Học sinh dân tộc thiểu số háo hức bước vào năm học mới

05/09/2022 06:30

Nhiều học sinh dân tộc thiểu số tại những điểm trường xa xôi, hẻo lánh nhất ở khắp mọi vùng miền Tổ quốc đã chào đón năm học mới với những nụ cười rạng rỡ trên môi.

Khai giảng ở nơi không điện, không nước sạch

Điểm trường thôn 5 Tu Nấc là một trong 15 điểm trường khó khăn, chưa có đường giao thông của xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Nơi đây có 54 học sinh đồng bào Xơ Đăng (đa phần là con của các hộ nghèo) sống biệt lập trên núi.

Niềm vui ngày khai giảng của học sinh người dân tộc Xơ Đăng ở điểm trường thôn 5 Tu Nấc (xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Theo VTV, thôn 5 Tu Nấc cũng được gọi là thôn 2 không "không điện lưới, không nước sạch", nước sinh hoạt được dẫn từ núi về lúc có lúc không. Bữa ăn chưa đủ, việc học hành dựa cả vào thầy cô.

"Từ huyện lên tới đây chắc khoảng 3 tiếng đồng hồ (1 tiếng đi xe máy, 2 tiếng đi leo núi). Thức ăn thì mỗi giáo viên lại tự mua dưới huyện mang lên đây để ăn sinh hoạt hàng ngày. Mọi sinh hoạt đều rất khó khăn nhưng thầy cô giáo vẫn cố gắng bám bản, bám lớp để dạy cho các em con chữ"- cô giáo Nguyễn Thị Têu, giáo viên điểm trường chia sẻ.

Nhờ sự vận động của thầy cô giáo, giờ đây các em học sinh đều đã có ý thức đi học và ngày một yêu trường, yêu lớp, háo hức bước vào năm học mới.

170 em học sinh tiểu học ở vùng khó khăn nhất tỉnh Đắk Nông vào năm học mới

Sáng 4/9, trường Tiểu học La Văn Cầu đã tổ chức lễ khai giảng cho gần 170 học sinh tại phân hiệu cụm dân cư số 8, xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông).

Ông Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học La Văn Cầu cho hay do điểm trường tại cụm dân cư số 8 nằm cách điểm trường chính gần 10km, giao thông đi lại rất khó khăn. "Đang mùa mưa cao điểm, việc tổ chức khai giảng sớm nhằm tạo điều kiện cho các em đỡ vất vả di chuyển đến điểm trường chính"- ông Phong cho hay.

Theo PLO, điểm trường này có 100% học sinh là đồng bào dân tộc Mông. Trước ngày khai giảng, các thầy cô giáo trong trường đã phối hợp với các trưởng cụm đến từng nhà vận động, thông báo cho phụ huynh đưa con đến điểm trường để làm lễ khai giảng.

Học sinh dân tộc thiểu số háo hức bước vào năm học mới - Ảnh 2.

Lễ khai giảng sớm tại điểm trường khó khăn nhất ở Đắk Nông.

Tháng 9/2020, điểm trường tiểu học La Văn Cầu nhận bàn giao năm phòng học. Toàn bộ kinh phí xây dựng đều do các mạnh thường quân đóng góp. Năm nay điểm trường có 170 học sinh (gồm hai lớp 1, một lớp 2 và một lớp 3).

Giáo viên vùng đất "nhiều khó" huyện Tủa Chùa đến từng nhà vận động học sinh đến lớp

Đóng ở địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), xã Trung Thu nhiều năm nay được biết đến là vùng đất "nhiều khó" (điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, điện lưới, mạng internet, sóng điện thoại…). Năm nào cũng vậy, để có được một ngày khai giảng trọn vẹn, đảm bảo số lượng học sinh, giáo viên ở đây phải tất bật từ nhiều ngày trước đó.

Theo GD&TĐ, năm học này, cô giáo Mùa Thị Thái chủ nhiệm lớp 1A1, với 27 học sinh. Vì các em ở rải rác nhiều thôn, cách nhau gần chục km, nên những ngày qua cô Thái gần như thường trực trên các cung đường và nhà dân.

Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều phụ huynh bận việc nương rẫy, không dành nhiều sự quan tâm đến chuyện học hành của con. Để chủ động đảm bảo đủ số lượng học sinh đầu năm, ngay từ tháng 8 các thầy cô phải đến từng nhà, thậm chí lên tận nương, rẫy gặp gỡ cha mẹ các em. Nhiệm vụ chủ yếu là để nhắc nhở, vận động học sinh nhớ ngày trở lại trường. Đồng thời vừa nắm bắt tình hình, chủ động lên phương án đưa đón đối với các trường hợp đặc biệt.

Học sinh dân tộc thiểu số háo hức bước vào năm học mới - Ảnh 3.

Giáo viên vui mừng đón học sinh tới trường.

Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu năm nay đón 525 học sinh, 100% là con em người Mông. Trong đó, có 358 em nhà cách xa trường phải ở nội trú. Giáo viên chủ nhiệm các lớp có nhiệm vụ rà soát số lượng học sinh lớp mình dựa trên danh sách có sẵn. Theo đó, nhà trường sẽ lập thành các nhóm, phân theo thôn để đến tận nhà huy động học sinh còn vắng mặt ra lớp. Giao thông ở đây khó khăn, bà con sống rải rác nên nhiệm vụ này mất rất nhiều thời gian.

Ngay khi học sinh nhập trường sẽ được giáo viên hướng dẫn, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ, học tập nội quy, nhận sách giáo khoa… Đặc biệt là đối với học sinh lớp 1, do mới bắt đầu xa gia đình để làm quen với môi trường, nề nếp mới. Các giáo viên thường xuyên túc trực để hỗ trợ học sinh. Từ việc gần gũi để hướng dẫn các em nề nếp sinh hoạt, cho đến tâm sự, động viên, ổn định tâm lý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.