Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Trường Hùng
21/07/2021 - 07:00
Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Người khuyết tật hào hứng tham gia sự kiện Chạy cùng Người khuyết tật “Ko khoảng cách - Ko giới hạn” được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị, năm 2019.

Báo cáo tổng kết Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, đã có hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình được tiếp cận các hoạt động của dự án có những thay đổi rõ rệt.

Ngày 21/7, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ tổng kết dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" giai đoạn 2018 – 2021, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Theo đó, dưới sự tài trợ từ USAID, Dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật" được ACDC triển khai tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam từ năm 2018 - 2021. Mục tiêu của dự án nhằm hướng tới việc cải thiện việc thực thi chính sách về khuyết tật (tập trung vào tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khoẻ).

Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Cắt băng khánh thành Nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam

Riêng tại tỉnh Quảng Nam, Dự án triển khai từ tháng 3/2019 - 8/2021. Đến nay, với nhiều hoạt động khác nhau tại tỉnh, Dự án đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của các bên liên quan và cả người khuyết tật về vấn đề khuyết tật cũng như xây dựng các mô hình mẫu thiết thực. Mô hình Nhà trung chuyển, thí điểm tuyến xe buýt tiếp cận cho người khuyết tật nhìn là những mô hình điển hình. Hoàn thành 3 đường dốc tiếp cận tại các trụ sở UBND, 1 lối xuống biển tiếp cận cho người khuyết tật tại bãi biển Tam Thanh. Một mô hình nhà chờ xe buýt tiếp cận cho người khuyết tật đang được triển khai, có thể áp dụng nhân rộng trong tương lai.

Cùng với đó, Dự án cũng tổ những nhiều lớp tập huấn hòa nhập khuyết tật. Nhiều người khuyết tật, cán bộ Hội Người khuyết tật đã được đào tạo trở thành giảng viên nguồn về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, về hòa nhập khuyết tật, sống độc lập… Theo báo cáo, đã có hơn 2.754 người khuyết tật cùng gia đình được tiếp cận các hoạt động của Dự án và có những thay đổi rõ rệt.

Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 2.

Người khuyết tật tự tin, mạnh dạn trình bày ý kiến trong lớp tập huấn giảng viên nguồn về bạo lực trên cơ sở giới dành cho người khuyết tật

Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 3.

Người khuyết tật và cán bộ ACDC cùng vệ sinh bình lọc nước để sử dụng trong đợt cứu trợ lũ lụt, năm 2020

Ông Trà Quang Cung, người khuyết tật huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chia sẻ: "Nếu sớm biết dự án này, có lẽ cuộc đời tôi đã thay đổi khác nữa. Nhờ chuyến đi tập huấn do dự án tổ chức, tôi nhận ra, hiểu ra nhiều vấn đề, nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Trước đây tôi không tự tin, không dám đi ra ngoài, cũng ít tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc với thế giới xung quanh. Nhờ qua Dự án mà tôi biết được nhiều người".

Trong năm 2020, nhằm góp phần hỗ trợ và sẻ chia những khó khăn với người khuyết tật, thông qua Dự án, nhà tài trợ USAID và ACDC đã trao 700 suất quà cho người khuyết tật bị ảnh hưởng do lũ lụt tại huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Nông Sơn và Nam Trà My. Hỗ trợ sách giáo khoa cùng bàn ghế cho 2 trường tiểu học – Trường Tiểu học số 3 Nam Phước (TT Nam Phước, Duy Xuyên), Trường Tiểu học Phù Đổng (xã Bình Tú, Thăng Bình). Hỗ trợ lợp 4 mái nhà cho người khuyết tật tại huyện Nông Sơn và tại Làng Hòa Bình Quảng Nam.

Hơn 2.700 người khuyết tật cùng gia đình có thay đổi rõ rệt khi tiếp cận dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh 4.

Thí điểm xe buýt tiếp cận cho người khuyết tật tại Quảng Nam, tháng 6/2021

Chia sẻ về kết quả của Dự án, bà Lưu Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban quản lý Dự án tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Hoạt động của Dự án được triển khai trên nhiều lĩnh vực, chúng tôi tâm đắc nhất là việc hỗ trợ nâng cao năng lực người khuyết tật cũng như việc tiếp cận các chính sách đã được lồng ghép, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. Qua 3 năm triển khai Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thay mặt Ban quản lý dự án cũng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi đánh giá rất cao và cảm ơn Dự án đã đồng hành cùng với chúng tôi để triển khai các nội dung, mục tiêu đề ra. Đến bây giờ, chúng ta có thể phấn khởi khẳng định rằng, các nội dung, chỉ tiêu, hoạt động từ đầu khi xây dựng Dự án cơ bản đã đạt được."

ACDC là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho người khuyết tật và các nhóm người yếu thế khác tại Việt Nam. Với sứ mệnh "Chia sẻ niềm tin và nâng cao vị thế" cho người khuyết tật ở Việt Nam. Đến năm 2025, ACDC phấn đấu trở thành tổ chức tiên phong trong việc tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho người khuyết tật và nhóm yếu thế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm