Hội LHPN huyện Cư M'gar: 3.000 “Vườn rau hạnh phúc” kịp phục vụ Tết

26/01/2022 12:37
Hướng dẫn hội viên phụ nữ DTTS kỹ thuật trồng rau an toàn.

Hướng dẫn hội viên phụ nữ DTTS kỹ thuật trồng rau an toàn.

Công trình 3.000 mô hình “Vườn rau hạnh phúc” do Hội LHPN huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) phát động trong hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, cải thiện bữa ăn gia đình của hội viên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Công trình 3.000 mô hình "Vườn rau hạnh phúc" là hoạt động cụ thể hóa cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ DTTS", chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, của Hội LHPN huyện Cư M'gar. Công trình đã phát động được 1 tháng, nhiều vườn rau đã bắt đầu cho thu hoạch trong mùa Tết.

Theo đó, các Hội LHPN các xã, thị trấn, hội phụ nữ Công an huyện ký cam kết triển khai thực hiện các mô hình tại địa bàn. Các đơn vị sẽ tuyên truyền phổ biến cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS những kiến thức cơ bản về cách lựa chọn trồng các loại rau, củ, quả phù hợp với thời tiết khí hậu của từng mùa vụ, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trồng rau an toàn. Từ đó cải thiện bữa ăn của gia đình, đồng thời cung ứng ra thị trường, tăng thu nhập...

Hội LHPN huyện Cư M'gar (Đắk Lắk): 3000 mô hình “Vườn rau hạnh phúc” đã kịp vụ Tết - Ảnh 2.

Hội LHPN huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) phát động công trình 3.000 mô hình “Vườn rau hạnh phúc”

Hội LHPN huyện Cư M'gar còn trao tặng 4.000 túi hạt giống và vận động mạnh thường quân hỗ trợ phân bón hữu cơ để hỗ trợ chị em xây dựng mô hình. Công ty Phân bón sinh học Nam Long hỗ trợ sản phẩm phân bón hữu cơ cho các mô hình "Vườn rau hạnh phúc" với tổng diện tích 20.000m2, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho 100 hộ gia đình tại mô hình điểm của huyện các sản phẩm phân bón sinh học hữu cơ và hướng dẫn hội viên sử dụng đúng cách.

Chị H'Rom Niê, hội viên phụ nữ buôn Sah B (Ea Tul, Cư M'gar, Đắk Lắk), phấn khởi cho biết: "Bình thường, nhà mình có trồng rau nhưng không nhiều, chỉ có 1-2 luống thôi. Từ khi chị em trong buôn được Hội phụ nữ hỗ trợ hạt giống, phân bón, chị em hào hứng lắm, ai cũng xới đất, làm luống để trồng hết. Mình trồng rau trước nhà thôi với các loại rau như: Xà lách, cải xanh, cải ngọt… Tết chắc rau kịp ăn rồi, đỡ tiền đi chợ và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Khi tham gia mô hình thấy vui lắm, mỗi khi đi làm về thấy rau lên đẹp lắm. Mình mong muốn Hội phụ nữ nhân rộng mô hình này sang các buôn khác để mọi người cùng có cái ăn, cùng làm kinh tế và có nhiều vườn rau hạnh phúc hơn. Từ đó, chị em được cải thiện cuộc sống, thay đổi tư duy".

Cùng chung tâm trạng phấn khởi, chị H'Hương Niê, hội viên phụ nữ buôn Phơng (Ea Tul, Cư M'gar, Đắk Lắk) cũng bắt đầu thu hoạch rau từ mô hình "Vườn rau hạnh phúc". Trước kia, khu vườn của chị chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, vườn cà phê đã già cỗi và năng suất thấp. Nhân cuộc vận động làm "Vườn rau hạnh phúc" do Hội LHPN huyện Cư M'gar phát động, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng rau.

Hội LHPN huyện Cư M'gar (Đắk Lắk): 3000 mô hình “Vườn rau hạnh phúc” đã kịp vụ Tết - Ảnh 3.

Cán bộ Hội hướng dẫn hội viên cách chăm sóc rau

"Khi Hội phụ nữ ở xã, huyện phát động là mình đăng ký tham gia ngay. Vườn cà phê năng suất không cao nữa nên mình chuyển đổi sang trồng rau. Sau này rau nhiều thì mình bán cho mọi người. Hội còn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ hạt giống và phân vi sinh, mình rất cảm ơn. Rau hôm nay hái ăn dịp Tết được rồi. Hàng xóm xung quanh ai cũng làm cả. Người làm 1-2 luống, có người làm cả vườn lớn. Mình cảm thấy rất phấn khởi, ngày nào mình cũng ra vườn vừa chăm vừa ngắm rau", chị H'Hương Niê chia sẻ.

Chị Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M'gar, cho biết: "Trong quá trình đi cơ sở, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình phụ nữ DTTS chưa có vườn rau để tự phục vụ cho bữa cơm gia đình. Vậy nên, Hội đã tiến hành kế hoạch, vận động và hỗ trợ cho chị em làm vườn, làm rau. Hỗ trợ giống, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ phân bón sinh học, kỹ thuật chăm sóc rau. Hội còn hướng tới việc liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho chị em, giúp chị em có thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Nhìn chung, chị em rất hào hứng tham gia".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.