho hàng chục nghìn người dân.

Cũng như các tôn giáo trên, Phật giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… có nhiều hoạt động khám, phát thuốc miễn phí cho người dân. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nan, hiện Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 01 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hàng năm.

Một trong những Tuệ Tĩnh đường hoạt động hiệu quả là Tuệ Tĩnh đường chùa Phúc Long (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tuệ Tĩnh đường vừa mở cửa trở lại vào ngày 21/11 vừa qua, sau một thời gian gián đoạn hoạt động. Được thành lập từ năm 2015, Tuệ Tĩnh đường chùa Phúc Long là địa chỉ được nhiều bệnh nhân tin tưởng, tìm đến để chữa các bệnh ngoài da và xương khớp. Tuệ Tĩnh đường mở cửa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, khám chữa bệnh bằng phương pháp điều trị gia truyền kết hợp sử dụng thuốc Đông y. Tất cả bệnh nhân đến khám, điều trị tại Tuệ Tĩnh đường đều được miễn phí. Với tinh thần vừa chữa thân bệnh, vừa chữa tâm bệnh, các lương y đều không quản ngại vất vả, quan tâm bệnh nhân như người nhà.

Hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc - Ảnh 2.

PGS.TS Chu Văn Tuấn

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, hoạt động chăm sóc người bệnh của các tôn giáo ở Việt Nam là nguồn lực quan trọng, góp phần giảm bớt gánh nặng của Nhà nước, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh và gia đình của họ.

Đồng quan điểm trên, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết, các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động chăm sóc người bệnh thể hiện trách nhiệm, triết lý từ bi, bác ái, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, bên cạnh đó là nhu cầu tự thân của các tôn giáo phù hợp với đường hướng và phương châm hành đạo, đồng thời biểu hiện chức năng xã hội mà các tôn giáo đang dấn thân tham gia, chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đem lại sức khỏe cho nhân dân.

"Thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ Nội vụ về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phát huy giá trị, nguồn lực của các tôn giáo trong đời sống xã hội nói chung, trong công tác chăm sóc người bệnh nói riêng", ông Nguyễn Tiến Trọng cho biết.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn