Hội LHPN Việt Nam có 7 điểm đóng góp được tiếp thu đưa vào dự án luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Hải Yến - Hải Hòa (thực hiện)
28/05/2022 - 13:44
Hội LHPN Việt Nam có 7 điểm đóng góp được tiếp thu đưa vào dự án luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trả lời phỏng vấn Báo Phụ nữ Việt Nam bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV

Bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận.
"Không có bạo lực gia đình" thành một tiêu chí trong Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"

+  PV: Thưa bà, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực, hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về chức năng, vai trò của tổ chức Hội phụ nữ - cơ quan đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em những năm qua?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ và hội viên, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Có thể nói, hoạt động của Hội LHPN Việt Nam đã góp phần tích cực vào kết quả 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ nữ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thể hiện ngày càng rõ hơn, mạnh mẽ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ - Ảnh 1.

Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa trái) trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận.

Cụ thể, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong phòng, chống bạo lực gia đình, bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Có thể kể đến một số việc như:

(1) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng cơ sở tư vấn về Phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ;

(2) Đưa "Không có bạo lực gia đình" thành một tiêu chí trong Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" để chỉ đạo thực hiện toàn quốc;

(3) Chỉ đạo Hội Phụ nữ cấp cơ sở duy trì hơn 30.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, cấp TW duy trì hoạt động 2 Ngôi nhà Bình yên, tư vấn hỗ trợ đời sống, tâm lý, pháp lý cho hàng ngàn nạn nhân bạo lực gia đình;

(4) Chủ động nghiên cứu, tham gia xây dựng và giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình.

(5) Đặc biệt, Hội ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ thông qua việc kịp thời lên tiếng, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, chủ động ký kết phối hợp với các cơ quan tố tụng trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, các mô hình đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em từ trong gia đình… Nhiều vụ việc nổi lên gần đây liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em đã được Hội phát hiện, lên tiếng bảo vệ.

+ PV: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là rất nhiều. Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn, do phần lớn phụ nữ bị bạo lực còn e ngại, nhiều chị thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đối với những người có hành vi bạo lực gia đình. Vậy việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Bạo lực gia đình đã tồn tại dai dẳng trong xã hội với những hệ lụy kéo dài đối với nạn nhân và con cái của họ.

Thời gian qua, vấn đề này đã có những phát sinh mới đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh, chẳng hạn như Luật lần này sẽ làm rõ và bổ sung một số khái niệm liên quan đến bạo lực gia đình, bổ sung hành vi bạo lực phù hợp với những dạng thức bạo lực mới mà luật hiện hành chưa quy định, tái cấu trúc các quy định nhằm tăng cường hiệu quả công tác tư vấn, hoà giải phòng, chống bạo lực, nâng cao chất lượng hỗ trợ và đảm bảo quyền cho người bị bạo lực nhất là nhóm yếu thế, bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, xác định cụ thể trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã, xã hội hoá trong phòng chống bạo lực…

Những vấn đề được đưa vào trong dự án luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 06 ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm, là môi trường phát triển an toàn của mỗi thành viên, đồng thời tương thích với những điều ước chúng ta đang cam kết với quốc tế.

Hội LHPN Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào dự án Luật

+ PV: Bà đánh giá gì về những nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi trong kỳ họp này?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Qua nghiên cứu dự án luật lần này, điều đáng mừng là cơ quan soạn thảo đã tiếp thu có chọn lọc và đầy đủ các ý kiến của các cơ quan ban ngành. Hội LHPN Việt Nam đã tham gia 22 điểm và có 7 điểm được tiếp thu đưa vào dự án luật lần này. Dự án luật lần này đã kế thừa những quy định được thực hiện hiệu quả trong 15 năm qua của luật hiện hành, đồng thời bổ sung nhiều quy định mới phù hợp, cụ thể, tương thích với các quy định pháp luật có liên quan.

Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ - Ảnh 2.

Hội LHPN Việt Nam đã tham gia 22 điểm và có 7 điểm được tiếp thu đưa vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

+ PV: Bà đánh giá những sửa đổi lần này đã bao quát được vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, đảm bảo tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng chống bạo lực gia đình hay chưa?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Có thể nói, các vấn đề sửa đổi đã bước đầu bao quát được việc phòng, chống bạo lực trong tình hình mới, theo đó xác định những hành vi theo dạng thức mới của bạo lực, tăng cường công tác tư vấn, hoà giải, truyền thông, giáo dục, tăng cường phối hợp liên ngành và xã hội hoá trong phòng chống bạo lực gia đình…

+ PV: Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam làm gì để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình một cách thiết thực, hiệu quả, thưa bà?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Ngay trong Điều 33-34 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định rõ trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội.

Để tham gia thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam đã đề ra những kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, thực hiện:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy, tuyên truyền để công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên, đặc biệt cho phụ nữ được nâng lên, có nhận thức toàn diện hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, để mỗi người phụ nữ đều nhận thức được quyền và trách nhiệm của họ trong việc thực hiện luật.

Thứ hai, Hội LHPN Việt Nam không chỉ duy trì những mô hình hiện đang có của Hội mà còn tiếp tục đề xuất chính sách, các cấp chính quyền quyền địa phương nhân để làm sao những mô hình này được nhân rộng lên, phát huy được tác dụng trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc để tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, tiếp tục phát hiện các vấn đề trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật, có đề xuất để việc thực hiện Luật trong đời sống được tốt nhất.

Thứ tư, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ và hội viên thông qua việc tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, chăm lo, bảo vệ, lên tiếng khi phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Chúng tôi hy vọng rằng, Hội LHPN Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm, đồng thuận của phụ nữ cả nước và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cấp để Hội có thể thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong thời gian sắp tới.

+ PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm