Hơi thở của giếng làng

09/01/2022 22:05
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Giếng làng thường được coi như mắt rồng hoặc long mạch của rồng, không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân từ xa xưa mà còn là biểu tượng tâm linh của mỗi ngôi làng.

Trải qua sự biến thiên của lịch sử, kể cả trong xã hội hiện đại, giếng làng vẫn là nơi tôn nghiêm, quây quần của cư dân, hơn nữa giếng làng còn giúp điều hòa không khí, tạo không gian thư thái cộng đồng.

Đi qua những làng cổ

Nếu như hồ Tây, hồ Gươm là những hồ huyền tích gắn với nhiều sự kiện quốc gia thì ở mỗi ngôi làng cổ tại Bắc bộ nói chung đều có giếng. Giếng làng là mạch nước ngầm tinh khiết, cung cấp nước cho cộng đồng dân cư, vậy nên người làng coi giếng làng như nguồn sống, như mạch máu của đất mẹ và cũng là mạch máu sinh tồn của con người.

Thời xa xưa, con người thường quần tụ gần những con sông, đây không chỉ là nguồn nước ăn mà còn là nguồn nước tưới tiêu quan trọng. Đến khi con người biết đào giếng lấy nước ngầm thì tản cư xa dần các con sông và giếng thay thế sông làm nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt. Nước giếng làng bao giờ cũng là nước trong nhất, sạch nhất có thể làm nước ăn trực tiếp mà không phải qua rửa lọc.

Hơi thở của giếng làng - Ảnh 1.

Giếng làng trước đình Nhị Khê (huyện Thường Tín)

Nói không đâu xa, ngay như làng tôi – làng Yên Phú (huyện Thường Tín, Hà Nội), từ xa xưa có tới 3 giếng làng của 3 xóm, tất cả đều là giếng đào theo kiểu hình tròn, biểu tượng cho mặt trời mang ý nghĩa luôn soi sáng, phản ánh hiện thực cuộc sống. Cách đây khoảng 20 năm, tôi vẫn thấy mẹ tôi gánh nước giếng về đổ vào bể nước ăn hằng ngày, nước ngày đó hơi xanh xanh màu rêu, có vị ngọt thanh. Việc của người phụ nữ mỗi sáng là ra giếng gánh vài gánh nước về để sinh hoạt, trừ những hôm trời mưa, đủ để thấy vai trò to lớn của giếng làng trong sinh hoạt. Đến nay, khi đã có nguồn nước máy về đến từng gia đình, cả ba giếng làng tôi vẫn được giữ nguyên và ngăn cấm mọi hành vi vứt rác xuống giếng.

Tôi từng đi qua một số ngôi làng cổ, phát hiện rằng, cho dù giếng làng không còn chức năng cung cấp nguồn nước sinh hoạt đi chăng nữa thì họ cũng không lấp giếng để xây dựng công trình khác. Giếng làng luôn được đào (hoặc tự nhiên) ở những vị trí đắc địa nhất trong làng như trung tâm làng, gần đường trục chính, gần đình chùa làng hoặc nơi tập trung đông dân cư. Ở một số nơi, giếng làng còn là nơi làng tế thành hoàng làng, lễ Phật hoặc làm lễ mộc dục (tắm thánh)...

Hơi thở của giếng làng - Ảnh 2.

Giếng làng trước đình Hạ Thái (huyện Thường Tín)

Tôi từng đặt chân đến một số ngôi làng xứ Đoài, các giếng ở đó thường được làm bằng đá ong trông rất cổ kính. Ngoài giếng làng còn có giếng xóm, giếng nhà... rồi xóm mang tên xóm Giếng. Và hầu hết, các giếng làng đều có một miếu thờ nho nhỏ ngay sát miệng giếng mà người ta quen gọi là ông thần giếng. Nhiều nơi đào giếng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ, theo quan niệm xưa, giếng làng còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, sự dồi dào sung mãn của người dân.

Còn nói về sự nên thơ của không gian văn hóa thì tôi nghĩ khu vực giếng làng Đại Định (huyện Thanh Oai, Hà Nội) là lãng mạn nhất. Miệng giếng không quá lớn nhưng khá sâu, lộ rõ những hàng gạch cổ, giữa lòng giếng những bông hoa súng rực nở, kề tựa đó là bóng đa già hàng trăm năm tuổi cùng một ngôi miếu nhỏ thâm nghiêm làm xao xuyến bao tâm hồn làng Việt.

Gìn giữ và bảo tồn

Giếng làng khác với ao đình. Bởi ao đình thường có hình bán nguyệt và không phải nơi cung cấp nước sinh hoạt. Có những nơi, giếng làng sẽ đóng vai trò như ao đình, như ở làng Đào Xá (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội), có giếng mắt rồng nằm ngay sát với hai ngôi đình cổ thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung và tổ nghề thêu Lê Công Hành. Dù đóng vai trò khác nhau, nhưng cả giếng làng và ao đình đều là những nơi mà người dân quây quần, nghỉ ngơi sau ngày dài lao động, nơi đây chứng kiến bao sự thay đổi của làng quê, vận động của xã hội và đón những người con xa xứ trở về.

Hơi thở của giếng làng - Ảnh 3.

Giếng làng Đại Định (huyện Thanh Oai)

Tại làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), gần chùa Sổ có một giếng mà người dân gọi là giếng mắt Rồng, rất linh thiêng. Người dân không bao giờ vứt rác xuống giếng hoặc có các hành vi khiếm nhã xuống giếng vì đó là biểu tượng cho sự linh thiêng của thế đất, con mắt của rồng nếu như bị tổn thương thì sẽ dẫn đến chuyện chẳng lành nên việc gìn giữ sự trong sáng của mắt rồng là nghĩa vụ của mọi người dân địa phương.

Có lần tôi về tham quan làng Hướng Xá (huyện Thường Tín), đi tới giếng làng, lúc đó là mùa giếng cạn, nước chỉ lưng chừng và lộ ra những hàng gạch múi cam xếp chồng khít lên nhau. Hỏi người qua đường, họ bảo đây là giếng ngọc, bởi từ xa xưa giếng đã tồn tại và quý giá đối với người dân. Đối với nhiều làng, giếng làng chính là tình người, nơi mà khi ta trở về có thể buông xả mọi buồn phiền. Nghe một số người dân kể, giếng làng thường được gọi là giếng ngọc bởi giếng là nơi phản chiếu ánh trăng tròn đẹp nhất, trong sáng như ngọc ngà mỗi đêm rằm. Đến nay, tuy giếng không được sử dụng để lấy nước nhưng nhiều nơi vẫn giữ tục thau giếng vào cuối năm để đón sinh khí đất trời, cầu cho dân làng một năm sung túc, đủ đầy.

Trước cơn bão đô thị hóa vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều không gian văn hóa bị tác động, ảnh hưởng và thu hẹp diện tích. Tuy nhiên, biểu tượng cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng vẫn được người dân địa phương gìn giữ vào bảo tồn. Nhưng trong thực tế, cũng có nhiều giếng làng rất cổ và hiếm như ở Đường Lâm và nhiều nơi khác chưa được kiểm kê như một di tích và đứng trước nguy cơ có thể bị san lấp để phục vụ mục đích khác bất cứ lúc nào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn