Trải qua hơn 100 năm, các thế hệ người thợ của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân (đa phần là nữ) vẫn miệt mài với công việc. Ngoài duy trì cuộc sống, đó còn là hành trình lưu giữ nét đẹp văn hóa địa phương.

HƠN 100 NĂM GIỮ NGHỀ DỆT CHIẾU CÓI PHÚ TÂN

Trải qua hơn 100 năm, các thế hệ người thợ của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân vẫn miệt mài với công việc. Ngoài duy trì cuộc sống, đó còn là hành trình lưu giữ nét đẹp văn hóa địa phương.  

Những phụ nữ giữ cho chiếu cói Phú Tân mãi tươi màu - Ảnh 1.

Nghề dệt chiếu cói Phú Tân đã tồn tại hơn 100 năm

Làng chiếu cói hơn 100 năm 

Ai đã sinh ra ở làng quê Việt Nam hẳn không một ai là không biết đến chiếc chiếu. Chiếu cói (lác) từ xưa đến nay trong mỗi gia đình Việt Nam đều sử dụng rất phổ biến và đại trà. Chiếc chiếu cói gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân tự bao đời nay, là sản phẩm thủ công vừa bình dị, vừa cao sang, vừa mộc mạc, vừa nghệ thuật…

Những phụ nữ giữ cho chiếu cói Phú Tân mãi tươi màu - Ảnh 2.

Cói được nhuộm màu

Ở miền Trung, khi nhắc đến nghề dệt chiếu thì không thể không nhắc đến làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân (ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Sản phẩm chiếu cói của làng nghề đa dạng về mẫu mã, màu sắc, kích thước và không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Trên con đường vào thôn Phú Tân 1, cứ cách vài nhà lại thấy một nhà làm nghề dệt chiếu cói thủ công với khung dệt chiếu vang lên lạch cạch bên trong và chiếu vừa dệt xong được trải phơi bên sân ngoài. Các bậc cao niên ở đây bảo, nghề dệt chiếu cói tồn tại ở mảnh đất này đã trên 100 năm tuổi.

Ðối với nghề dệt chiếu, nguyên liệu rất quan trọng nên phải lựa chọn thật kỹ, có được cọng cói vừa ý, chiếu làm ra mới chất lượng. Sau khi thu hoạch về, bà con phải giũ để loại bỏ những cọng cói ngắn hơn với kích thước thông thường là 1,6m chiều ngang của chiếu. Sau đó, cói được đem ra phơi, nhuộm màu, rồi tiếp tục phơi khô, trước khi dệt phải nhúng nước để cọng cói không bị gãy.

Những phụ nữ giữ cho chiếu cói Phú Tân mãi tươi màu - Ảnh 3.

Nhiều cụ bà ở thôn Phú Tân 1 vẫn miệt mài với nghề dệt chiếu cói

Những phụ nữ giữ cho chiếu cói Phú Tân mãi tươi màu - Ảnh 4.

Để dệt được một chiếc chiếu phải trải qua cả một quy trình phức tạp, đòi hỏi người dệt phải cẩn trọng từng khâu

Để dệt được một chiếc chiếu cói theo phương pháp thủ công truyền thống cần có 2 người, một người luồn cói, một người dập go và phải trải qua cả một quy trình phức tạp, đòi hỏi người dệt phải cẩn trọng từng khâu.

Hiện nay, chiếu cói dệt thủ công vẫn được thị trường đón nhận nhưng giá rẻ hơn so với chiếu cói dệt máy. Vì hiệu quả kinh tế, một số gia đình ở làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất.

Năm 2010, lần đầu tiên chị Nguyễn Thị Kim Phương (ngụ thôn Phú Tân 1) mua 2 máy dệt chiếu về sản xuất thử nghiệm đã tạo bước ngoặt cho làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân. Sản phẩm đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng, đầu năm 2011, gia đình chị Phương đã đầu tư hơn 850 triệu đồng mua thêm 11 máy dệt chiếu, 3 máy may bìa, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.

"Để dệt một chiếc chiếu thủ công luôn phải cần đến 2 người, miệt mài cả ngày cũng chỉ được 2 - 4 đôi là cùng. Trong khi đó, để điều khiển một máy dệt chiếu, chỉ cần một người ngồi đưa sợi cói vào máy và theo dõi máy chạy. Loại máy này còn có thể dệt nhiều loại chiếu với đủ kích cỡ, hoa văn khác nhau, tùy theo người điều chỉnh. Chiếu dệt bằng máy có ưu điểm là chiếu dày, chắc nên giá trị cao gấp đôi chiếu dệt thủ công. Nếu một đôi chiếu 1,6m dệt thủ công giá chỉ khoảng 80 nghìn đồng thì chiếu dệt máy giá lên 160 nghìn đồng", chị Phương cho hay.

Một số gia đình ở làng nghề dệt đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất. Ở thôn Phú Tân 1 hiện có 3 hộ dệt chiếu bằng máy với tổng số 43 máy.

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân hiện có 156 hộ làm nghề. Trong đó, 3 hộ dệt chiếu bằng máy với tổng số 43 máy, 76 công nhân; 153 hộ dệt chiếu thủ công, mỗi hộ dệt từ 2 đến 4 đôi chiếu/ngày, thu nhập khoảng 60 nghìn đồng/người/ngày. Ở địa phương có nguồn cói nguyên liệu tại chỗ với diện tích trồng 17,9ha nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn cung cho các cơ sở sản xuất.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Theo UBND huyện Tuy An, nghề dệt chiếu cói Phú Tân đã tồn tại hơn 100 năm và được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là làng nghề vào năm 2013. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, sản xuất chiếu cói ở đây còn nhỏ lẻ, chỉ ở quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở trong quá trình sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… Để bảo tồn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị làng nghề, tháng 3/2022, UBND huyện Tuy An đã ban hành đề án bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói gắn với du lịch xã An Cư giai đoạn 2021 - 2025.

Người dệt chiếu tỉ mẩn trong từng công đoạn. Phần lớn lao động làm nghề dệt chiếu cói Phú Tân là nữ.

Với mục tiêu phát triển làng nghề dệt chiếu cói đảm bảo bền vững, gắn sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch trải nghiệm cộng đồng, đến năm 2025, đề án trung quy hoạch vùng trồng cói lên đến 50ha, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất của làng nghề; mở rộng quy mô sản xuất đối với cơ sở sản xuất chiếu cói bằng máy công nghiệp nhằm đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm làng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề trong và ngoài tỉnh.

Nhằm triển khai thực hiện đề án đảm bảo hiệu quả, huyện Tuy An đã bố trí 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ sản xuất phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường thiết bị mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây cói và sản phẩm từ cói. Đồng thời, xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, trao đổi, mua bán các sản phẩm làng nghề chiếu cói gắn với điểm du lịch tại danh thắng cấp quốc gia đầm Ô Loan.

Những phụ nữ giữ cho chiếu cói Phú Tân mãi tươi màu - Ảnh 7.

Sản phẩm của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tiêu thụ khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Ngày nay, bên cạnh các sản phẩm giường, nệm cao cấp thì chiếu cói vẫn được nhiều gia đình ưa chuộng ở cả thành thị và nông thôn. Chiếu cói để ngồi ăn cơm, nằm, đắp, gối đầu, dùng để tiếp khách, chuyện trò, hóng mát, dùng trong sinh nở, trải giường tân hôn…

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân vẫn luôn bền bỉ duy trì, tồn tại, lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu năm, có giá trị tinh thần rất lớn đối với thế hệ sau này.

Nhuận Trí - Dũng Nhân
15/05/2023 09:00