Hồn dân tộc qua ca dao: Biểu tượng trầu cau trong lời răn dạy của cha ông

06/06/2022 09:38
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ xa xưa, thói quen ăn trầu đã trở thành một phong tục truyền thống của người Việt Nam. Hình ảnh trầu cau đi vào thi ca với những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt mà không nhiều người biết đến.

Trầu cau là nghi lễ giao tiếp tối thiểu

Khi gặp gỡ nhau, dù quen hay lạ, người Việt xem miếng trầu là đầu câu chuyện. Nhờ có nghi lễ mời nhau ăn miếng trầu mà mối quan hệ giao tiếp giữa hai bên được diễn ra trọn vẹn, có đầu có đuôi. 

Trong bài ca dao: Tiện đây mời ăn miếng trầu/Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là?/Có trầu mà chẳng có cau/Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm, nhân vật giao tiếp đã mời người lạ một miếng trầu để khiến cái sự lạ thành quen, không chỉ lấy cớ hỏi thăm quê quán, mà còn ý nhị gửi gắm cảm tình: Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm? Có những khoảnh khắc gặp gỡ dù ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng nhau ấn tượng tốt đẹp, hứa hẹn tình cảm lâu dài.

Với người Việt, "miếng trầu là đầu câu chuyện"

Người Việt xem "miếng trầu là đầu câu chuyện"

Biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc lứa đôi

Trong hôn nhân, cưới hỏi của người Việt không thể thiếu được trầu cau, đây được xem là sính lễ bắt buộc. Trầu cau là biểu tượng cho tình yêu lứa đôi, hạnh phúc lâu bền. 

Bài ca dao Trầu vàng nhá lẫn trầu xanh/Duyên anh sánh với tình anh tuyệt vời là lời tỏ tình mộc mạc nhưng chân thành của chàng trai với người con gái mình thương. Bài ca dao Anh về cuốc đất trồng cau/Cho em trồng ké dây trầu một bên/Mai sau trăm họ lớn lên/Cau kia ra trái làm nên cửa nhà là lời hứa hẹn và tin tưởng về một tương lai hạnh phúc, xây dựng cuộc sống ấm êm nhờ tình yêu thủy chung, bền chặt.

Trầu cau thể hiện thái độ sống, cách cư xử giữa người với người

Người xưa mượn miếng trầu, quả cau để thể hiện thái độ yêu, ghét rõ ràng. Nhìn vào cách nhân vật trữ tình bổ miếng cau: thương thì bổ làm ba, ghét thì bổ làm mười mà đoán biết được ẩn ý trong đó. Nếu đã thật sự yêu mến nhau thì chỉ ăn trầu vỏ cũng đã say (thông thường, trầu được ăn kèm với cau đậu, rễ tía và vôi mới tạo nên vị cay nồng), nhưng nếu đã ghét nhau thì cau đậu đầy khay chẳng màng. Bài ca dao còn hàm ý ca ngợi tình cảm mộc mạc, bình dị quý hơn vật chất:

Thương nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười/Yêu nhau trầu vỏ cũng say/Ghét nhau cau đậu đầu khay chẳng màng.

Trầu têm cánh phượng

Trầu têm cánh phượng

Trầu cau là lời răn dạy con người khi trưởng thành

Bài ca dao: Đi đâu cho đổ mồ hôi/Chiếu trải không ngồi trầu để không ăn/Thưa rằng bác mẹ tôi răn/Làm thân con gái chớ ăn trầu người là lời răn dạy của bậc làm cha mẹ đối với con gái mình. Người con gái khi đến tuổi trưởng thành phải có công, dung, ngôn, hạnh, trong cách cư xử với người cần giữ gìn, ý tứ, không nên tùy tiện nhận miếng trầu, quả cau của người khác. Cách cô gái nhớ lời cha mẹ răn mà từ chối: Làm thân con gái chớ ăn trầu người chứng tỏ cô là người kín đáo, nết na, không vội vàng, hy vọng một mối duyên sẽ bền chặt, tốt đẹp theo thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.